Nhật bị Trung Quốc đe dọa quân sự nghiêm trọng

Google News

(Kiến Thức) - Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto cho rằng không chỉ có Nhật Bản, mà còn cả các nước Châu Á khác, đang bị Trung Quốc đe dọa quân sự nghiêm trọng.

 Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto.

Trả lời phỏng vấn của mạng tin Foreign Policy, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto nói về vấn nạn tấn công mạng, về Biển Hoa Đông và về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Sau đây là trích lược cuộc phỏng vấn nói trên:

+ Làm thế nào mà Nhật Bản nói với Mỹ rằng Trung Quốc là một mối đe dọa?

- Mỹ rất tự tin vào khả năng quân sự và sức mạnh của mình cũng như khả năng triển khai sức mạnh trong tương lai. Nhưng  Nhật Bản, và hầu hết các nước ASEAN, đang phải đối mặt với mối đe dọa quân sự rất nghiêm trọng của Trung Quốc. Về cơ bản, dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã áp dụng chính sách can dự với Trung Quốc. Nhưng chúng tôi cho rằng phương pháp tiếp cận ngăn ngừa rủi ro là cần thiết, cả đối với Mỹ lẫn Nhật Bản, để đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở các đại dương.

+ Ông có lo ngại về khả năng Trung Quốc và Nhật Bản sa vào một cuộc chiến?

- Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tuyên chiến và tấn công quần đảo Senkaku bằng   lực lượng đổ bộ. Tuy nhiên, họ có ý định thể hiện chủ quyền đối với các hòn đảo này. Tàu công vụ Trung Quốc có thể bắt các tàu đánh cá của chúng tôi, trong phạm vi lãnh hải của quần đảo Senkaku. Hoặc có thể họ sẽ gửi tàu công vụ và các tàu đánh cá vào vùng lãnh hải cũng như đem một vài đơn vị nhỏ đổ bộ lên quần đảo Senkaku và giương cờ  Trung Quốc - tương tự những gì  họ đã làm ở Biển Đông.

Lập trường cơ bản của chúng tôi là không khiêu khích Trung Quốc, rất bình tĩnh và rất kiên nhẫn để bảo vệ lãnh thổ của mình. Tôi nghĩ rằng cách hành xử này sẽ tiếp tục một thời gian dài.

+ Nhật Bản dễ bị tổn thương đến mức nào trước các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc?

- Xã hội Nhật Bản - bao gồm cả các cơ quan chính phủ cũng như một phần của các ngành công nghiệp quốc phòng và công nghệ thông tin - là mục tiêu của các vụ tấn công tin tặc từ Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc phủ nhận tiến hành các vụ tấn công có chủ ý. Vấn đề là chúng ta không có luật pháp quốc tế cụ thể và toàn diện để ngăn cấm vụ tấn công hoặc khủng bố mạng chống lại nước khác. Chủ yếu là do định nghĩa của mạng là rất khó khăn, phức tạp. Thậm chí nếu có thể định nghĩa không gian mạng là gì, chúng ta lại không có tổ chức quốc tế hoặc cơ chế để phát hiện các vụ tấn công. Và thậm chí, nếu có thể phát hiện các vụ tấn công, chúng ta cũng không thể can thiệp vào chủ quyền của một quốc gia khác.

+ Ông có nghĩ rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang kiểm soát chính sách hay để cho các viên tướng võ biền đưa ra quyết định?

- Ông Tập Cận Bình đã kiểm soát không chỉ ĐCS Trung Quốc mà còn cả Quân Giải phóng Nhân dân. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng một nhóm nhỏ các sĩ quan quân đội hiếu chiến sẽ tự ý hành động mà không có sự chỉ đạo cụ thể từ Ban chấp hành Trung ương Đảng hoặc của Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc.

Đã từng xảy ra hai sự cố, gần như đồng thời. Đó là tàu chiến Trung Quốc chĩa radar hướng dẫn vũ khí vào một tàu khu trục Nhật Bản hồi tháng Giêng và cũng chĩa radar tương tự vào một chiếc trực thăng của Nhật Bản. Hai sự cố trên do hai tàu chiến khác nhau của Trung Quốc gây ra. Điều này có nghĩa là do hai chỉ huy khác nhau ra lệnh. Nhưng tôi không nghĩ rằng đó là mệnh lệnh của một nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc.

+ Quay sang Triều Tiên, ông có tin rằng nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đang thực sự điều hành đất nước?

- Chúng tôi không có bằng chứng về mức độ kiểm soát của ông ta, trong đảng lẫn quân đội. Chúng tôi có bằng chứng cho thấy Kim Jong-un không bao giờ có một cuộc nói chuyện trực tiếp với bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên thế giới. Thậm chí cũng không nói chuyện với lãnh đạo Trung Quốc.

+ Vậy là ông có nguồn tin ở Bắc Triều Tiên?

- Chúng tôi có nhiều nguồn tin ở bên trong Bắc Triều Tiên, nhưng tiếc là tôi không thể nói cụ thể. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có nguồn tình báo riêng, nhưng theo những cách khác nhau.

+ Những cách khác nhau như thế nào?

- Mỹ có vệ tinh, Hàn Quốc có nhân viên tình báo tại chỗ và Nhật Bản có gần 200.000 kiều dân Triều Tiên, trong đó có một số là đại biểu Quốc hội Triều Tiên.

+ Liệu Nhật Bản có nên xin lỗi một lần nữa cho tội ác chiến tranh? Làm thế nào mà Nhật Bản có thể học hỏi việc nước Đức đối xử với Israel để khắc phục hậu quả Chiến tranh thế giới thứ 2?

- Chúng tôi đã xin lỗi về quá khứ lịch sử,  không chỉ đối với Trung Quốc và Hàn Quốc mà còn đối với các nước Châu Á khác. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã không gây ra bất kỳ sự cố hay vấn đề lịch sử nào. Chúng tôi không hề đánh chiếm và cũng không đe dọa một quốc gia khác. Chúng tôi đã tập trung vào việc xây dựng lực lượng quốc phòng của chúng tôi một cách rất hòa bình và không bao giờ gửi quân ra ngoài lãnh thổ, trừ khi tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đã hơn 68 năm trôi qua kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, tôi không thể hiểu vì sao mà mỗi năm Trung Quốc nêu ra những sự kiện lịch sử đáng quên đó.

Ông Satoshi Morimoto từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản từ tháng 7 đến tháng 12/2012 và hiện thời ông là giáo sư Đại học Takushoku. Ông là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 không phải là nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản. Ông Morimoto là một chuyên gia quốc phòng, chứ không phải là một chính khách.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (lược dịch)

Bình luận(0)