“Sức chịu đựng con người có hạn thôi, mà những điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sau này cũng như công việc của mình nên mình sẽ không để yên nữa”, Nguyễn Hảo bức xúc, sau khi bị hàng loạt người chia sẻ ảnh của cô như thể ảnh của tú bà Nguyễn Thị Hảo trong đường dây bán dâm nghìn USD.
Ngày 16/6 vừa qua, công an Bắc Từ Liêm vừa tạm giữ Nguyễn Thị Hảo (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), má mì bán dâm nghìn đô để điều tra về hành vi môi giới mại dâm.
Trong vụ việc, Hảo "tú bà" đang bị điều tra về việc thiết lập đường dây mại dâm toàn những cô gái xinh đẹp từ đầu tháng 6/2016 đến nay, với giá mỗi lần mua dâm lên tới 1000 USD/lượt để lấy tiền trung gian, đồng thời cô gái này cũng không ngại chiều khách mỗi khi khách có nhu cầu.
|
Hai cô gái đều tên là Nguyễn Thị Hảo và đều... xinh khiến nhiều người bị nhầm lẫn. Ảnh: Facebook |
Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu không có nhiều Facebooker hay Fanpage đã vô tình hay cố ý, chia sẻ hàng loạt hình ảnh của một cô gái trùng họ và tên, trùng năm sinh 1994, Nguyễn Thị Hảo (quê Bắc Ninh), nhân viên của FPT Telecom và nói rằng đây là Hảo "tú bà" quê Vĩnh Phúc.
Hai cô gái này có nhiều đặc điểm khá giống nhau, da trắng, mặt trái xoan, tóc nhuộm hạt dẻ rất dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, nhiều người dùng mạng xã hội đã quá thiếu cẩn trọng khi chia sẻ những thông tin cá nhân không được kiểm chứng.
Trong ngày 23/6, ngay khi thông tin bắt giữ Hảo “tú bà” được công bố, Hảo FPT đã nhận được nhiều tin nhắn, cuộc gọi của mọi người để xác minh sự việc rằng hình ảnh của cô bị sử dụng để đưa thông tin về cô gái đã bị bắt.
Thậm chí, có rất nhiều bình luận ác ý được đưa ra, tài khoản Facebook Trang Hà Trang dành hẳn một bài cay độc, mỉa mai dành cho cô gái bị nhầm lẫn: “ăn trắng, mặc trơn, đi du lịch 24/7, resort, đồ hiệu các thứ ... 22 tuổi trẻ quá, thế mà đã biết làm tiền ra cả ngàn đô, cả chục ngàn đô rồi”.
Không chỉ có những tài khoản Facebook xa lạ, những tài khoản Facebook được cho là của sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân (trường Hảo học) cũng hùa vào theo: “Lớp trưởng gương mẫu của Đại học KTQD, trách ai bây giờ, chỉ có trách mình thôi”, khi chưa biết chính xác sự vụ.
|
Cô gái đã gặp phải nhiều phiền toái vì bị sử dụng ảnh của mình cho một người không liên quan. Ảnh: Facebook |
Sau khi đọc những đường dẫn, những lời bình luận, Hảo đã run tay không nói được lời nào, chỉ có thể gõ ra vài dòng chữ: “Các bạn ạ, đôi khi mình cũng tự hỏi mình có làm điều gì xấu gây thù chuốc oán với ai không mà lại có người hại mình đến bước đường này... chắc ngta chẳng quan tâm mình sống chết như nào đâu nhỉ, chẳng cần biết nó ảnh hưởng tới cuộc sống và làm tổn thương mình đến mức nào đâu nhỉ?.... cuộc sống này có mấy đâu, không tranh thủ yêu thương nhau đi, sao lại cứ cố dìm nhau xuống”.
Hảo cũng có động thái gửi lời nhắn nhủ đến “mấy tờ báo lá cải” và blogger thích câu view rằng cô sẽ không để yên vì bôi nhọ danh dự của mình.
Trao đổi nhanh với phóng viên ICTnews, một luật sư cho biết, Hảo hoàn toàn có thể gửi đơn yêu cầu tới các cơ quan điều tra, trong trường hợp quyền và lợi ích của mình bị xâm hại:
“Hành vi đưa thông tin không đúng sự thật bằng cách tung thông tin, hình ảnh của người khác lên mạng xã hội làm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể cấu thành tội Vu khống theo điều 122 Bộ luật Hình sự”, vị luật sư này nói.
Ngoài ra, Hảo có thể sử dụng những công cụ báo cáo có sẵn trên Facebook để báo cáo đến mạng xã hội này các hành vi giả mạo, xúc phạm, đe doạ đến nhân phẩm và cuộc sống của mình đến Facebook và mạng xã hội này có đủ quy tắc để xử lý các tài khoản cố tình vi phạm chính sách của Facebook theo luật định.
Người dùng Facebook có thể bị cảnh cáo, khoá tài khoản, trong khi hình phạt đối với các trang có thể là xoá trang nếu được xác định là vi phạm chính sách của Facebook, gây nguy hiểm đối với cộng đồng người dùng.