Xưa thương “cho roi cho vọt”
Thời phong kiến, thầy đồ được coi là người truyền thụ văn hóa, kiến thức và dạy chữ cho học trò. Thời đó, thầy đồ rất được mến trọng, được cha mẹ gửi gắm con cái học hành với mong muốn đỗ đạt khoa cử, mang công danh cho dòng họ.
Nhiều gia đình không có điều kiện nên gửi cả con ở nhà thầy đồ hoặc ở trọ gần đó thuận tiện cho việc học tập. Do đó, được thầy yêu mến như con, ngoài dạy chữ, dạy văn còn dạy cả cách ứng xử trong gia đình, làng xóm.
Thầy đồ được đánh giá là có lối sống chuẩn mực, tuy hà khắc nhưng hết mực vì học trò nghèo, mang tâm huyết để truyền thụ. Hồi đó, chỉ cần thầy cho vài roi, hay “dọa” trả về cho gia đình là sợ lắm, vì thế cái câu “thương cho roi cho vọt” cũng để chỉ việc dạy dỗ có phần phép tắc, hà khắc nhưng giúp ích nhiều trong nhận thức của học trò.
|
Thầy đồ xưa khuôn mẫu, hà khắc lúc nào cũng cầm roi mây chỉ bảo, nhưng hết mực quý trọng học trò nghèo. |
Hình ảnh của thầy đồ ngày xưa vẫn còn lưu truyền trong các câu truyện dân gian, truyện tiếu lâm... đó là một người thầy đồ già, luôn hà khắc với học trò, thầy luôn xuất hiện với dáng vẻ đạo mạo, thư thái nhưng rất nghiêm nghị.
Khi dạy học bao giờ cũng cầm chiếc roi mây trong tay, sẵn sàng vung roi vào tay, vào mông học trò nếu như viết sai hoặc lơ là việc học. Chính vì sợ thầy mà người học trò xưa chăm chút từng nét chữ, nghiêm túc trong học hành.
Sang giai đoạn đổi mới đất nước, khi mà phong trào học tập sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, nghề giáo vì thế mà phát triển để đáp ứng nhu cầu học của người dân khắp mọi nơi, trường học được mở nhiều, nhận thức của người dân rất coi trọng việc học tập của con em mình.
So với thầy đồ thời phong kiến, giáo viên thời nay bớt hà khắc và có phần theo nội quy, quy định của nhà trường. Tuy nhiên, đối với những học trò nghịch ngợm, làm việc riêng trong lớp, hay hỗn hào… vẫn bị giáo viên cho vài thước. Hình thức tiếp đến là ghi sổ đầu bài, phạt úp mặt vào tường cuối lớp, phạt lao động quét lớp, gánh nước, thậm chí là lau dọn nhà vệ sinh…
Phổ biến nhất là hình phạt học sinh chép bài, làm bản kiểm điểm. Có nhiều thầy cô nghiêm khắc trong giờ thể dục còn bắt học sinh chạy phạt vòng quanh trường, bắt đứng lên ngồi xuống mấy chục lượt.
Ngày xưa thầy cô như cha mẹ có quát mắng, đánh đập mới nên người. Học trò rất sợ thầy cô giáo, không ai dám hư. Do đó thế hệ trước không có nhiều các học sinh hỗn láo với thầy cô, cha mẹ. Hiện nay, chỉ cần thầy cô đánh học sinh một cái thì ngay ngày hôm sau cả nước đã biết.
|
So với giáo viên thời xưa, giáo viên thời nay một bộ phận "xử" học trò ngay trên lớp bị xã hội lên án. |
Nay muôn chiêu “xử” học trò
Trên thực tế, giáo viên thời nay đa phần là thầy cô tốt, tận tâm với học sinh. Nhưng bên cạnh đó, không thể nào phủ nhận đi một bộ phận giáo viên đang quá suy đồi về mặt đạo đức. Một bộ phận giáo viên chạy theo đồng tiền, ép học sinh phải đi học thêm. Có nhiều học sinh chỉ vì bố mẹ không cho đi học thêm, không quà cáp các ngày lễ, tết là bị cho “ra rìa”, thậm chí bị “trù”.
So với thế hệ trước, giáo viên thời nay có nhiều “chiêu” để “xử” học trò, từ cấp mầm non cho đến phổ thông. Ngoài những hình phạt theo quy định, nhiều giáo viên đã đang tâm mắng chửi, thậm chí hành hạ thể xác của học trò chỉ vì một lý do nhỏ nào đó.
Gần đây, có rất nhiều clip được tung lên mạng internet khiến dư luận bất bình về cách hành xử thô bạo của giáo viên đối với học sinh. Chỉ vì ép trẻ ăn, bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã có những hành vi thô bạo tát liên tiếp vào mặt những trẻ em được gửi tại cơ sở tư nhân của mình.
Nhiều trẻ mầm non vì không chịu ăn, ngủ mà bị giáo viên đánh vào gan bàn tay, bàn chân để không bị phát hiện. Thậm chí, dùng ghim đâm vào người (sự việc xảy ta tại trường mầm non Tuổi thần tiên, Thanh Trì, Hà Nội vào tháng 5/2015).
Mới đây nhất, Công an thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 bảo mẫu tại cơ sở mầm non Sơn Ca, số 96, đường Hữu Nghị, thành phố Đồng Hới về tội "hành hạ người khác". Cả hai bảo mẫu này đã có hành vi hành hạ cháu Cù Hoàng Phi Long, 15 tháng tuổi tại cơ sở Mầm non Sơn Ca vào trưa ngày 5/10.
Đối với bậc học phổ thông, năm 2010, trường THCS Nguyễn Văn Bé (TP.HCM) đã kỷ luật và cắt thi đua của cô Châu Thị Hồng Đào đã có hành vi bắt học sinh xếp hàng rồi tát trong giờ sinh hoạt lớp. Cuối tháng 3/2015, cộng đồng mạng đã được phen dậy sóng khi xuất hiện clip giáo viên đuổi, tát học sinh ngay trong lớp học.
Hay đầu tháng 10/2015, cho rằng 7 học sinh trong lớp nói tục, cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh (chủ nhiệm lớp 6C Trường THCS Nhân Đạo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã “ép” những em này phải súc miệng bằng xà phòng trong giờ sinh hoạt lớp.
|
Màn mắng chửi học viên của cô giáo “cung bọ cạp” Lê Na (Trung tâm Anh ngữ Lena). |
“Cô giáo cung bọ cạp” - câu chuyện khiến cộng đồng mạng dậy sóng suốt hơn 1 tháng qua, đoạn clip dài hơn 7 phút ghi lại cảnh “đấu khẩu” giữa cô giáo Phạm Nguyễn Lê Na (Trung tâm Anh ngữ Lena, Hà Nội) và học viên đang là sinh viên. Trong đoạn clip, cô Lê Na chửi mắng thậm tệ hai học viên, xưng “mày - tao” và dùng nhiều lời lẽ khiếm nhã để nói với học viên. Thậm chí, cô Lê Na còn lớn tiếng mắng học viên của mình là “vô học”.
Dù những giáo viên “xử” học trò theo cách phản giáo dục cũng đã bị lên án, thậm chí nhận hình thức xử lý trước pháp luật. Song nhiều vụ việc đặt ra cho ngành giáo dục và đào tạo về nâng cao nhận thức của giáo viên, các ứng xử và kỹ năng đối với học sinh.