Thế lực “phái diều hâu” TQ và xâm chiếm Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Luôn tuyên bố “trỗi dậy hòa bình”, nhưng cách hành xử "diều hâu" của Trung Quốc thời gian qua đã làm cho các nước láng giềng và Mỹ lo ngại.

 Tướng Lương Quang Liệt kiểm tra súng.

Từ những năm 1980, Trung Quốc đưa ra khẩu hiệu “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” trên vùng biển chồng lấn. Nhưng trên thực tế, các nước láng giềng đều bị Trung Quốc gây rối, phá hoại khi họ khai thác, tác nghiệp trên vùng biển này. Báo chí Trung Quốc thừa nhận “từ năm 2005 tình hình tranh chấp lãnh thổ với các nước tăng lên và năm 2009 là năm đỉnh điểm”.

Một số tờ báo Trung Quốc cho rằng điều này gắn liền với thế lực của “phái diều hâu” cứng rắn đang tăng lên, điển hình là một số tướng lĩnh trong quân đội Trung Quốc.
 
Trong bài “Trung Quốc cần có nhiều nhân vật diều hâu” đăng trên China Online ngày 10/3/2009,  giáo sư Văn Tự (Trường đại học bưu điện Bắc Kinh) cho rằng hiện rất nhiều nước trên thế giới đều có “phái diều hâu”, rất cứng rắn trong vấn đề chủ quyền và lợi ích quốc gia. Phái này có ảnh hưởng đáng kể đối với phương hướng phát triển của đất nước, nhất là đối với hoạch định chính sách đối ngoại, quân sự, an ninh. Tác giả thừa nhận những phát ngôn của “phái diều hâu” dễ bị lợi dụng, làm lu mờ hình tượng hòa bình của Trung Quốc.

Trong bài “Vì sao tướng Lương Quang Liệt mất chức Bộ trưởng Quốc phòng?”, mạng tin Souhu viết Lương Quang Liệt là đại diện của “phái diều hâu” ở Trung Quốc. Kể từ khi nhậm chức Tổng Tham mưu trưởng năm 2003,  ông này có thái độ cứng rắn cùng những phát ngôn quá khích và những ứng xử thô bạo bất lợi đối với hình tượng hòa bình của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Năm 2005 khi tiếp Tư lệnh Các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, Lương Quang Liệt nói quân đội Trung Quốc có thể tiêu diệt mọi kẻ thù trên chuỗi đảo phòng thủ số 1 của Mỹ (bao gồm Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippin). Để tiêu diệt từ 2-3 tàu sân bay của Mỹ, Trung Quốc cũng không tốn nhiều tên lửa.

Trả lời câu hỏi liệu Nhật Bản có ủng hộ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công thôn tính đảo này, Lương Quang Liệt nói: “Trung Quốc sẽ đánh phủ đầu, không chỉ đánh Đài Loan mà đánh luôn cả Nhật Bản”.

Năm 2008, khi giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, thái độ cứng rắn của Lương Quang Liệt càng tăng lên. Ngày 13/10/2010 khi trả lời câu hỏi nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan thì Mỹ, Nhật có thể can thiệp, Lương Quang Liệt nói cho dù cả hai nước ủng hộ Đài Loan thì Trung Quốc chỉ cần 3 ngày đánh chiếm toàn bộ đảo này. Trung Quốc không lo ngại hai nước ủng hộ Đài Loan mà chính là hai nước lo sợ họ bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc chẳng những vượt qua Eo Biển Đài Loan mà con vượt qua cả Eo biển Triều Tiên.

Tờ báo cho rằng không chỉ có những phát biểu quá khích, Lương Quang Liệt còn có những hành động quá khích không phù hợp với chủ trương của Trung ương là “hòa hoãn hữu nghị với Nhật Bản và Mỹ”.

Tờ Doanh nghiệp của Trung Quốc ngay từ ngày 19/10/2011 cho rằng thái độ quá khích của Lương Quang Liệt đã làm lu mờ hình tượng quốc tế của Trung Quốc và đây là điềm báo hiệu ông sẽ bị mất chức.

Ngay tờ Thời báo Hoàn cầu, một phụ trương của Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của ĐCS TQ, ngày 8/1/2011 đã phải than phiền là báo chí phương Tây đều cho rằng: “Trung Quốc là nước kinh tế lớn, nhưng chính trị cô lập. Hình tượng của Trung Quốc trên trường quốc tế là một nước ngoan cố, cố chấp, đi ngược với chủ trương chung của đa số nước, quan hệ đối ngoại năm 2010 của Trung Quốc bị giảm sút lớn, thậm chí bị thụt lùi và còn bị gạt ra rìa trong nhiều hội nghị quốc tế lớn”.

Học giả người Mỹ gốc Hoa là Bùi Mẫn Hân cho rằng tham lam, yêu sách lãnh thổ và cách ứng xử thô bạo là nguyên nhân chủ yếu gây ra nỗi lo ngại của các nước láng giềng. Việc Mỹ dễ dàng trở lại châu Á-Thái Bình Dương cũng do thái độ ứng xử thô bạo của Trung Quốc gây ra.

Trang web China online của Trung Quốc cũng phải thừa nhận: “Chúng ta phải tỉnh táo, bình tĩnh xem xét lại mình. Nhìn lại quan hệ đối ngoại những năm qua cho thấy rất nhiều nước đều lạnh nhạt và xa lánh Trung Quốc... Châu Á là láng giềng của Trung Quốc, nhưng có mấy nước gắn bó với Trung Quốc, trái lại càng xa lánh... Chúng ta vẫn tuyên truyền bạn bè khắp năm châu, nhưng giờ đây nhìn lại có mấy nước là bạn bè?”

Hiện nay Thường Vạn Toàn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Tướng Toàn người tỉnh Hà Nam, sinh năm 1949, từng giữ chức Tham mưu trưởng Đại Quân Khu (ĐQK) Lan Châu, năm 2003 là Tham mưu trưởng ĐQK Bắc Kinh, năm 2004 là Tư lệnh ĐQK Thẩm Dương, năm 2007 là Chủ nhiệm Tổng cục vũ khí trang bị, năm 2013 là Ủy viên Quân ủy trung ương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc.

Dư luận cho rằng, dù tướng Lương Quang Liệt mất chức Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng thế lực của “phái diều hâu” đang tăng lên ở Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông trong thời gian gần đây. Chính vì vậy, các nước láng giềng không mấy hy vọng Trung Quốc thay đổi thái độ đối với các nước láng giềng ven Biển Đông.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:





Kiều Tỉnh

Bình luận(0)