Nữ đại gia âm thầm thâu tóm "đất vàng" Sài Gòn giàu cỡ nào?

Google News

Nữ đại gia Trương Mỹ Lan đang sở hữu khối tài sản ước tính lên đến hơn 6.700 tỷ đồng tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Báo Trí thức trẻ thông tin, cuối tháng 1/2016 tới đây, Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5 (Sài Gòn 5) trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn –TNHH Một Thành Viên, sẽ bán đấu giá hơn 38,2 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Theo bản công bố thông tin của Sài Gòn 5, có 2 tài sản doanh nghiệp này không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa rất đáng chú ý. Điều này được thực hiện theo Quyết định số 5823/QĐ-UBND ngày 09/11/2015 của UBND Tp.HCM, về việc xác định giá trị doanh nghiệp, Sài Gòn 5 phải thực hiện bàn giao tài sản không cần dùng về cho Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn (Công ty mẹ) theo quy định của pháp luật.
Theo công bố của Sài Gòn 5 về 2 tài sản này, đáng chú ý là thương vụ bán Khu thương mại Dịch vụ An Đông 2 do Sài Gòn 5 làm đầu tư cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Được biết, Dự án An Đông 2 được cấp phép đầu tư cho Sài Gòn 5 từ năm 2001, có vị trí tại số 16 đường An Dương Vương, phường 9, quận 5, Tp.HCM trên tổng diện tích hơn 6.000m2.
Nữ đại gia Trương Mỹ Lan đang sở hữu khối tài sản ước tính lên đến hơn 6.700 tỷ đồng. 
Năm 2003, Sài Gòn 5 đã ký Hợp đồng chuyển nhượng dự án này cho Vạn Thịnh Phát. Công trình được chia thành 2 phần:
- Khu thương mại-dịch vụ (từ tầng hầm đến tầng 7), được chuyển nhượng có thời hạn 42 năm tính từ ngày 10/6/2003 theo Quyết định cho phép chuyển nhượng dự án của Tp.HCM. Do Sài Gòn 5 đã chuyển nhượng quyền khai thác khu thương mại dịch vụ này cho Vạn Thịnh Phát, nên giá trị quyền khai thác không được thể hiện trong giá trị sổ sách của công ty này.
Như vậy, sau khi kết thúc thời hạn chuyển nhượng, Vạn Thịnh Phát sẽ phải bàn giao lại quyền khai thác khu thương mại dịch vụ này cho Sài Gòn 5 (năm 2045), tài sản hình thành trong tương lai này, Sài Gòn 5 sẽ phải bàn giao lại cho Công ty Mẹ theo dõi và quản lý.
- Khu nhà ở chung cư (từ tầng 8 đến tầng 22): Sài Gòn 5 đã chuyển nhượng không thời hạn cho Vạn Thịnh Phát, nên tập đoàn này có quyền sở hữu về nhà ở theo quy định.
Bên cạnh đó, cũng theo công bố thông tin của Sài Gòn 5, tại thời điểm 31/12/2014 Công ty này còn có tài sản bất động sản đầu tư là Khu TTTM Hùng Vương (khu A&B). Đây là dự án do Sài Gòn 5 hợp tác đầu tư với Công ty CP Hùng Vương.
Theo thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên, Hùng Vương bỏ toàn bộ chi phí xây dựng dự án và có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Đồng thời, Hùng Vương cũng bao thuê toàn bộ phần diện tích thương mại được chia của Sài Gòn 5 theo phương thức thanh toán trước tiền thuê đất 1 lần đến hết 31/01/2016, sau thời hạn này Hùng Vương phải bàn giao lại mặt bằng cho Sài Gòn 5.
Toàn bộ giá trị tài sản của Khu TTTM Hùng Vương (khu A&B) là hơn 446,3 tỉ đồng được Sài Gòn 5 ghi nhận trên sổ sách tại thời điểm 31/12/2014, và thực hiện bàn giao cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn.
Ngoài ra, ở dự án này còn một phần tài sản mà Sài Gòn 5 được chia từ hạng mục phát sinh thêm của Dự án, đó là căn hộ Penthouse P.02A. Nhưng do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh quy hoạch, chưa hoàn công và thủ tục khác nên Sài Gòn 5 chưa đủ cơ sở ghi nhận, hạch toán. Do đó, Sài Gòn 5 cho biết sẽ hạch toán và bàn giao về Công ty mẹ trong giai đoạn quyết toán doanh nghiệp nhà nước.
Nữ đại gia Trung Mỹ Lan giàu cỡ nào?
Nữ đại gia Mỹ Lan là chủ tịch HĐQT, đang sở hữu khối tài sản ước tính lên đến hơn 6.700 tỷ đồng tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát.
Theo giới thiệu trên trang web, tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập năm 1992 với tiền thân là công ty TNHH Vạn Thịnh Phát. Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của Vạn Thịnh Phát có cùng họ: Trương Mỹ Lan, Trương Mỹ Linh.
Ban đầu, doanh nghiệp này chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng - khách sạn, nhưng hiện nay, Vạn Thịnh Phát kinh doanh trên nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản. Hiện, đây là một trong những công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản.
Trong cơ cấu tổ chức của Vạn Thịnh Phát, thì có 2 pháp nhân mang tên “Tập đoàn Vạn Thịnh Phát”. Công ty thứ nhất là Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group Holdings với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Đây có thể coi là công ty trung tâm của hệ thống Vạn Thịnh Phát. Tại VTP Group Holdings, bà Lan sở hữu 80% cổ phần, tương đương lượng vốn góp trị giá 4.800 tỷ đồng.
Công ty thứ hai là CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group. Đây chính là công ty có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng được đề cập trên website của Vạn Thịnh Phát. VTP Group Holdings góp hơn 5.200 tỷ đồng vào công ty này và là cổ đông chính sở hữu 41% cổ phần. Cá nhân bà Trương Mỹ Lan cũng góp 1.920 tỷ đồng, tương đương 15% cổ phần của VTP Group.
Như vậy, chỉ riêng tại 2 công ty trên, bà Lan đã sở hữu lượng cổ phần trị giá tới hơn 6.700 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Lan có thể coi là một trong những người giàu nhất Việt Nam, tương đương với ông Dương Công Minh – chủ tịch tập đoàn Him Lam hay bà Lê Thị Thúy Ngà – chủ tịch tập đoàn Nam Cường. Tất nhiên, đây chỉ là con số tính theo mệnh giá.
Vạn Thịnh Phát được xếp vào hàng những công ty gia đình lớn và bí ẩn nhất Việt Nam, thông tin về những người chủ đều chỉ có một vài dòng ngắn gọn trên website, và gần như không tiếp xúc với giới truyền thông.
Trương Huệ Vân (vợ ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi) là doanh nhân thế hệ thứ tư của Trương Gia tộc. Năm 2011, cô thay mặt bà Trương Mỹ Lan ra Hà Nội dự lễ vinh danh "Gia tộc doanh nhân".
Phát biểu tại buổi lễ hôm đó, Trương Huệ Vân chia sẻ, Vạn Thịnh Phát có được cơ nghiệp với nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng, căn hộ có tiếng bây giờ như khách sạn Thương mại An Đông, cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence… chính là nhờ sự tương trợ, đùm bọc, sẻ chia và tin tưởng lẫn nhau của các thành viên trong gia đình, dòng tộc suốt hơn hai thập kỷ vừa qua.
Nữ doanh nhân trẻ họ Trương tâm sự, trong nghiệp kinh doanh, mỗi thành công là một động lực để các doanh nhân tiến lên. Song đường đến với thành quả ngày hôm nay, đâu phải chỉ toàn thành công và niềm vui, mà có bao khó khăn, cơ cực nhuốm đẫm mồ hôi, nước mắt của nhiều thế hệ… Tuy vậy, trong dòng chảy cuộc sống bộn bề ngày nay, không phải ai cũng có điều kiện nắm rõ về bước đi các lớp cha ông đi trước, hiểu được các bậc tiền bối đã vất vả, gian nan thế nào để có được cơ nghiệp của gia đình, dòng tộc.
Hiện Vạn Thịnh Phát đang là chủ sở hữu của hai công trình nổi tiếng tại TP.HCM là khu cao ốc căn hộ dịch vụ Sherwood Residence và khách sạn thương mại An Đông (Windsor Plaza Hotel). Ở mảng kinh doanh nhà hàng, Vạn Thịnh Phát sở hữu nhà hàng cà phê Central Nguyễn Huệ, nhà hàng Hữu Nghị và nhà hàng Đức Bảo, đều nằm ở trung tâm quận 1, TP.HCM.
Theo Đời Sống Pháp Luật

Bình luận(0)