Bỏ học để theo nghề cắt tóc, gội đầu
Đi qua đoạn đường 66 Mã Mây, Hà Nội, người ta vẫn bắt gặp hình ảnh quen thuộc của một tiệm tóc vỉa hè lúc nào cũng nườm nượp khách. Điều đặc biệt, đây là quán tóc vỉa hè của thợ nữ duy nhất trong khu phố cổ . Tìm hiểu mới biết, “bà chủ quán” là Bùi Thị Vân Anh, một 9X quê ở Bắc Giang.
Sinh năm 1991 trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cô gái trẻ đã sớm xác định con đường đi cho tương lai của mình. Tốt nghiệp cấp 3, Vân Anh bỏ dở sự nghiệp học hành và bắt đầu cuộc sống mưu sinh.
|
Quán tóc vỉa hè của Vân Anh không một tấm biển quảng cáo chỉ có một chiếc gương lớn, mảnh vải phủ, cây kéo và mấy lọ gel. |
Cô tâm sự: “Cuộc đời mình nhiều sóng gió lắm. Việc gì mình cũng đã làm qua, bán trà đá, bán đồ ăn sáng rồi đồ nướng nhưng cuối cùng mình nghĩ bản thân vẫn cần một cái nghề.”
Vì vậy, thay vì thi đại học, Vân Anh xuống Hà Nội học một trường nghề. “Mới đầu mình học thẩm mỹ nhưng khó học quá nên mình bỏ giữa chừng. Mình chuyển sang học pha chế để mở quán cà phê với một người bạn nhưng rồi không hợp nhau, khó làm ăn nên kế hoạch cũng thất bại. Mình muốn theo nghề mà có thể đem lại thu nhập ổn định và tồn tại lâu dài nên đã quyết định học làm tóc”, Vân Anh nói.
Không qua một trường lớp dạy cắt tóc nào, Vân Anh chủ yếu là tự học nên sự nghiệp “cầm kéo” với cô cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng bằng sự nhanh nhạy và chăm chỉ, cô đã đạt đến trình độ của một thợ tóc chuyên nghiệp, gắn bó với nghề suốt 3 năm qua.
|
Khách chủ yếu của cô là khách Tây. |
Sau khi đã có tay nghề và chút tiền dành dụm, Vân Anh quyết định vay thêm vốn lên Lào Cai mở salon tóc. Tuy nhiên, khi một mình lên phố núi thực hiện kế hoạch của bản thân, cô đã không lường trước được những khó khăn khi lập nghiệp nơi đất khách quê người.
Sập tiệm thì ra đường cắt tóc vỉa hè
Salon tóc khai trương chưa đầy một tháng, cô chủ nhỏ đã nhận thấy những sai lầm trong quyết định của mình. Nhưng biết sai là sửa, cô đã sớm nhượng lại cửa hàng của mình cho một người bản địa và quay về Hà Nội xây dựng sự nghiệp với một salon tóc tại Bồ Đề, Gia Lâm.
Tuy nhiên, tiền vốn chẳng đủ tiền nhà, khách cũng vãn nên việc làm ăn của cô không mấy suôn sẻ. Duy trì được một thời gian, cửa hàng cũng phải đóng cửa. Đối diện với những thất bại liên tiếp, cô nàng không nản chí và quyết định khăn gói ra vỉa hè hành nghề cắt tóc.
|
Ông khách Tây gật gù tán thưởng tay nghề cô thợ kéo đường phố. |
Chọn một vỉa hè thoáng đãng trên đường Mã Mây (Hà Nội), Vân Anh bày biện đồ nghề và ngồi chờ khách từ sáng sớm. Quán tóc vỉa hè của cô rất đơn giản, không một tấm biển quảng cáo chỉ có một chiếc gương lớn, mảnh vải phủ, cây kéo và mấy lọ gel nhưng lúc nào cũng đông khách.
Vân Anh chia sẻ: “Mình mở cửa hàng này từ tháng 3 tới giờ và rất hài lòng với lượng khác đến. Dù thu nhập không mấy dư giả nhưng đủ để trang trải cuộc sống và có chút tiền tiết kiệm. Khách chủ yếu của mình là khách Tây, người thì đi du lịch, người thì đi học rồi đi làm, nhiều hoàn cảnh lắm nên mình không bao giờ “chặt chém”. Chỉ muốn cắt cho họ thật đẹp để luyện tay nghề và để họ còn quay lại lần sau thôi".
Nhanh thoăn thoắt với chiếc kéo trên tay, chỉ mất nửa tiếng, Vân Anh đã tạo xong một kiểu đầu cho khách. Khi được "sửa sang" lại mái đầu, ông khách Tây gật gù tán thưởng tay nghề cô thợ kéo đường phố.
Vân Anh đắc chí: “Niềm vui của mình đấy, được khách khen mà. Mình cố gắng làm đẹp cho họ, họ sẽ luôn ủng hộ mình, nhiều người còn thưởng thêm tiền cho mình nữa. Họ không chỉ đến một lần mà còn đến nhiều lần rồi dẫn cả bạn bè đến nữa. Quán tóc này không lo bị sập.”
|
Với chiếc kéo trên tay, chỉ mất nửa tiếng Vân Anh đã tạo xong một kiểu đầu cho khách. |
Ngày nắng hay ngày mưa, cứ đúng 7 giờ sáng, người ta lại thấy cô thợ cắt tóc tay xách nách mang đồ đạc ra vỉa hè ngồi chờ khách. Vất vả là thế nhưng nụ cười rạng rỡ và sự nhiệt huyết với nghề là điều người ta luôn nhận thấy trên gương mặt cô gái trẻ.
Chia sẻ về công việc hiện tại, Vân Anh nói: “Hiện tại, mình rất sẽ duy trì quán tóc vỉa hè này. Nhưng một thời gian nữa khi có những mối quan hệ, có được nhiều kinh nghiệm và quan trọng là vốn, mình sẽ mở một quán tóc trong phố cổ Hà Nội. Không phải là một nơi khác vì mình thích cuộc sống nhộn nhịp nơi đây, con người thân thiện hòa đồng và họ đã giúp đỡ mình rất nhiều. Mình cũng không muốn bỏ lại những vị khách quen. Tất cả với mình mới chỉ bắt đầu".