Theo hợp đồng hứa thưởng, ông được hưởng 35% giá trị căn nhà trị giá hàng trăm tỷ đồng, tương đương 54,6 tỷ đồng.
Ngày 6/5, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ tranh chấp hợp đồng hứa thưởng và các tranh chấp khác giữa nguyên đơn là luật gia Đặng Đình Thịnh (SN 1974, TP.HCM) và bị đơn là chủ sở hữu căn nhà 446-448 đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM).
Căn nhà trăm tỷ
Theo nội dung đơn kiện, căn nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đắc Kha và bà Vương Thị Khanh. Năm 1980, vợ chồng ông Kha lập tờ ủy quyền cho người khác để xuất cảnh. Sau này, căn nhà được Nhà nước quản lý theo diện “vắng chủ”. Sau khi ông Kha mất, bà Khanh và con trai là ông Nguyễn Đắc Quang về nước, làm đơn xin lại căn nhà trên.
Năm 2007, bà Khanh và ông Quang ký ủy quyền cho ông Đặng Đình Thịnh thay mình liên hệ với cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục xin lại nhà. Ngày 3/1/2007, ông Quang và mẹ đã lập hợp đồng hứa thưởng với nội dung sẽ trả thưởng 15% trên tổng giá trị nhà đất mà gia đình bà Khanh được nhà nước giao trả.
Sau nhiều lần thỏa thuận, ngày 28/11/2008, bà Khanh và ông Quang đã ký một văn bản thỏa thuận hứa thưởng và mức hứa thưởng cuối cùng tăng lên đến 35% trên tổng giá trị căn nhà được giao trả.
Ngày 28/6/2011, sau thời gian ông Thịnh “gõ cửa” các cơ quan chức năng, Bộ Xây dựng ra quyết định trả nhà cho bà Khanh. Sau đó, UBND TP.HCM cũng ban hành quyết định trả nhà. Lúc này, ông Thịnh đề nghị mẹ con bà Khanh thực hiện việc trả thưởng như đã hứa nhưng không được chấp nhận. Do vậy, vị luật gia khởi kiện ra tòa, đề nghị tuyên buộc bà Khanh thực hiện việc trả thưởng.
Trong một diễn biến khác cũng liên quan đến căn nhà trên, năm 1999, UBND TP.HCM xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với căn nhà và đất tại số 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai. Từ ngày 11/1/2001 đến ngày 31/12/2011, Công ty quản lý và Kinh doanh phát triển nhà thành phố đã đồng ý cho Ngân hàng Á Châu (ACB) thuê căn nhà trên. Sau này, ông Quang được sự ủy quyền của bà Khanh tiếp tục ký hợp đồng cho thuê nhà với ACB.
Ngoài ra, ông Quang từng ký một thỏa thuận với bà Đặng Thu Hà về việc chuyển nhượng bất động sản đối với nhà và đất trên với giá 250 tỷ đồng. Để đảm bảo thực hiện thỏa thuận này, bà Hà đã đặt cọc cho ông Quang số tiền 210 tỷ đồng.
|
Luật gia Đặng Đình Thịnh sau phiên xử. |
Sau khi luật gia Đặng Đình Thịnh đệ đơn ra tòa yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng hứa thưởng giữa ông và phía bà Khanh, ông Quang thì hàng loạt tranh chấp khác phát sinh, một số cá nhân và ACB cũng được đưa vào tham gia tố tụng.
Hủy một phần bản án, luật gia thắng kiện
Xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM cho rằng việc ông Thịnh yêu cầu phía bà Khanh và ông Quang thực hiện thỏa thuận trả thưởng bằng 35% giá trị căn nhà là có căn cứ, được chấp thuận. Tại biên bản định giá ngày 15/4/2014, căn nhà trị giá 156,218 tỷ đồng nên tòa tuyên ông Thịnh được hưởng 54,6 tỷ đồng (tương đương 35% tổng gái trị căn nhà). Ngoài phán quyết trên, cấp sơ thẩm cũng đưa ra phán quyết liên quan đến những tranh chấp khác trong vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bên tiếp tục không đạt được thỏa thuận và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Ông Thịnh đề nghị cấp phúc thẩm tuyên ông được hưởng 35% tổng giá trị căn nhà tại thời điểm thi hành án chứ không phải theo kết quả định giá trước đây. Phía bà Khanh và ông Quang tiếp tục đề nghị tòa bác yêu cầu của phía nguyên đơn, cho rằng học cũng phải bỏ công sức trong quá trình xin lại nhà, họ từng có văn bản thông báo hủy hợp đồng hứa thưởng trên.
Sau khi xem xét, HĐXX xét thấy quan hệ pháp luật đầu tiên là tranh chấp hợp đồng hứa thưởng giữa nguyên đơn là luật gia Thịnh và bị đơn là phía bà Khanh và ông Quang. Tuy nhiên, trong quá trình thụ lý giải quyết đã có nhiều yêu cầu của các đương sự và những cá nhân, tổ chức khác.
Việc tòa sơ thẩm chưa xác định được các tranh chấp trên có thuộc phạm vi giải quyết trong vụ án trên hay không mà đã cho các cá nhân, tổ chức đóng tạm ứng án phí là không đúng, việc đưa vào giải quyết nhiều quan hệ tranh chấp trong cùng vụ án là vi phạm tố tụng.
|
Căn nhà liên quan đến tranh chấp trong vụ kiện hiện đang là trụ sở ACB. |
Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu hứa thưởng có ông Thịnh là có cơ sở. Tại văn bản trả lời của một số cơ quan chức năng cũng xác định ông Thịnh là người duy nhất đứng ra liên hệ, thực hiện các thủ tục trong quá trình xin lại nhà. Các đồng bị đơn không chứng minh được việc đã hủy hợp đồng hứa thưởng với ông Thịnh. Việc hủy bỏ hợp đồng phải được lập có cả hai bên, không thể do một bên thông báo hủy là được nên không có cơ sở chấp nhận.
Về giá trị căn nhà, tại phiên tòa sơ thẩm các bên không có ý kiến gì về giá trị định giá căn nhà nên việc ông Thịnh đề nghị được hưởng 35% giá trị căn nhà tại thời điểm thi hành án là không có cơ sở. Từ đó, tòa tuyên giữ nguyên phần bản án sơ thẩm về phần hứa thưởng, công nhận thỏa thuận hứa thưởng, buộc ông Quang và bà Khanh phải trả cho ông Thịnh 54,6 tỷ đồng.
Đối với các tranh chấp khác, tòa chấp nhận một phần kháng nghị của VKS khi cho rằng bản án đã vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng. Bà Khanh và ông Quang là đồng bị đơn nhưng vì lợi ích của nhau nên quay lại đối lập nhau, lẽ ra cấp sơ thẩm phải hướng dẫn cho các bên khởi kiện theo tục thủ tục khác. Tương tự với một số yêu cầu khác của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng cần giải quyết trong một vụ án khác.
Từ đó, tòa tuyên chấp nhận một phần kháng nghị, tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến những nội dung này.