100 ngày sóng gió của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Google News

(Kiến Thức) - Sau 100 ngày sóng gió ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, Nhà Trắng vẫn như "gà mắc tóc" trong chính sách đối nội và đối ngoại.

Đó là nhận định của nhà báo Daniel McCarthy, tổng biên tập của tờ The American Conservative, trong bài viết đăng trên trang mạng The National Interest ngày 27/4/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có 100 ngày sóng gió ở Nhà Trắng. Đảng Cộng hòa của ông kiểm soát cả hai viện trong Quốc hội, nhưng ông vẫn không thể thông qua những dự luật lớn. Những sắc lệnh về nhập cư và chăm sóc sức khoẻ của chính quyền Donald Trump vấp phải sự phản đối dữ dội. Nhiều chức vụ quan trọng của chính phủ vẫn bị bỏ trống và những người đã bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng lại gây nhiều tranh cãi. Việc một số thân quyến của Tổng thống Mỹ Donald Trump đảm nhiệm vai trò hoạch định chính sách khiến giới chỉ trích nhạo báng rằng Nhà Trắng đã bị biến thành trụ sở của hoạt động kinh doanh gia đình.
100 ngay dau tien cua Tong thong Trump: Loay hoay thu nghiem
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một trăm ngày khá sóng gió ở Nhà Trắng. Ảnh: KCTV5 
Donald Trump có thể là tổng thống độc đáo nhất trong lịch sử nước Mỹ, nhưng ông không phải là vị tổng thống đầu tiên có 100 ngày đầu tiên chìm trong sự hỗn độn và rắc rối. So sánh với 100 ngày đầu tiên của cựu Tổng thống Bill Clinton là đặc biệt thú vị. Điểm tương đồng quan trọng nhất giữa Bill Clinton và Donald Trump là cả hai đều nhậm chức vào cuối thời đại cũ và khởi đầu của một thời đại mới. Bill Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên thời “hậu Chiến tranh lạnh”, còn Donald Trump là tổng thống đầu tiên của thời “hậu-hậu Chiến tranh lạnh”.
Trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Trump vẻ vẫn theo chủ nghĩa dân túy, điều mà ông từng làm trong chiến dịch tranh cử. Một số chiến lược gia và cố vấn của ông tại Nhà Trắng cũng chủ trương chủ nghĩa dân tộc về kinh tế , hạn chế nhập cư và chương trình nghị sự xã hội bảo thủ.
Có thể ông Trump đã đúng khi nói rằng những năm tháng dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton làm suy yếu tầng lớp trung lưu Mỹ và lãng phí những lợi thế chiến lược mà Washington đã giành được sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Cựu Tổng thống George W. Bush đã và làm trầm trọng thêm sự điên rồ của người tiền nhiệm, còn Tổng thống Barack Obama lại tỏ ra quá nhút nhát trong việc mang lại "sự thay đổi" mà ông đã hứa. Đó là lý do tại sao mà “kẻ ngoại đạo” Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và Thượng nghị sĩ Dân chủ Bernie Sanders lại trở thành chính trị gia nổi tiếng nhất ở Mỹ.
Tuy nhiên, việc giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử hoặc một cuộc thăm dò dư luận lại rất khác với thành công trong việc điều hành đất nước. Bất cứ ai đến Washington để thay đổi cách thức hoạt động của thủ đô nước Mỹ đều phải kiên trì vượt qua những thách thức ban đầu do thiếu kinh nghiệm và phải sử dụng kinh nghiệm chuyên môn về chính sách của những người tiền nhiệm mà không đi theo con đường của họ. Ông Trump không có khả năng bị ai đó thuần hóa, nhưng người ta không thể nói như vậy với chính quyền của ông. Chính quyền này có thể di chuyển về phía trung tâm và vẫn làm đúng sứ mệnh mà các cử tri đã trao cho ông Trump cùng bộ sậu của ông. Nhưng điều đó sẽ đòi hỏi phải tạo ra một chủ nghĩa dân túy trung dung hoặc thậm chí phải kết hợp các yếu tố của chủ nghĩa dân túy cánh tả.
Sau một trăm ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhà Trắng vẫn đang loay hoay thử nghiệm cung cách vận hành. Chỉ có điều, vấn đề quan trọng không nằm ở 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Trump mà ở các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Từ nay đến lúc đó, chính quyền của ông Trump phải suy nghĩ cẩn thận xem có nên hủy bỏ chương trình dân túy của cựu Tổng thống Bill Clinton hay không.
Minh Châu (Theo The National Interest)

>> xem thêm

Bình luận(0)