Về làng cổ nghìn tuổi, thăm biệt thự “Tây” trăm năm

Google News

Nằm ở ngoại thành Hà Nội, căn biệt thự Pháp cổ có tuổi đời hơn 100 năm được xây dựng hoàn toàn bằng gạch Bát Tràng, mát lạnh vào mùa hè khiến người đến thăm không muốn rời đi.

Bạn đồng niên với cầu Long Biên
Xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là địa danh nổi tiếng về nghề gốm truyền thống. Nơi đây còn tồn tại 23 ngôi nhà cổ đang được địa phương phê duyệt đưa vào danh sách cần bảo tồn. Trong số đó phải kể đến biệt thự Pháp có tuổi đời hơn 100 năm của gia đình ông Lê Hồng Đức (SN 1940) và bà Nguyễn Thị Lâm (SN 1946).
Đó là biệt thự “Tây” đầu tiên ở làng Việt cổ 1.000 năm tuổi Bát Tràng. Những người dân sống ở đây gọi ngôi nhà gần 120 năm tuổi ấy là “nhà Tây”. Trải qua biết bao biến cố của thời gian nhưng “nhà Tây” vẫn giữ được nét kiến trúc mang phong cách của Pháp từ thời đặt những viên gạch đầu tiên. Ngay cả gạch lát nền cũng còn nguyên vẹn.
Ve lang co nghin tuoi, tham biet thu “Tay” tram nam
Tổng khuôn viên biệt thự có diện tích 500m2, trong đó mặt bằng ngôi nhà là 50m2, hai tầng bề thế, nhiều cửa sổ - Ảnh: Vietnamnet 
Theo ông Lê Hồng Đức, chủ nhân ngôi nhà này, qua rất nhiều sự kiện, qua lời kể của dân làng được ông xâu chuỗi lại thì “nhà Tây” là “bạn đồng niên” với cầu Long Biên và được xây dựng trên diện tích khoảng 500m2. Ông Đức kể, ngày ấy, cụ Lý trưởng Lê Quảng Bưu (dân làng vẫn quen gọi là cụ Lý Bá) giàu có nổi tiếng khắp vùng, gia đình có tới hàng chục xưởng làm gốm và hàng trăm người thợ. Đồ gốm được chuyển đi giao thương, buôn bán khắp nơi. Người con trai trưởng của cụ Lý khi ấy là chàng công tử hào hoa, thường lui tới các làng tây ở Hà Nội (Bát Tràng khi ấy thuộc tổng Đông Dư, tỉnh Bắc Ninh) rồi mê luôn những ngôi nhà tầng có nhiều cửa sổ với kiến trúc cổ kính. Chiều con, cụ Lý liền kén những người thợ giỏi nhất vùng, những thanh niên về làm nhà theo mẫu mà người con trai cả đưa.
Ngày ấy, việc gia đình cụ Lý Bá xây ngôi nhà tầng đầu tiên theo kiến trúc Pháp đã trở thành sự kiện của khắp vùng Đồng bằng bên triền đê sông Hồng. Vật liệu xây dựng quan trọng để có thể làm được biệt thự tầng là thép không có nên cụ Lý phải cất công đặt hàng từ tận bên Pháp đưa về. “Bố tôi bảo chỉ riêng tiền để mua thép từ Pháp hồi ấy đã nhiều vô kể, đó là đống tài sản trong mơ của rất nhiều người dân thời bấy giờ”, ông Đức nhớ lại.
Hàng năm trời làm kỳ công những người thợ cần mẫn cũng đã hoàn thành xong ngôi biệt thự 2 tầng khang trang. Biệt thự xây dựa theo kiểu Pháp nhưng lại được kết hợp với kiến trúc Việt. Phần lớn các nguyên liệu để xây tường lát nền, lợp mái đều do những người thợ Việt sản xuất ra từ chính những xưởng gốm ở làng gốm cổ truyền Bát Tràng. Nền nhà lát bằng thứ gạch men được nung 7 lửa. Tường gạch xây dầy dặn, vững chắc nhờ lớp vôi, mật và muối thay vì sử dụng xi măng như bây giờ. Mái lợp bằng ngói Bát Tràng, qua cả thế kỷ mà vẫn đỏ bóng, không bị rêu bám hay xô lệch. Trong phòng khách, chạy trên tầng là những hàng sứ tròn mang ý nghĩa tượng trưng cho những giọt nước Phúc- Đức – Tài – Lộc mà tổ tiên truyền lại cho con cháu. Hoa văn trên trần cũng được kẻ vẽ, sơn màu cầu kỳ.
“Ông nội tôi là người đưa ra ý tưởng xây biệt thự nhưng bác cả tôi mới là người đứng ra thuê kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Bao quanh biệt thự là hệ thống tường rào cao hơn 4m và trạm gác. Thời điểm hưng thịnh, lúc nào trạm gác cũng có người canh cẩn mật. Khách đến nhà phải đi qua một lớp cửa gỗ cài then sắt, một lớp cửa sắt dày và một trạm gác rồi mới vào đến sân nhà”, ông Đức tiết lộ.
Bà Nguyễn Thị Lâm, vợ ông Đức, con gái của ông chủ hàng xe Mỹ Hào nổi tiếng một thời, luôn tự hào về ngôi nhà mình và gia đình đang sống. Đã 3 thế hệ gia đình bà Lâm sống trong ngôi biệt thự cổ. Trải qua 120 năm ngôi nhà cổ vẫn vững chắc kiên cố. Những khung cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ vẫn còn đỏ; Nền nhà sáng bóng, không một vết nứt vỡ; Trên trần nhà, những họa tiết được kẻ vẽ vẫn lên màu tươi mới như ngày mới xây. Biệt thự “Tây” này còn đặc biệt ở chỗ mùa đông ấm mà mùa hè mát. Giữa những ngày hè oi ả, nhiệt độ ngoài trời dù lên tới 37-38oC nhưng vừa bước chân vào nhà đã cảm thấy một luồng gió mát rượi thổi đến.
Người phụ nữ “đặc biệt” gìn giữ hồn xưa
Ban đầu, khách biết đến gia đình bà Lâm là nhờ căn nhà cổ. Nhưng sau đó, họ còn ngạc nhiên hơn khi biết bà Lâm, không đơn giản chỉ là người con dâu sống trong nhà cổ mà còn đang giữ gìn hồn xưa nét cũ của dân tộc bằng tài nấu những món ăn chuẩn vị Việt.
Điều người ta trân trọng chính là cách bà rất cẩn thận, nếu không muốn nói khó tính để giữ hồn từng món ăn Việt cổ. Mỗi khi có khách đặt ăn, bà lại dậy sớm, đi chợ quê, tự tay lựa chọn nguyên liệu tươi ngon nhất. Gà phải là loại gà ri, chân nhỏ, chỉ “cân mốt, cân hai”. Thịt lợn phải vừa mổ, còn nóng hôi hổi. Rau củ lúc nào cũng tươi non.
Sức khỏe có hạn lại không muốn nấu kiểu xô bồ nên mỗi tuần, bà Lâm chỉ nhận đón vài đoàn đến thăm nhà và dồn hết tâm huyết để nấu ăn như thể nấu cho chính gia đình mình. Nguyên tắc của bà Lâm là ít dùng mì chính để tạo độ ngọt giả tạo. Thay vào đó bà dùng chính củ quả để tạo độ ngọt tự nhiên, thanh mát mà lại tốt cho sức khỏe thực khách. Bà tỉ mỉ lấy nước dùng gà, hớt lấy phần nước mỡ bên trên để nấu món canh măng, khi đó sợi măng quện với mỡ gà sẽ rất hợp. Phần nước dưới bà dùng để nấu canh bóng vì với loại canh này nước dùng phải thật trong, nếu đục lờ lờ là hỏng.
Bát bóng của bà có đủ 5 màu tự nhiên của nguyên liệu: Cà rốt đỏ - thăn gà xé và củ đậu trắng – đậu Hà Lan xanh – trứng gà trắng vàng – tôm khô hồng. Điểm xuyết trên cùng là những cọng hành lá và rau mùi. Món bún thang cũng rất đẹp mắt, trứng tráng mỏng tang, giò thái sợi mảnh, tôm hồng tươi và được chan nước dùng đúng vị, dậy mùi mắm tôm thì khách nào chẳng thích thú.
Tương tự như vậy, để có được một bát xôi vò chè đường đúng kiểu để khách tráng miệng sau bữa, khi hoa bưởi vào mùa, bà đã phải lựa những búp hoa mới nở he hé, tươi nguyên bứt lấy cánh hoa trắng ngần, trộn vào bột sắn, bột đao, ủ 2 ngày. Đợi khi bột hút hết hương hoa bưởi thì phơi khô, cất vào lọ dùng dần. Chè kho cũng do tự tay bà quấy và canh chừng. Bà bảo chè kho trông vậy thôi chứ nấu ngon rất khó, chỉ cần một chút lơ là là chè khê hay không đạt độ “mướt, mịn”.
Bà Lâm có một bí quyết là dùng nước mưa trong chế biến món ăn. Phía dưới sân nhà bà là một bể nước ngầm lớn, chuyên để đựng nước mưa hứng từ mái ngói, sau đó nước tự lắng lại qua thời gian. Bà dùng nước mưa này để trần măng giúp măng có màu trắng ngà, luộc bánh chưng trong nồi gang để bánh có màu xanh mướt và mềm, dẻo.
Trong bữa cơm chuẩn Việt, bà không mời khách rượu Tây mà thay bằng rượu Bách Nhật (Trăm ngày) do chính người Bát Tràng nấu; ăn xong khách còn được thưởng thức chén nước… hạt chè rất đặc biệt. Ngoài sân nhà bà có cây hoa sói, nếu muốn khách cứ ngắt lấy vài bông, thả vào ấm chè để thêm vị hương thơm ngát tự nhiên khó tả. Ngồi trong nhà cổ mát rượi, ngắm khoảng sân xanh màu cây và bày biện những lọ, bình, tranh gốm… khách sẽ như lạc vào không gian lạ rất thư thái.
Gần 10 năm qua, không thể nhớ hết đã có bao nhiêu lượt khách tới tham quan và dùng bữa tại ngôi biệt thự cổ này, nhưng bà Lâm còn nhớ rất rõ nhiều kỷ niệm với các vị khách đặc như nghệ sỹ nhân dân Trà Giang, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, ca sĩ Trọng Tấn…
Gần đây cụ giáo sư trăm tuổi Vũ Khiêu đến thăm, đã trải giấy viết tặng đôi câu đối như thể thay lời khích lệ tâm nguyện gìn giữ nét văn hóa Việt cổ của bà và gia đình. 
Theo Thanh Bình /Đời sống Pháp luật

>> xem thêm

Bình luận(0)