Đây là chủ trương gia hạn thực hiện dự án di dân giải phóng mặt bằng Kim Liên - La Thành từ năm 1998 vừa được tập thể Ban lãnh đạo UBND TP Hà Nội kết luận thông qua.
|
Sẽ có 5 khu chung cư 5 tầng án ngữ mặt tuyến đường "đắt nhất hành tinh" Kim Liên - Xã Đàn? |
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao quận Đống Đa căn cứ theo thẩm quyền và quy định của pháp luật tiến hành gia hạn việc triển khai dự án; giao Chủ tịch quận chịu trách nhiệm tổ chức quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng, trật tự đô thị lại khu vực này.
Nếu như dự án được khôi phục sau 20 năm “treo”, 300 hộ dân thuộc các tổ dân phố số 1 và 18 đến 21 thuộc phường Phương Liên sẽ phải di dời để nhường quỹ đất hơn 7.800m2 xây dựng chung cư thấp tầng kết hợp thương mại.
|
Ông Nguyễn Thiện Hải (áo sáng màu) đại diện hộ dân bức xúc về việc dự án chết 20 năm bỗng nhiên "sống lại" |
|
Hàng trăm hộ dân sẽ phải di dời nếu như chủ trương này được chấp thuận |
5 khu chung cư này sẽ án ngữ mặt phố Kim Liên - Xã Đàn từ ngã tư Đại Cồ Việt kéo dài đến ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn.
Chủ tịch phường Phương Liên Nguyễn Tiến Lộc thông tin với VietNamNet, chiều 16/3 vừa qua, phường đã mời các hộ dân liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án này theo chỉ đạo của UBND quận.
Điều đáng nói, dự án có từ năm 1998, chậm tiến độ tròn 20 năm, đã từng được gia hạn thực hiện nhưng cho đến nay, vẫn chưa được triển khai. Trước thông tin “dự án chết” được tiếp tục gia hạn, các hộ dân làng cổ Kim Liên hết sức ngỡ ngàng.
Dự án chết… 20 năm
Hơn 20 năm trước, ngày 26/12/1997, UBND TP Hà Nội có quyết định số 5112/QĐ-UB về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở di dân, GPMB Kim Liên - La Thành, quận Đống Đa; trong đó giao UBND quận làm chủ đầu tư; công ty xây dựng kinh doanh phát triển nhà quận Đống Đa (nay là công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội) là đơn vị quản lý dự án.
Dự án gồm 5 khu nhà 5 tầng, với 188 căn hộ; tổng diện tích sàn xây dựng hơn 17.5 ngàn m2. QĐ nêu rõ, sau 6 tháng nếu quận Đống Đa không thực hiện hoặc sau 12 tháng kể từ ngày giao nhận đất nếu chưa sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, thì Giám đốc Sở Địa chính (khi đó) có trách nhiệm lập hồ sơ trình UBND TP thu hồi quyết định giao đất.
|
Vị trí xây dựng ngân hàng Bắc Á trước kia cũng thuộc đất làng Kim Liên |
Tuy nhiên, dự án vẫn không triển khai và đã hết hiệu lực, dù sau đó, tháng 6/2000, UBND TP đã gia hạn thêm 12 tháng thực hiện, nhưng vẫn treo từ đó đến nay.
Gần một tuần kể từ khi nhận được thông báo, hàng trăm hộ dân phường Phương Liên rơi vào tình cảnh “đứng ngồi trên lửa”. Ngày 22/3, các hộ dân nói trên đã tổ chức nhóm họp lấy ý kiến, để từ đó kiến nghị việc hủy bỏ dự án do đã hết hiệu lực từ lâu.
Ông Nguyễn Thiện Hải, đại diện các hộ dân cho hay: mấy chục năm qua, hàng trăm hộ dân sống trong cảnh bất ổn do những hệ lụy từ dự án treo này. Ngần ấy năm, mỗi gia đình đã tăng thêm cả chục nhân khẩu; con cái trưởng thành lấy vợ gả chồng, chia tách hộ. Từ 100 hộ ban đầu thời điểm năm 1998, đến nay tăng lên khoảng 300 hộ.
“20 năm dự án treo, cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc xây dựng, cải tạo chỗ ở không được cấp phép; không được cấp bìa đỏ thửa đất, các hộ có nhu cầu sang nhượng phải “mua bán chui”… Thành thử, dù sống trên đất hợp pháp của cha ông nhưng cứ như ở trên đất “nhảy dù”, sống bất hợp pháp, xây dựng, cải tạo chỗ ở dấm dúi như người vi phạm pháp luật…"- ông Hải nói.
Ông Phạm Duy Hào, một thợ cắt tóc lành nghề của làng cổ Kim Liên cho biết: “Kim Liên nổi tiếng cả nước với làng nghề cắt tóc có hàng trăm năm tuổi. Lịch sử của ngôi làng cổ gắn với đình làng Kim Liên - một trong tứ trấn của Thủ đô.
Trong lịch sử, rất nhiều lần, dân làng Kim Liên đã nhường đất để thực hiện các dự án, công trình công ích tại địa phương, như việc xây dựng hồ Bảy Mẫu (trước kia là đất thuộc xóm Gió, quán Núi); xây dựng Đại học Bách Khoa (thuộc khu đất gò con chó); nhường đất xây dựng nhà máy ô tô 3/2; xây dựng khách sạn Kim Liên; khu tập thể Kim Liên, ngân hàng Bắc Á; xây dựng đường Kim Liên - Xã Đàn…
“Đó là sự hy sinh, nhường đất của cha ông sinh sống gốc rễ tại làng cho nhà nước. Bây giờ, phần diện tích còn lại chỉ còn một phần tỷ lệ rất nhỏ so với quỹ đất từ xa xưa, nguyện vọng của bà con là được giữ lại phần đất hương hỏa của tổ tiên, cha ông để lại” - ông Hào cho biết.