Trung Quốc “thôn tính” Siberia của Nga?

Google News

(Kiến Thức) – Nếu không có chính sách dân số và phát triển kinh tế thỏa đáng, miền Đông nước Nga có nguy cơ rơi vào vòng tay của Trung Quốc trong tương lai.

 Thợ săn hổ Siberia.

Theo các chuyên gia Nga, tuy vẫn còn vài thập kỷ nữa Trung Quốc mới trở thành cường quốc số 1 thế giới, nhưng Điện Kremlin phải chuẩn bị đối phó nguy cơ miền Đông bị “thôn tính”  ngay từ bây giờ. Người Nga nên sử dụng “thời gian ân hạn” này để phân bổ nguồn lực và tiến hành các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và dân số ở vùng lãnh thổ mênh mông rộng lớn ở phía Đông Ural để không trở thành thuộc địa chuyên cung cấp nguyên liệu thô cho Trung Quốc.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế tiên đoán Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới vào năm 2016. Còn  Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ thì lùi thời điểm này đến năm 2030.

Trong khi đó, sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc đang gây ra một sự xáo trộn địa chính trị, với việc các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới vắt óc suy nghĩ về việc làm thế nào để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tất nhiên, Tổng thống Vladimir Putin không phải là ngoại lệ.. Ông sẽ có một cơ hội để “tối đa hóa lợi ích” của Nga, khi tân Chủ tịch nước Tập Cận Bình chọn Nga cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ công bố các thỏa thuận song phương mới về kinh tế và nhắc lại sự đồng thuận về một số vấn đề quốc tế. Sự đồng thuận này phản ánh sự tương đồng lợi ích hiện tại của Nga và Trung Quốc trong việc đối phó sự thống trị của Mỹ, duy trì độc quyền cho phép sử dụng vũ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và ngăn chặn thay đổi chế độ ở các quốc gia mà hai bên đều có quyền lợi.

Hai nước cũng được hưởng lợi từ việc tiếp tục phát triển thương mại song phương vốn đạt mức 83 tỷ USD năm ngoái và khiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

Nếu đạt được thỏa thuận về giá cả, Nga sẽ giúp Trung Quốc thỏa mãn nhu cầu khí đốt dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2030, trong khi các nước châu Âu đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt Nga của Tập đoàn quốc doanh khổng lồ Gazprom.

Trung Quốc cũng là cũng một trong các khách hàng hào phóng nhất của ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, Ngành này vốn là chìa khóa để giúp nước Nga vừa tự trang bị vũ khí, vừa góp phần đa dạng hóa nền kinh tế quốc gia vốn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu năng lượng.

Tuy nhiên, sự nổi lên của Trung Quốc không phải là không mang lại rủi ro  cho các nước láng giềng. Và rủi ro này đang ngày càng gia tăng không chỉ đối với Liên bang Nga mà còn đối với các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, trừ khi các nhà lãnh đạo Nga giải được bài toán “bất bình đẳng ngày càng tăng” trong mối quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc.

Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2011, Trung Quốc có 1,344 tỷ dân và GDP đạt mức 7,3 nghìn tỷ USD, xếp thứ 2 trên thế giới. Trong khi đó, Nga có 142 triệu dân và GDP đạt mức 1,86 nghìn tỷ USD, xếp hạng thứ  9 thế giới. Nếu tính theo sức mua, GDP của Trung Quốc gấp 5 lần GDP của Nga trong năm  2013 và gấp 6 lần vào năm 2017, theo dự báo của IMF.


Hồi tháng 8/2012, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã từng cảnh báo: “Viễn Đông ... nằm cách Moscow rất xa và thật không may, chúng ta lại không có nhiều người ở đó và phải bảo vệ khu vực này trước sự bành trướng quá mức của dân chúng các nước láng giềng”.

Thái độ thận trọng của Moscow đối với Bắc Kinh cũng được phản ánh trong học thuyết 2013 về chính sách đối ngoại của Nga, trong đó kêu gọi xây dựng “quan hệ đối tác chiến lược” với Ấn Độ, nhưng chỉ “hợp tác chiến lược” với Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, giới lãnh đạo quân sự Nga đã nêu ra những  thách thức do nước láng giềng khổng lồ ở phía đông gây ra. Năm 2009, Tư lệnh lục quân Nga, Trung tướng Sergei Skokov, cho rằng cần phải có đến một triệu quân được trang bị hiện đại để bảo vệ những vùng lãnh thổ ở phía Đông dãy núi Ural.

Gần đây hơn, Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Vysotsky, đã cảnh báo rằng ở Bắc Cực “có một loạt các quốc gia ... đang thúc đẩy mạnh mẽ lợi ích của họ bằng mọi cách có thể, đặc biệt là Trung Quốc”. Để đối phó, “tàu chiến của Hạm đội Bắc Băng Dương và của Hạm đội Thái Bình Dương cần tiếp tục gia tăng sự hiện diện quân sự  khu vực Bắc Cực”.

Sẽ là đáng ngạc nhiên, nếu giới tướng Nga không có kế hoạch dự phòng  một cuộc xung đột có thể với Trung Quốc - nước được dự báo sẽ có ngân  sách quốc phòng lớn nhất thế giới sau đây 20 năm và kể từ năm 1949, từng dính líu vào 23 vụ tranh chấp lãnh thổ (trong đó có 6 vụ sử dụng vũ lực, kể cả một vụ xung đột quân sự với Liên Xô năm 1969).


Tuy nhiên, việc gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở các tỉnh phía đông của Nga là không nhất thiết phải mang tính bạo lực. Nga có đủ vũ khí hạt nhân để ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Ngoài ra, nhờ vào nỗ lực cá nhân của Tổng thống Putin, hai nước giải quyết vấn đề  lãnh thổ dọc theo biên giới chung 3.600 km trong một thỏa thuận năm 2004.

Thế nhưng, giới học giả Nga vẫn lo ngại rằng ảnh hưởng kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông và Siberia cuối cùng có thể dẫn đến một sự mất mát chủ quyền của Nga đối với các khu vực này.

Trong số các yếu tố làm tăng nguy cơ nói trên, có yếu tố chênh lệch về dân số và kinh tế xuyên biên giới. Dân số tất cả 27 tỉnh ở các khu vực Ural, Siberia và Viễn Đông hiện ít hơn dân số của một tỉnh Hắc Long Giang, một trong bốn tỉnh của Trung Quốc giáp giới với Nga.

Tất cả bốn tỉnh biên giới nói trên có mật độ dân số cao gấp bội so với các khu vực phía Đông của Nga. Theo Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc, mật độ dân số ở Hắc Long Giang, Nội Mông, Tân Cương và Cát Lâm lần lượt là  84, 20, 12 và 146 người/km2. Trong khi đó, theo kết quả điều tra dân số năm  2010, mật độ dân số của các khu vực Ural, Viễn Đông và Siberia lần lượt là  6,6, 3,7 và 1 người/km2.

Nếu xét đến tương quan kinh tế, Nga cũng lâm vào tình thế bất lợi.

Trong năm 2010, tổng sản phẩm của các khu vực phía Đông dãy núi Ural của Nga vào khoảng 372 tỷ USD, so với 538 tỷ USD giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất bởi bốn tỉnh nói trên của Trung Quốc. Trong khi tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Nga cũng cần khai thác tiềm năng kinh tế và khả năng hiện đại hóa của Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các cường quốc khác… để đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác cần thiết cho sự phát triển bền vững của khu vực phía Đông.

Nếu không hành động ngay từ bây giờ, miền Đông nước Nga  mênh mông rộng lớn và giàu tài nguyên có nguy cơ rơi vào vòng tay của Trung Quốc, như tiên đoán của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (theo RIA Novosti)

Bình luận(0)