Đi lên từ khốn khó
Đỗ Duy Hưng (Hưng Black Tattoo) là chủ nhiệm câu lạc bộ xăm mình hoạt động thiện nguyện ở TP.Hải Phòng, cửa tiệm Hưng Black Tattoo Studio nằm trên con phố Đà Nẵng, Hải Phòng.
Xuất thân trong một gia đình có kinh tế khá giả, Đỗ Duy Hưng với niềm đam mê hội họa đã thi đỗ trường Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Mỹ thuật với số điểm loại ưu. Rời xa giảng đường đại học, cầm trên tay tấm bằng loại ưu, Hưng trở về quê.
Thay vì thực hiện ước mơ làm thầy giáo, Đỗ Duy Hưng bước sang một công việc khác. Anh quyết định trở thành thợ “họa bì”.
|
Anh Đỗ Duy Hưng (Hưng Black Tattoo – Trưởng nhóm xăm thiện nguyện ở Hải Phòng) |
Ý tưởng lập nghiệp nảy sinh ngay từ lần Hưng đi xăm để che vết chàm. Luôn mong muốn vợ con và những người thân trong gia đình được sống cuộc sống tốt hơn, đầy đủ hơn và trọn vẹn hơn, nhưng người đàn ông trụ cột gia đình này vẫn chưa muốn “phá rào” thay đổi.
Anh vẫn cứ chăm chỉ đi dạy ở trường cao đẳng và làm thêm mỹ thuật bên ngoài. Cho tới một ngày, thấy quá nhức mắt với vết chàm trên đùi nên Hưng quyết định đi xăm hình để che vết chàm ấy. Người ủng hộ Hưng, cùng trải qua những ngày tháng đầu cực kỳ khó khăn và vất vả chính là Trang- người vợ của anh.
Ngồi xem anh thợ xăm thực hiện tác phẩm xăm che vết chàm đó, Hưng chợt nảy ra ý tưởng kinh doanh mở studio tattoo (cơ sở xăm) tạo lập cuộc sống cho vợ chồng: “Mình đến thực hiện và ngồi xem anh thợ thực hiện tác phẩm đó. Trong suốt quá trình nhìn anh làm, trong đầu mình cứ nảy ra câu hỏi, tại sao mình lại không thử làm như anh ấy. Đó chính là ý tưởng cho công việc hiện nay mình đang làm”.
Sẵn có niềm đam mê và được đào tạo bài bản về mỹ thuật, trước đó, mỗi lúc rảnh rỗi, Hưng vẫn thường thích vẽ tranh tặng người thân. Vì thế sau lần đi xăm về, Hưng quyết định nghỉ hẳn việc đi dạy học ở trường cao đẳng và chuyên tâm làm tattoo dạo ở Hải Phòng. Tuy nhiên, quyết định này của Hưng đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ bố mẹ. Đó là “cú sốc” lớn đối với gia đình, bạn bè và người thân.
Anh Hưng kể: “Có thời điểm vợ chồng cùng nỗ lực xây dựng sự nghiệp, nhưng bố mẹ 2 bên không hiểu cứ nhất mực phản đối thì chính Trang là người còn đứng ra bảo vệ Hưng trước gia đình về định kiến nghề nghiệp”.
Năm 2010, Đỗ Duy Hưng cửa tiệm xăm mang tên Hưng Black Tattoo Studio và nơi đây dần trở thành cửa tiệm “có tiếng” của đất Cảng. Năm 2013, Hưng đã quyết tham gia cuộc thi lớn về xăm hình và giành được giải thưởng “Bàn tay vàng”.
Kể về những ngày đầu đến với nghề, anh Hưng nói: “Thời điểm mới vào nghề, mình phải đi “xăm dạo” và thường đến các nhà nghỉ hoặc khách sạn để làm cho khách. Lúc ấy, gia đình hai bên biết chuyện, bố mẹ phản đối ghê lắm.
Các cụ nghĩ mình đang làm giáo viên lại bỏ nghề đi làm đêm hôm. Hơn nữa nghề xăm dạo còn tiếp xúc với nhiều thành phần không rõ lai lịch. Đó là thời điểm áp lực ghê gớm đối với mình. Thời điểm cả nhà nói nhiều, mình cũng định bỏ nghề. Nhưng nhờ có bà xã luôn sát cánh và ủng hộ, nên mình cũng vững tin hơn để theo đuổi đam mê”.
Xăm hình để làm thiện nguyện
Sự nổi tiếng “giỏi xăm” của Đỗ Duy Hưng không chỉ bắt nguồn từ việc anh là một thợ xăm “có nghề” mà hơn nữa anh là trưởng nhóm của một câu lạc bộ (CLB) xăm thiện nguyện.
Hàng tháng, CLB tổ chức chương trình thiện nguyện. Họ đi đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đến bệnh viện trao những suất quà nhỏ bé cho các bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Điều đó đã trở thành hoạt động định kỳ của hội với hy vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh, cho người bệnh nghèo chiến đấu với bệnh tật.
Anh Hưng bảo: “Chúng tôi mong mọi người hiểu, những người đang thực hiện công việc xăm hình cũng giống như tất cả những người bình thường đều mang trong mình tấm lòng thiện nguyện, bao dung, cảm thương trước những số phận bất hạnh của đồng loại.
Có thể là việc làm của chúng tôi không so sánh được với những quỹ từ thiện lớn. Nhưng tôi nghĩ, từ việc góp nhặt những việc làm bé nhỏ sẽ tạo ra những việc làm lớn. Nhìn những hoàn cảnh đáng thương, khó khăn của đồng loại, ai mà chẳng động lòng”.
Do tính chất công việc nên, trong CLB xăm thiện nguyện thường phân công nhau các phần việc, để thu thập thông tin những gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các bệnh viện trên địa bàn Hải Phòng.
Số khác sẽ tổ chức những buổi xăm thiện nguyện miễn phí để quyên góp, vận động những tấm lòng hảo tâm để ủng hộ cho chương trình thiện nguyện. Hàng tháng đều đặn CLB sẽ đi đến các bệnh viện lớn trao những phần quà cho những hộ khó khăn, bệnh tật.
Vừa qua nhóm cũng tổ chức thăm hỏi động viên gia đình em Nguyễn Thị Oanh, một nhà có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gia đình có 4 người thì 3 người nằm viện.
Mẹ của Oanh bị ung thư, hiện đã phải cắt bỏ 1 bên lá lách và tiếp tục điều trị lá lách còn lại. Em gái của Oanh năm nay 12 tuổi nhưng cũng mang bệnh ung thư máu quái ác khiến em vô cùng khổ sở với những lần điều trị trên viện K Hà Nội.
Ngoài những khách đến xăm để ủng hộ, anh Hưng cho biết: “Còn rất nhiều những cá nhân, đoàn thể khi biết được mục đích cao cả của câu lạc bộ, và cũng xuất phát từ tấm lòng rất nhân ái họ trao gửi những món quà vật chất có giá trị, hay những khoản tiền vô danh, để chung tay cùng CLB chia sẻ với những mảnh đời cần sự trợ giúp của cộng đồng”.
Nhiều khi đi làm chương trình từ thiện nhưng mang trên mình những hình xăm nên nhóm thiện nguyện này đã gặp những tình huống “dở khóc dở cười”.
Anh kể: “Khi chúng tôi đến nhà gia đình hoàn cảnh, trước hết là họ ngạc nhiên, đôi khi còn có cả sự lo sợ. Vì đa số anh em thợ xăm cũng xăm trổ, có những nhà họ cảm thấy lo sợ, nhìn mình với thái độ dò xét.
Cũng có khi mình đến trực tiếp bệnh viện anh em trong hội đi rất đông thì gần như lại thu hút sự hiếu kỳ, ăn mặc cũng hơi cá tính, cộng với những hình xăm trên người, nên đi đến đâu lại có sự ngạc nhiên đến đó, thậm chí, họ còn nghi ngờ là dân giang hồ, gọi bảo vệ đến.
Nhưng khi giới thiệu, trình bày nêu rõ mục đích đến làm thiện nguyện thì họ từ bất ngờ lại chuyển sang cảm kích, xúc động. Đó chính là nguồn cổ vũ động viên tinh thần rất lớn không chỉ riêng cá nhân mình mà còn cho cả anh em trong hội”.
Anh Hưng nói: “Việc làm dù nhỏ, tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến mọi người thấy rằng nghề xăm hình không có gì xấu, những người mang trên mình hình xăm không phải là người xấu.
Tôi muốn mọi người hiểu rằng xăm hình cũng là một nghề chính thống, như bao nghề khác trong xã hội. Nó cũng mang tính nghệ thuật và đòi hỏi sự tư duy sáng tạo và mang tính trí tuệ, chứ không phải là những hình xăm vô nghĩa”.
Mời quý độc giả xem video Chuyện ăn mặc phản cảm của giới trẻ (nguồn Youtube):