Điểm lạ lùng ở những làng cổ quanh Hà Nội

Google News

(Kiến Thức) - Làm tường nhà bằng tiểu sành, nhà cổ đánh số... là những điểm độc đáo, lạ lùng của nhiều ngôi làng lạ kỳ quanh Hà Nội.

Làm tường nhà từ tiểu sành
Những ngôi làng lạ kỳ quanh Hà Nội này luôn khiến người chứng kiến giật mình vì những điểm độc của nó. Nhắc đến tiểu sành, tiểu cốt có lẽ không ít người cảm thấy sợ hãi, song đây lại là điều hết sức bình thường ở ngôi làng này. Cách Hà Nội khoảng 50km, làng cổ Thổ Hà (thuộc xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) là một trong những địa danh nổi tiếng với nghề làm gốm và quần thể kiến trúc mang nét đẹp riêng biệt, hiếm có. Rất nhiều ngôi nhà ở làng có tường làm từ gốm và tiểu sành.
Diem la lung o nhung lang co quanh Ha Noi
Những bước tường làng độc đáo ở Thổ Hà. 
Sinh ra, lớn lên và sống bằng nghề gốm, bởi thế, văn hóa, kiến trúc, đời sống của người dân ở đây gắn liền với màu men nâu đỏ, với những chum vại, tiểu sành, đồ gốm bình dị mà cũng vô cùng tinh tế. Bởi thế, khi đến Thổ Hà, không ít người cảm thấy ngạc nhiên và thú vị khi quan sát những bức tường chạy dọc suốt đường làng được làm từ tiểu sành, tiểu quách.
Những bức tường này được xây bằng nhiều mảnh gốm, tiểu sành có kích thước 20x40 cm. Trong quá trình vận chuyển hoặc sử dụng, những tiểu sành này bị sứt, vỡ hoặc bị lỗi… được tận dụng cùng mảnh gốm ghép lại thành tường. Những vật liệu này được kết dính với nhau bằng lớp bùn được lấy tại sông Cầu, chảy qua làng Thổ Hà. Những tiểu sành này được người dân tại đây ví như những viên gạch khổng lồ, hình chữ nhật, rỗng bên trong và có lỗ thoáng khí. Nhiều người nghi ngại về độ bền và khả năng chịu lực của những bức tường lạ lùng này, song trải qua năm tháng, mưa nắng, tường không bị làm hao mòn, xuống cấp. 
Điều đặc biệt là nhờ chất gốm được nung ở nhiệt độ cao, nên rất bền, không thấm nước. Vì thế, những bức tường gốm tiểu sành, tiểu quách của Thổ Hà có sự vững vàng đến kinh ngạc. Rất nhiều năm trôi qua nhưng màu sắc nâu đỏ của tiểu sành vẫn còn nguyên vẹn.
Diem la lung o nhung lang co quanh Ha Noi-Hinh-2
Tường tiểu sành ở Thổ Hà. Ảnh: trithucsong.
Việc tận dụng tiểu sành không bán được đem làm nhà đã vô tình tạo cho Thổ Hà một lối kiến trúc riêng biệt, hiếm có, và càng thêm phần cổ kính, trầm mặc.
Tuy nhiên, khi cuộc sống có nhiều đổi thay, nhiều gia đình cũng đã phá bỏ những bức tường xưa cũ, thay bằng tường bê tông chắc chắn khiến không ít người khi đến Thổ Hà cảm thấy tiếc nuối vì sự cổ kính đã dần nhường chỗ cho kiến trúc hiện đại.
Đánh số nhà cổ
Có lẽ không nơi đâu độc đáo như làng Cự Đà (xã Cự Khê – Thanh Oai – Hà Nội) khi mà những ngôi nhà cổ tại đây đã được đánh số cách đây gần 1 thế kỷ.
Diem la lung o nhung lang co quanh Ha Noi-Hinh-3
Những ngôi nhà cổ được đánh số cách đây gần trăm năm.
Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 15km, Cự Đà hiện nay còn khá nhiều nhà cổ tuổi đời 200 – 300 năm, với những nét kiến trúc cổ kính, pha trộn giữa Á – Âu hài hòa, đường nét chạm khắc tinh xảo.
Từ những năm 1934 – 1935, đây là ngôi làng đầu tiên của Hà Đông có điện. Các xóm đều có biển tên, từng nhà đều được đánh số hiện đại như những khu phố lớn thời đó của Hà Nội. Mỗi xóm, ngõ đều bắt đầu bằng một chiếc cổng vòm. Việc đánh số nhà ở Cự Đà ban đầu chỉ gần 300 nóc nhà, những nhà đánh số phải được chứng nhận là đất chính chủ, còn đất lấn chiếm, tranh chấp thì không được. Điều này nhằm giúp cho việc quản lý trật tự, hành chính được tiện lợi, khoa học hơn. Ngày nay, khi đến làng cổ Cự Đà, người xem sẽ bắt gặp những căn nhà ngói năm gian được đánh số cẩn thận. Sự văn minh, hiện đại hiếm có của Cự Đà đã có cách đây gần 1 thế kỷ, điều không phải làng quê nào cũng có.
Tuy nhiên, cũng như nhiều làng cổ quanh Hà Nội, Cự Đà đang đứng trước thách thức giữ gìn, bảo tồn nét kiến trúc cổ điển, những căn nhà có tuổi đời cả trăm năm trước cơn bão của các công trình, nhà ở hiện đại.
Làng “biệt thự Tây” bị bỏ hoang
Nói đến những ngôi làng có nhiều dấu ấn kiến trúc Á – Âu, không đâu khiến người ta nhớ đến nhiều như làng Cựu (Phú Xuyên – Hà Nội). Tuy nhiên, những công trình biểu thị một thời hưng thịnh của người dân nơi đây hầu hết đều bị bỏ hoang, “cửa đóng then cài”.
Diem la lung o nhung lang co quanh Ha Noi-Hinh-4
Nét kiến trúc Á - Âu tại Làng Cựu - Phú Xuyên - Hà Nội. 
Từng nức tiếng một thời là làng thợ may đệ nhất Hà Thành, người dân làng Cựu nhanh chóng giàu có nhờ nghề may, cung cấp hàng hóa cho người Pháp và giới nhà giàu ở Hà Nội. Những người làm ăn thành đạt đã xây dựng không ít ngôi nhà nguy nga, bề thế. Vì nhiều lý do, nhiều ngôi nhà phải đóng cửa im lìm. Một phần do chủ nhân li tán, hoặc một số người buôn bán “phất” lên, ra nước ngoài sinh sống. Đến làng Cựu, nhiều người không khỏi tò mò, xen lẫn tiếc nuối khi những ngôi nhà một thời hoành tráng, nay không một bóng người.
Những ngôi làng có giếng nước hình bàn chân
Nguyên nhân vì đâu có chiếc giếng cổ hình bàn chân, những người dân sinh sống tại những ngôi làng này không đoán biết và chưa tìm được ra, chỉ biết rằng, giếng bàn chân có từ rất lâu đời.
Đấy là câu chuyện của làng Yên Trường (Chương Mỹ - Hà Nội) nơi nhiều chiếc giếng đá ong hình thù kỳ dị, lòng giếng hình chảo, miệng giếng hình bàn chân. Nước tại giếng trong mát, thường được người dân lấy về nấu nước uống, thanh ngọt. Điều kỳ lạ là tại làng Yên Trường, không phải chỉ có 1 chiếc giếng có hình bàn chân như vậy mà trước đây có tới 20 giếng nước. Trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, đổi thay của ngôi làng, hiện giờ chỉ còn 7 chiếc nằm rải rách khắp các thôn xóm.
Diem la lung o nhung lang co quanh Ha Noi-Hinh-5
Giếng nước hình bàn chân tại xóm Mát - Tốt Động - Chương Mỹ. Ảnh: Lê Bích
Câu chuyện về hình thù kỳ lạ của giếng nước đá ong cũng từng gây xôn xao suốt thời gian dài ở xóm Mát và xóm Tròn (thôn Yên Duyệt, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ - Hà Nội), hai chiếc giếng hình bàn chân xuất hiện ở đây từ đời cha ông gắn liền với sự tích một ví Thành trên trời, ban cho nước mát lành để mưa thuận gió hòa. Người dân làng vẫn trang nghiêm gọi chiếc giếng là “Đệ nhất giếng thiêng”, thường xuyên bảo vệ, giữ gìn báu vật này. Không biết từ khi nào, những chiếc giếng kỳ lạ này đã gắn liền với đời sống, văn hóa và tâm linh của người dân nơi đây.
Ngọc Linh (tổng hợp)

Bình luận(0)