Chị Nguyễn Thị Huyền (32 tuổi), người dân thường xuyên đi làm qua khu vực xây dựng dự án Roman Plaza kể: "Giờ cao điểm, lượng xe đi qua tuyến đường Lê Văn Lương rất đông khiến tình trạng ùn ứ kéo dài. Muốn kịp giờ làm, bắt buộc phải luồn lách lên vỉa hè mà đi thôi".
Vấn nạn ô nhiễm không khí
Bên cạnh đó, việc các công trình mới được xây dựng, các tòa nhà cao tầng “mọc lên như nấm”, cùng lưu lượng xe cộ tham gia lưu thông lớn và chất lượng phương tiện còn hạn chế (xe cũ, không được bảo dưỡng thường xuyên)… còn gây ra hệ lụy về ô nhiễm không khí và tiếng ồn.
Cụ thể, theo Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), thống kê cho thấy, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông. Còn theo kết quả quan trắc năm 2015, 2016, tại hầu hết các vị trí quan trắc, hàm lượng benzen vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 đến 2,5 lần. Độ ồn tại các vị trí quan trắc cũng đều vượt quy chuẩn.
Một số khu vực có nồng độ ô nhiễm bụi cao tập trung ở các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm. Trong đó, các tuyến đường có nồng độ bụi vượt chuẩn cao nhất là 11 lần, thấp nhất 3,8 lần gồm: Đường Nguyễn Trãi; đường Nguyễn Văn Linh; ngã ba Tam Trinh - Lĩnh Nam; đường Phạm Văn Đồng; đường 428 - Pháp Vân tại ngã ba Guột; đường Khuất Duy Tiến, đường Lê Văn Lương – Tố Hữu; đường Kim Giang và đường Khương Đình.
Đây là những tác nhân khiến người dân sống trên tuyến đường Lê Văn Lương và các tuyến đường trong khu vực Hà Đông nói chung luôn trong tình trạng ngột ngạt.
“Nhà tôi lúc nào cũng phải đóng kín vì ô nhiễm khói bụi. Không những thế, tiếng ồn ngày một nhiều khiến cho cuộc sống ở thành thị ngột ngạt và khó thở, nhiều trẻ em bị các bệnh về đường hô hấp. Nhà tôi, mỗi khi thời tiết thay đổi là cháu út lại lên cơn hen. Gia đình đang tính chuyển ra ngoại ô sinh sống để sức khỏe của các cháu có thể cải thiện hơn”, chị Nguyễn Thị Hằng, nhà ngay mặt đường Lê Văn Lương chia sẻ.
Đáng nói, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, chất gây ô nhiễm từ khí thải xe cơ giới xâm nhập vào phổi và thậm chí vào máu con người có thể gây ra các vấn đề về mắt và hệ thống hô hấp. Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo những tác động lâu dài của khí thải xe cơ giới có thể dẫn tới các bệnh rất nguy hiểm như vô sinh, các bệnh về tim, thận và ung thư phổi...
… và mối nguy hiểm từ ô nhiễm tiếng ồn
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu, đánh giá của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội cho thấy, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA, vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA)… Vì thế, khi sống gần các bút giao thông này, cư dân ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
Phát biểu tại hội thảo về "Ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe và biện pháp dự phòng" do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) phối hợp với các đối tác Nhật Bản, tổ chức chiều 20/7/2017, tại Hà Nội, PGS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường chỉ rõ, tiếng ồn là nguyên nhân gây ảnh hưởng sức khỏe lớn thứ 2 sau bụi.
Tiếng ồn tác động lên con người ở 3 khía cạnh: che lấp âm thanh cần nghe làm suy giảm phản xạ tự nhiên của con người với âm thanh; gây bệnh đối với thính giác và hệ thần kinh, gián tiếp gây ra bệnh tim mạch; tiếp xúc với tiếng ồn cao lâu ngày dẫn tới bệnh đãng trí và bệnh điếc không thể phục hồi.
Do đó, nếu sống trong môi trường có tiếng ồn quá lớn thì không chỉ gây tâm thần mà còn gây tổn thương đối với phần tai trong, dây thần kinh thính giác bị teo lại…
Với trẻ em, tiếng ồn có thể khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học từ ngữ của chúng ngay từ những năm đầu đời. Tất cả những tác động này dẫn đến nhiều biểu hiện xấu về tâm lý, sinh lý, bệnh lý, ảnh hưởng hiệu quả lao động, nhất là đối với những cư dân đô thị…
Mời quý độc giả xem video "Ô nhiễm tiếng ồn - mối nguy hiểm đang bị bỏ qua". Nguồn: ANTV: