Trong bài viết đăng trên tạp chí The National Interest, nhà phân tích Michael Peck đã nêu ra 5 điểm khác biệt chính trong hai cuộc Chiến tranh Triều Tiên:
1 - Không có chiến tranh chớp nhoáng (Blitzkrieg)
Lý do lớn nhất là qui mô của hai lực lượng quân đội chống đối nhau. Hàn Quốc hiện có hơn 500.000 binh sĩ thường trực được trang bị tận răng (so với 95.000 binh sĩ được đào tạo sơ sài trong năm 1950), với sự hỗ trợ của 37.000 binh sĩ Mỹ. Đó là lực lượng khổng lồ, nhưng vẫn chỉ bằng một nửa qui mô của Quân đội Nhân dân Triều Tiên với 1,2 triệu binh sĩ và được 21.000 trọng pháo yểm trợ. Phần lớn lực lượng của hai bên lại tập trung vào Khu phi quân sự (DMZ) chỉ dài có 250 dặm.
|
Quân đội Nhân dân Triều Tiên có 1,2 triệu binh sĩ và hơn 21.000 trọng pháo. Ảnh: Sputnik International |
Một cuộc tấn công bộ binh bất ngờ qua DMZ của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (với sự yểm trợ của lực lượng pháo binh khổng lồ và lực lượng đặc biệt) được cho là đủ sức vượt qua các tuyến phòng thủ biên giới và tiến đến Seoul. Nhưng với rất nhiều binh sĩ hai bên bị nhồi nhét trong một chiến trường rất nhỏ hẹp và quá trình đô thị hóa ở Hàn Quốc gần 70 năm qua, đây sẽ là một cuộc đụng độ vô cùng đẫm máu, chứ không phải là một cuộc chiến chớp nhoáng. Ngược lại, chiến dịch phản công của liên quân Mỹ-Hàn Quốc qua vĩ tuyến 38 đến Bình Nhưỡng sẽ phải vượt qua những ngọn đồi đẫm máu trong những năm 1950-53. Thậm chí, nhưng lần này những quả đồi đó còn kiên cố gấp bội.
2 - Cuộc chiến công nghệ cao
Chiến tranh Triều Tiên lần thứ nhất được cho là cuộc xung đột đầu tiên thời Chiến tranh Lạnh. Mặc dù có một số loại vũ khí mới - đặc biệt là máy bay chiến đấu, hầu hết các loại vũ khí mà hai bên sử dụng đều là loại tồn kho từ Chiến tranh Thế giới thứ II như xe tăng T-34 và chiến đấu cơ P-51 Mustang. Tuy nhiên, cuộc Chiến tranh Triều Tiên lần 2 sẽ bao gồm các loại vũ khí tiên tiến nhất (ít nhất từ phía liên quân Mỹ-Hàn) như máy bay tàng hình, tên lửa dẫn đường chính xác và bom phá công sự (nhưng hy vọng không sử dụng vũ khí hạt nhân).
Tuy tiến bộ công nghệ không thể thay thế những người lính chiến đấu trên mặt đất, nhưng chắc chắn nó sẽ làm thay đổi đặc tính của cuộc chiến hồi những năm 1950.
3 - Mỹ không muốn đánh nhau với Trung Quốc
Đây được cho là sự khác biệt lớn nhất giữa hai cuộc chiến. Có thể nói, giai đoạn cuối của Chiến tranh Triều Tiên lần thứ nhất chính là Chiến tranh Trung Quốc-Mỹ. Thật khó tưởng tượng, 300.000 tình nguyện quân Trung Quốc một lần nữa lại vượt sông Áp Lục để cứu nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Nhưng nếu Trung Quốc can thiệp thì tốt nhất là không nên nghĩ về hậu quả khủng khiếp của cuộc chiến. Mỹ không muốn tiến hành một cuộc chiến trên đất liền với Trung Quốc ngay trước ngưỡng cửa nước này. Người Trung Quốc cũng không muốn đánh nhau với một siêu cường hạt nhân đồng thời cũng là khách hàng kinh tế lớn nhất của họ.
4 - Quân đội Mỹ sẽ không sử dụng lính nghĩa vụ quân sự
Trong Chiến tranh Triều Tiên thứ nhất, Mỹ đã tổng động viên 1,5 triệu lính nghĩa vụ quân sự và quân dự bị, nhiều người trong số đó đã chiến đấu trong Chiến tranh thế giới II. Lần này, Mỹ sẽ sử dụng lực lượng tình nguyện. Sử dụng một đội quân chuyên nghiệp ít gây vấn đề chính trị hơn, nhưng điều này cũng có nghĩa là Quân đội Mỹ sẽ bị căng trải quá nhiều vì còn phải cam kết với châu Âu, Trung Đông và châu Á.
5 - Triều Tiên có vũ khí hạt nhân
CHCDND Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Triều Tiên lần thứ nhất , nhưng bây giờ thì khác. Nguy cơ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trên chiến trường sẽ lớn gấp bội so với cuộc chiến 1950-1653, khi tướng Douglas MacArthur kêu gọi sử dụng vũ khí nguyên tử trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, ở đây, ít nhất cũng có một sự tương đồng giữa những năm 1950 và năm 2017. Ngay cả trong thời kỳ đen tối nhất của Chiến tranh Triều Tiên lần thứ nhất, Tổng thống Mỹ thời đó là Harry Truman vẫn không cho phép sử dụng vxu khí hạt nhân có thể gây ra Chiến tranh Thế giới thứ III với Liên Xô. Ngày nay, CHDCND Triều Tiên có một kho vũ khí hạt nhân mà không thể sử dụng , nếu muốn tránh bị xóa sổ bởi chính thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Hoa Kỳ có trong tay vũ khí hạt nhân tiên tiến hơn, nhưng xem ra, không một vị Tổng thống Mỹ nào muốn đi vào lịch sử như một người đã ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên Sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Nhà bình luận Michael Peck khẳng định Chiến tranh Triều Tiên lần thứ II, nếu chẳng may xảy ra, sẽ là một cuộc xung đột đẫm máu những nó sẽ không phải là một bản sao của cuộc chiến 1950-1953.