Thanh xuân là quãng thời gian đẹp nhất của mỗi người, là món quà quý giá mà cuộc sống ban tặng để ta được sống tự do thực hiện những hoài bão và lý tưởng của mình. Nhưng trong khi những người bạn đồng trang lứa đang được đón nhận tuổi thanh xuân theo cách tự nhiên nhất thì Phạm Thị Huế - cô nữ sinh xinh đẹp quê Thái Bình có nụ cười nhân hậu lại phải đón nhận tin mình mắc bệnh ung thư gan.
|
Phạm Thị Huế hiện là sinh viên HV Nông nghiệp. Ảnh: FBNV. |
Huế bắt đầu biết mình bị bệnh là từ tháng 5/2012, sau khi đi siêu âm vì mất kinh nguyệt 2 tháng thì phát hiện có khối u trong gan. Thời điểm đó cô bạn vừa học xong lớp 10. Đang ở cái tuổi vô lo vô nghĩ nên khi ấy Huế đón nhận tin dữ một cách rất bình thường cũng vì bởi chưa biết rõ mức độ nguy hiểm của bệnh.
Được bác sĩ chỉ định lên Bệnh viện Việt Đức để mổ, sau 10 ngày phẫu thuật thì sức khỏe của Huế mới bình phục. Tuy nhiên, điều khiến cô khó quên nhất khi ấy là lần đầu tiên được tới một bệnh viện lớn nhưng không phải đi chơi hay thăm ai khác, mà là chính mình phải tra qua cuộc phẫu thuật cũng vô cùng đau đớn.
|
Cô nữ sinh cấp 3 điều trị tại bệnh viện. |
Cái ngày được ra viện cuối cùng cũng đến, cô nữ sinh cấp 3 khi ấy thấy vui trong lòng vì cứ nghĩ thế là khỏi bệnh rồi. Tuy vậy thời điểm 1 tháng sau khi tái khám mới là lúc cô gái đang phơi phới tuổi xuân ấy phải sắp phải đối mặt với con đường chông gai khi phát hiện tế bào ung thư gan.
Cũng như suy nghĩ ban đầu, Huế vẫn không nghĩ bệnh của mình là nghiêm trọng, vẫn vô tư, bình thản tới Bệnh viện K khám và điều trị theo sự chỉ định của bác sĩ.
Sau không biết bao lần nhập viện, rồi lại ra viện, rồi lại nhập viện, rồi điều trị hóa chất, vào viện nhìn ai cũng đầu trọc hỏi ra mới biết truyền hóa chất bị rụng tóc, lúc đó cô nữ sinh cấp 3 mới thực sự cảm thấy lo lắng. Và rồi điều gì đến cũng đã đến, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị 7 đợt hóa chất để truyền. Lúc đó, Huế đang vừa đi học lớp 12 vừa điều trị.
|
Nụ cười vô tư, hồn nhiên vẫn nở trên môi. |
Cô bạn hoang mang, lo lắng tự hỏi đang cuối cấp chuẩn bị ôn thì rồi thì học như thế nào, điều trị như thế nào, nghỉ học nhiều có được không, truyền thế này có rụng tóc không?
Tuy nhiên sau lần đầu tiếp xúc với hóa chất, cơ thể mệt mỏi chán ăn chán ngủ, tay thì chi chít vết thâm do mũi kim cam truyền nhiều ngày, ăn bao nhiêu thì nôn bấy nhiêu, nhưng Huế vẫn chưa bị rụng tóc. Lấy đó là động lực Huế vẫn theo học lớp 12, vừa học vừa điều trị.
Sau khi kết thúc 7 đợt truyền đầy đau đớn, Huế phải nghỉ học nhiều nhưng cô vẫn theo kịp các bạn trong lớp, thậm chí vươn lên ở vị trí luôn nằm trong top đầu những bạn học giỏi của lớp.
|
Bệnh tật không khiến Huế ngừng nỗ lực học tập. |
Thời điểm Huế được ra viện cũng là lúc cô bạn đi đại học. Dù bệnh tật nhưng Huế chưa bao giờ thôi ngừng cố gắng trong cuộc sống cũng như học tập. Thành tích mà cô bạn có được là thi đỗ một lúc hai trường đại học là Học viện Nông nghiệp Việt Nam và ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp. Huế đã chọn theo học Khoa Công nghệ thực phẩm của HV Nông nghiệp để theo đuổi niềm đam mê của mình.
Lúc biết tin đỗ đại học cũng là lúc đến hẹn tái khám sau 2 tháng ra viện. Cứ nghĩ sẽ lại phải trải qua mệt mỏi như 7 đợt hóa chất kia nhưng không, lần này cô tân sinh viên đã trở nên kiên cường hơn rất nhiều. Lúc ra viện biết được mình đã hết tế bào ung thư Huế vui lắm và chẳng bao giờ nghĩ bệnh sẽ tái phát. Nhưng rồi sau lần tái khám nhận được tin tế bào ung thư tăng cao phải tiếp tục điều trị, Huế gần như suy sụp hoàn toàn. Cứ nghĩ ước mơ được vào đại học gần như tan vỡ mà cô bạn không thể nào cầm được nước mắt.
|
Câu chuyện của những người có chung hoàn cảnh tiếp thêm cho Huế nghị lực sống. |
Qua tìm hiểu Huế còn biết được, nếu ung thư gan thì ra đi rất nhanh, chỉ trong vòng 1 tháng đến 6 tháng. Nhưng nghĩ mình còn trẻ, không thể để căn bệnh này đánh bại. Huế đã biến niềm tin thành sức mạnh, thuyết phục bằng được bố mẹ cho đi học mặc dù trước đó họ rất lo sợ con gái không có đủ sức khỏe để đi học xa nhà, lại một thân một mình nơi đất khách quê người.
Vừa đi học ĐH, Huế vừa tiếp tục điều trị. Sau khi truyền đến đợt 2 của phác đồ 2 thì rụng hết tóc, cô bạn phải đội tóc giả để đi học. Thời gian cô nữ sinh Nông nghiệp lên giảng đường cũng bằng với thời gian ở viện điều trị.
Sau khoảng hơn 30 đợt truyền, rồi phác đồ liên tục thay đổi rồi những lần phẫu thuật đau đớn khiến sức khỏe của Huế yếu đi, tinh thần cũng suy sụp. Nhưng nhờ có mẹ luôn đồng hành, động vien suốt chặng đường điều trị; nhờ được tiếp xúc với những người bệnh như mình nhưng họ lại vô cùng lạc quan, Huế như được tiếp thêm nghị lực sống.
|
Anh em thân thiết với Huế khi còn điều trị tại bệnh viện. |
So với nhiều bệnh nhân khác, Phạm Thị Huế vẫn may mắn bởi số người sống chung được với bệnh suốt 5 năm là vô cùng hiếm. Đa phần những bệnh nhân điều trị cùng với Huế từ khi cô bạn mới vào Bệnh viện K đều đã mất. Số người còn lại chắc chỉ còn 3,4 người.
|
Người anh thân thiết trong suốt quá trình điệu trị với Huế đã mất. Nhưng lời động viên, quan tâm của các anh luôn khiến cô em này không bao giờ quên.
|
|
Quán nước gần cổng bệnh viện là nơi Huế và các anh từng tụ tập mỗi lần kết thúc đợt điều trị mệt mỏi. |
Nhưng nghĩ nhiều người còn khổ hơn mình, bệnh nặng hơn mình mà còn kiên cường chiến đấu thì Huế càng phải cố gắng. Hiện ngoài điều trị tại bệnh viện, Huế còn học cách thiền dưỡng sinh kết hợp với uống thuốc nam.
Trong quãng thời gian sống chung với bệnh, 9X quê Thái Bình rút ra phương châm sống: Không cần biết tương lai như thế nào, chỉ cần hiện tại mình luôn lạc quan yêu đời và cố gắng hết sức mình là được.
Và để tận hưởng những gì đẹp nhất của quãng đời sinh viên, Phạm Thị Huế đã quyết định thực hiện một bộ ảnh kỷ yếu cùng các bạn cùng lớp đại học, bạn cấp 3, người thân và anh em bạn bè thân thiết khác.
|
Nụ cười rạng rỡ của cô nữ sinh Nông nghiệp. |
|
Tràn đầy lạc quan và nghị lực sống. |
Ngắm nhìn khoảnh khắc cô nữ sinh HV Nông nghiệp tươi cười rạng rỡ trong bộ ảnh kỷ yếu, nhiều người xem không khỏi xúc động và bày tỏ sự khâm phục tới cô gái có vóc dáng nhỏ bé nhưng lại đầy nghị lực.
Mời quý độc giả xem video Cảm hứng sống từ cô giáo dạy nhạc ung thư giai đoạn cuối - Nguồn: Tiin.vn