Ở vụ tòa nhà 8B Lê Trực, chủ đầu tư công trình phải chịu mức phạt hành chính 100 triệu đồng của UBND quận Ba Đình. Mức phạt này bị áp dụng tình tiết nặng do vi phạm nhiều lần.
Cùng với quyết định xử phạt, quận Ba Đình cũng yêu cầu chủ đầu tư: Đình chỉ toàn diện thi công xây dựng công trình; xây dựng và lập phương án phá dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng, báo cáo cơ quan có thẩm quyền trước ngày 15/10; nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế phá dỡ và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.
|
Tòa nhà 8B Lê Trực bị bắt buộc phải cắt ngọn. |
Đấy là chuyện của 8B Lê Trực, còn nhìn sang bên vụ Tòa nhà Thăng Long – Yên Hòa thì có thể thấy rằng, chính quyền dường như không làm được gì trước những sai phạm của chủ đầu tư công trình này.
Bằng chứng là “năm lần bảy lượt” chủ đầu tư Thăng Long Tower sai phạm, bị đình chỉ thi công rồi lại xin được giấy phép xây dựng, rồi lại sai phạm, rồi lại xin giấy phép để hợp thức hóa.
Cụ thể, theo hồ sơ thiết kế ban đầu (từ những năm 2006 - 2007) được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phê duyệt, phương án kiến trúc và Sở Xây dựng phê duyệt thiết kế cơ sở, toà nhà chỉ cao 17 tầng và có chức năng làm văn phòng.
Nhưng khi tiến hành xây dựng, chủ đầu tư dự án không thực hiện theo phương án kiến trúc đó, mà đã từng bước tìm phương án nâng chiều cao (từ 17 tầng lên 27 tầng và hiện tại là 34 tầng) và thay đổi chức năng của tòa nhà từ văn phòng thành tòa nhà hỗn hợp, xây căn hộ chung cư để bán.
Không thèm xin phép, âm thầm xây dựng, đến khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra mới ngã ngửa câu chuyện “tiền trảm hậu tấu” của Công ty TNHH Thăng Long. Đứng trước vấn đề “chuyện đã rồi” của chủ đầu tư dự án, chính quyền Hà Nội buộc phải cấp phép thêm cho dự án từ 17 tầng lên 27 tầng.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Lợi - Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng Cầu Giấy (Sở Xây dựng Hà Nội) đã cho biết: Khi phát hiện dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long xây vượt 10 tầng, Đội đã lập biên bản đình chỉ thi công và kiến nghị thành phố xử phạt số tiền gần 1 tỉ đồng (mức phạt vượt thẩm quyền của Đội nên Chủ tịch UBND Hà Nội phải là người ra quyết định - PV). Tuy nhiên, không thấy thành phố ra quyết định xử phạt.
Thừa nhận hành vi xây vượt tầng của dự án, ông Phạm Văn Lợi cho rằng, vào thời điểm kiểm tra giữa tháng 5/2015, lực lượng Thanh tra Xây dựng phát hiện chủ đầu tư đang cho công nhân xây tầng 32 (trừ các tầng kỹ thuật, dự án vượt 1 tầng).
Hiện tầng vượt này đang được chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, xin chuyển đổi sang... bể bơi.
|
Vụ Thăng Long Tower: Tại sao không cắt ngọn giống tòa nhà 8B Lê Trực? |
Ngày 2/6/2015, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội ban hành quyết định xử phạt hành chính số 35/QĐ-XPVPHC với mức tiền phạt là 80 triệu đồng.
Ngày 11/6, UBND phường Yên Hòa ban hành quyết định số 99/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình.
Như vậy, rõ ràng trong vấn đề xử phạt của chính quyền cũng không dứt khoát, và mức phạt chỉ thuộc dạng “gãi ngứa”, chủ yếu mang tính hình thức chứ không có tính chất răn đe. Khi số tiền phạt hành chính chỉ là vài chục triệu đồng, còn khi kiến nghị lên đến UBND Hà Nội phạt số tiền 1 tỉ đồng thì cho tới bây giờ cũng vẫn không thấy quyết định xử phạt đâu.
Đáng nhẽ ra trong vụ tòa nhà Thăng long – Yên Hòa các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, Thanh tra Sở Xây dựng… cần phải mạnh tay như vụ 8B Lê Trực, phải dứt khoát cắt ngọn phần sai phạm để răn đe các doanh nghiệp làm sai luật.
Không thể để tình trạng “nhờn luật” diễn ra như vậy. Nếu cứ xin giấy phép một đằng, thi công một nẻo, rồi sau đó lại xin giấy phép để hợp thức hóa cái sai phạm thì “thượng tôn pháp luật” coi như đã không còn!
Báo điện tử PetroTimes sẽ tiếp tục tìm kiếm câu trả lời từ Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội và Bộ Xây Dựng về vụ việc phi lý này!