Ngày nay, việc khởi nghiệp của các bạn sinh viên là điều rất quen thuộc. Họ không còn giữ khái niệm ra trường là phải xin vào một công ty nào đó để đi làm và lấy kinh nghiệm mà tự bung ra để tạo dựng một con đường riêng cho mình như cậu bạn tuổi Tuất - Phạm Anh Tài với dự án kinh doanh đầy táo bạo "đồng nát thời trang" của mình.
Phạm Anh Tài (SN 1994 - Hà Nội), sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm kiến trúc với người anh trai hiện đang làm thiết kế tại công ty nội thất có tiếng tại Hà Nội, Tài cũng nối nghiệp và thi đỗ vào trường ĐH Kiến Trúc. Tuy nhiên, trong thời gian ngồi trên ghế giảng đường, cậu bạn tuổi Tuất này đã nhận ra "chân lý" của cuộc đời mình đó không phải là ngồi vẽ vời mà đó là kinh doanh.
|
Anh Tài và dự án "đồng nát thời trang" của mình. |
Khởi nghiệp với 20 đôi giày
Cũng giống như bao bạn trẻ khác, khi ngồi trên ghế giảng đường ĐH Kiến Trúc, Anh Tài đã bắt đầu thử sức với con đường kinh doanh của mình. Bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt nhất và ăn theo mỗi dịp lễ, Tài bắt đầu bập bẹ kinh doanh những mặt hàng như đồ chơi trung thu, bán muối, mía dịp Tết và cũng từ đây, cậu bạn sinh năm 1994 này nhận ra rằng, mình và con đường kinh doanh rất có duyên với nhau.
|
Khởi nghiệp với 20 đôi giày cũ. |
Nói về dự án "đồng nát thời trang" mà mình đang thực hiện, Anh Tài cho biết: "Ở thời điểm hiện tại em thấy có quá nhiều các shop online bán hàng mới, đa chủng loại, đa mẫu mã và nếu em đi theo lối đó sẽ chẳng cạnh tranh được với họ nên sau nhiều ngày suy nghĩ cùng với niềm đam mê với những đôi giày của mình, em đã chọn sẽ kinh doanh giày nhưng sẽ đi theo gu sở thích của mình. Con đường em chọn đó là "mua của người thừa và bán cho người thiếu".
Nói về những ngày đầu tập làm "con buôn" của mình, Anh Tài chia sẻ rằng do gia đình không ủng hộ nên trong tay chỉ có số tiền ít ỏi là 8 triệu đồng và bắt đầu dùng số tiền đó đi nhập 20 đôi giày cũ từ nước ngoài mang về. Ban đầu chỉ có bán cho anh em, bạn bè cùng sở thích và sau đó dùng chính số vốn đó để tiếp tục vòng xoay của mình.
Mở cửa hàng với những cột mốc đáng nhớ
Sau một thời gian kinh doanh theo dạng quen biết, Anh Tài bắt đầu nghĩ nghiêm túc tới việc định hình thương hiệu thời trang và mở cửa hàng. Đi cùng với đó, cũng là những cột mốc đáng nhớ của cậu bạn sinh năm 1994 này.
Anh Tài cho biết: "Ngày em bảo vệ đồ án tốt nghiệp cũng là lúc trong em làm xong hợp đồng thuê mặt bằng mở cửa hàng đầu tiên mang tên Daddy's Shoes tại địa chỉ 61 Hoàng Cầu. Em nhớ đó là ngày 1/5/2017, vui lắm anh ạ. Sáng em vừa đứng lớp bảo vệ xong đồ án của mình thì tới chiều em lại nhanh nhanh, chóng chóng sang kí hợp đồng thuê cửa hàng. Nghĩ lại giờ em vẫn thấy liều, lúc đó trong túi em chỉ có 40 triệu đồng là tiền số vốn quay vòng của buôn bán giày cũ xong vay mượn thêm bạn bè.
Từ cái khó ló cái khôn, tiền đó em chỉ đủ kí hợp đồng nhà và nhập hàng, còn việc decor cửa hàng thì đang mông lung. Rồi bất chợt em nghĩ đã "đồng nát" thì cho "đồng nát" tất, em bắt đầu đi lọ mọ tìm mua và xin những đồ cũ và gốc cây người ta vứt đi để trang trí cho cửa hàng của mình".
|
Mở cửa hàng và những cột mốc vô cùng đáng nhớ của Phạm Anh Tài. |
Trong thời gian đầu có cửa hàng mới, Tài vừa xin vào công ty thiết kế để "lấy ngắn, nuôi dài" với ước mơ của mình và rồi mọi chuyện cũng ổn để cậu bạn tuổi Tuất tiếp tục với cửa hàng thứ hai ở Cát Linh.
Nói về cột mốc cửa hàng thứ hai, Anh Tài chia sẻ rằng: "Cũng giống như cửa hàng tại Hoàng Cầu, cửa hàng tại Cát Linh của em cũng rơi vào một cột mốc đáng nhớ. Đó là ngày 1/10/2017, đó là ngày em nhận được bằng tốt nghiệp. Cũng bắt đầu từ những thứ người ta bỏ đi, em nhặt về để xây "tổ" của mình và khi mở được cửa hàng thứ hai cũng là lúc em trả được hết số nợ ở cửa hàng thứ nhất".
Kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng
Phải khẳng định rằng, ở thời điểm "người khôn, của khó" như bây giờ thì việc kinh doanh chưa bao giờ là đơn giản. Đặc biệt với mặt hàng đồ cũ như của Anh Tài theo đuổi. Chia sẻ về những khó khăn của mình, Tài tâm sự rằng: "Kinh doanh với em nó mang lại nhiều cảm xúc lắm anh ạ! cứ nhìn nhàn nhàn vậy thôi nhưng cũng đủ thứ phải lo, từ tiền nhà, nhân viên cho đến nhập hàng và khó nhất là "làm giá" sao cho hợp lý để có khách vì mặt hàng em buôn nó rất đặc thù, phải những người cùng đam mê với những đôi giày cũ và hiểu được giá trị của những đôi giày mới hiểu được".
"Đơn cử như một đôi giày Dr. martens, nếu mua mới các bạn trẻ phải bỏ ít nhất không dưới 2 triệu đồng chưa kể những mẫu là bản giới hạn thì con số đó lên tới 5-6 triệu đồng là điều khá bình thường. Nhưng với những đôi giày cũ như em đang buôn thì chúng chỉ rơi vào 10% giá đó. Thêm nữa, các mẫu giày của em không đủ size chỉ may mắn và có duyên lắm thì các khách của em mới có thể sở hữu chúng. Nhưng khi đã đi là ưng ngay". Anh Tài cho biết thêm.
|
Star-up chưa bao giờ là sai vì "cứ sai đi vì đời cho phép". |
Không chỉ khó trong việc kén khách, việc kinh doanh "đồng nát thời trang" của Anh Tài con gặp những vấn đề khó khăn như lượng hàng không phong phú, phải khi có kiện hàng về thì mới chọn lựa được. Thêm nữa, lợi nhuận từ việc buôn đồ cũ này không được quá cao nên cậu bạn phải rất căn ke, cân đối giữa chi phí bỏ ra và lãi ròng thu về.
Khi được hỏi về việc từ bỏ những kiến thức được học trên ghế đại học để đi kinh doanh thì Tài có tiếc không? Cậu bạn vui vẻ trả lời: "Em có bỏ đâu, chỉ là em vận dụng những gì em đang học về thiết kế để tự decor cửa hàng cho mình thôi mà. Sau này khi hai cửa hàng tự vận động được rồi em sẽ tiếp tục con đường thiết kế của mình. Ví dụ như thiết kế, decor các quán khác rồi bán lại chẳng hạn".
Khi chia sẻ về việc "Các bạn sinh viên có nên star-up ngay khi ra trường không?", Anh Tài cũng chia sẻ quan điểm của mình rằng: "Em nghĩ là nên anh ạ! Con đường đại học khi chọn vào trường là xác định tương lai sẽ theo nhưng khi cảm thấy mình không phù hợp thì đừng cố gò bó mình vào một khuôn nhất định. Bởi ngày nay, em thấy các bạn năng động lắm nên cái câu "một nghề thì sống, đống nghề thì chết" giờ không còn đúng nữa rồi! Hãy sống thật với đam mê của mình. Tuổi còn trẻ và sai lầm vẫn có thể sửa sai được. "Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép".