Bụi phấn, nước mắt và những đứa con

Google News

(Kiến Thức) - Lời tâm sự của một bạn trẻ ở Hà Nội viết về cô giáo cũ của mình sau thời gian xa cách, mang ý nghĩa bày tỏ lòng yêu thương, cảm kích.

Không phải dịp tri ân nhà giáo Việt Nam nhưng tòa soạn Kiến Thức vừa nhận được một bức thư, một bài tâm sự của một bạn trẻ ở Hà Nội viết những lời giàu tình cảm về cô giáo cũ của mình. Tác giả mong muốn những dòng viết này sẽ giúp bản thân nói lên những tình cảm giữ kín trong suốt thời gian qua và mong người giáo viên được nhắc tới sẽ có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi công việc, nghiệp “lái đò” thiêng liêng. Mời quý độc giả theo dõi.
Bụi phấn, nước mắt và những đứa con
Mấy ai trong đời đã trưởng thành vẫn còn giữ ấn tượng đặc biệt về người giáo viên đã từng dạy bảo, truyền tri thức cho mình? Mấy ai đã đi xa nhiều năm, nay trở về một chút thành công vẫn luôn muốn tìm cô giáo cũ để như một đứa con tìm về bên mẹ, dụi đầu nũng nụi, để cười, để khóc và để… biết ơn? Dù nay đã lớn khôn, có sự nghiệp nhưng một con người với hoàn cảnh đi lên từ một đứa học sinh siêu cá biệt như tôi sẽ chẳng thể nào quên được những ngày tháng được cô chỉ dạy, được cô bảo bọc và yêu thương vô điều kiện.
Bui phan, nuoc mat va nhung dua con
Cô giáo Tú Anh, người cùng tên với tôi nhưng đã thay đổi hoàn toàn con người tôi bằng tình thương yêu vô điều kiện. Ảnh: Tác giả cung cấp.  
Sinh ra đã là một đứa ngang bướng, càng lớn thì cá tính càng bộc phát mạnh hơn nên thời điểm những năm học cấp ba của tôi thực sự là một quãng thời gian khủng khiếp với cả gia đình, cả nhà trường và cả với bản thân tôi. Tôi không thích học, tôi cũng không thích cái cảnh ngày ngày đến lớp rồi ngồi yên… không hứng thú, không cảm xúc, cũng không có động lực. Gia đình bất lực với tôi và khi tôi sắp rơi vào vòng xoáy màu đen của tệ nạn xã hội do bạn bè xấu lôi kéo, tôi gặp được cô… một người cùng tên với mình, một người hít bụi phấn hàng ngày, một giáo viên từng khóc nhiều lần vì học sinh và một người phụ nữ có cả chục, cả trăm đứa con.
Người yêu thương tôi một cách vô điều kiện, quan tâm đến tôi từ những việc nhỏ nhất và cố gắng tìm hiểu tâm lý của tôi thông qua cách hỏi trực tiếp và hỏi han gia đình. Từ bé đến thời điểm đó, lần đầu tiên tôi cảm nhận được tình thương, sự quan tâm từ một người xa lạ. Ai bắt cô phải làm thế? Ai ép cô phải quan tâm đến một đứa học sinh gần như bất trị? Và cô được gì khi lao tâm khổ tứ vì một người như tôi? Tôi đã từng đặt ra vô vàn câu hỏi kiểu như vậy và rồi tôi nhận được một câu trả lời thật đơn giản: “Cô tâm huyết với nghề”.
Nay đã trưởng thành hơn rất nhiều, có sự nghiệp riêng và một trí tiến thủ cao ngất… tôi vẫn thầm cám ơn những ngày tháng cũ, thầm cám ơn cái duyên trời nào đó đã mang cô giáo, người mẹ thứ hai đó đến cứu vớt tôi. Đi xa Việt Nam đã lâu, ngày tôi trở về điều đầu tiên mà tôi muốn làm là tìm lại cô giáo cũ của mình để kể rằng tôi đã nhớ thương người đến mức độ nào và luôn biết ơn, luôn mong mỏi một ngày được trở về với thành công nắm trong tay để hãnh diện mà khoe với người ra sao.
Trở về, thăm ngôi trường cũ, tôi được mọi người kể về cô giáo Tú Anh của mình. Khi ấy tôi biết rằng, không phải tôi là đứa học sinh cá biệt duy nhất được cô dạy dỗ, quan tâm và cảm hóa… mà còn rất nhiều học sinh khóa sau đến nay cũng đã mang nặng lòng biết ơn một nữ giáo viên tuyệt vời như vậy. Có những lớp học mỗi khi cô giáo cũ của tôi xuất hiện trên bục giảng học sinh đều tỏ ra vui mừng, hào hứng. Rồi có không biết bao nhiêu học sinh thích bám riết, gọi cô giáo tôi là “mẹ”, và kể cho cô nghe gần như mọi câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày. Hàng chục rồi hàng trăm… cô giáo tôi vẫn có thêm những đứa con mỗi ngày như vậy.
Là một giáo viên dạy Ngữ Văn, cô giáo tôi không chỉ dễ khiến các học sinh “chết lịm” nhờ những bài giảng đầy cảm hứng và còn thực sự có cách riêng để khích lệ để học sinh chúng tôi cải thiện ý thức học của mình. Cô vẫn đứng đó, vẫn hít bụi phấn hàng ngày, vẫn thường hay ốm… nhưng những bài giảng, những hình ảnh của cô trên bục giảng vẫn khiến những đứa học sinh như tôi ấn tượng, thêm yêu thương và nặng một lòng cảm kích.
Tôi còn được nghe kể về những lớp hậu bối từng… “sống chết vì cô”. Có những trận khóc như mưa, những buổi chia tay cảm động đến nghẹn lời khi các học sinh lên lớp, không còn được cô giáo tôi đảm nhiệm dạy bộ môn nữa. Tôi được thấy những cái ôm của cô với học sinh, được thấy những giọt nước mắt vì cảm động trước tấm lòng, tình cảm của những đứa trẻ… Cô đã từng trăn trở rất nhiều lần vì học sinh của mình, cả vì những nỗi lo âu và chắc chắn cũng từng khóc vì niềm tự hào, vì cảm nhận được tình cảm chân thật mà nhiều học sinh đã dành cho cô như một cách để tỏ lòng biết ơn sâu sắc.
Bui phan, nuoc mat va nhung dua con-Hinh-2
Những giọt nước mắt, những cái ôm ghì thật chặt trong ngày cô giáo Tú Anh chia tay lớp học trò con cưng của mình. Ảnh: Tác giả cung cấp. 
Trong thời buổi kinh tế ngày nay, người ta cứ hay phàn nàn, hay đánh giá nghề giáo sao lắm vất vả, bất công… hít đủ bụi phấn hàng ngày để cuối tháng có được đồng lương bèo bọt, rát cổ bỏng họng để khi những học sinh ra trường đứa nhớ, đứa quên… Nhưng tôi chắc chắn một điều, với những gì mà cô đã làm cho học sinh của mình trong quá khứ, thì niềm vui, sự hãnh diện… hay thậm chí cả một nguồn động lực to lớn trên con đường công tác, giảng dạy cũng sẽ được phía những học sinh từng yêu thương cô giáo tôi tạo ra, bền vững đến mãi sau này. Bản thân tôi luôn mong muốn mình được trở thành một phần trong nguồn động lực đó, cần thành công hơn nữa để người dạy dỗ mình thêm tự hào, để biết tâm sức, tình thương của cô dành cho tôi khi xưa đã tạo nên một tâm hồn, một bầu nhiệt huyết và khả năng tiềm tàng lớn đến mức độ nào.
Bui phan, nuoc mat va nhung dua con-Hinh-3
 Những món quà nhỏ bé, đơn giản với những dòng chữ "Con yêu mẹ", được cô giáo Tú Anh coi như kỷ vật. Ảnh: Tác giả cung cấp. 
Bụi phấn, nước mắt và những đứa con…cuộc sống và công việc của cô vẫn ngày ngày xoay quanh những điều đó. Lợi ích khi làm việc là điều ai cũng mong muốn, nhưng lợi ích trong công việc của một người “lái đò tri thức” như cô giáo tôi, ngày nay không phải ai cũng nhìn thấy được. Phải chăng, sự thăng tiến, thành đạt và lòng biết ơn không bao giờ dứt của tôi và vô số học sinh khác mà cô từng dạy dỗ đã chứng minh lợi ích đó, một lợi ích thật giản đơn nhưng lại mang ý nghĩa không hề tầm thường.
Độc giả: Tú Anh

Bình luận(0)