Dường như bất động sản nghỉ dưỡng đang tạo ra một cơn sốt mà khi nhìn vào đó sẽ chỉ tìm thấy màu hồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không có bất kỳ khoản đầu tư nào là chắc chắn sinh lãi. Vốn đầu tư càng cao, rủi ro càng lớn.
Khách hàng không được cầm dao đằng chuôi
Thực tế, một dự án nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng sau khi bung hàng gần 200 căn biệt thự ven biển đã bán hết trong một thời gian ngắn. Còn tại Phú Quốc, theo báo cáo của Savills Việt Nam, năm 2015, huyện đảo này có 2.500 đơn vị bất động sản chào bán, bao gồm đất nền, căn hộ, biệt thự nhưng đã bán hết 965 sản phẩm. Ông Đoàn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, dòng vốn đầu tư tiếp tục đổ vào Phú Quốc, khi có tới 164 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 183.000 tỷ đồng.
Nhận định về thị trường nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - đánh giá, Việt Nam có điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển phân khúc này. Và đây sẽ là khuynh hướng để đầu tư trong năm 2016.
Song theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), bất động sản nghỉ dưỡng là loại đầu tư dành cho những người có rất nhiều tiền. Số tiền của họ là nhàn rỗi, không biết làm gì, họ đi đầu tư vào phân khúc đó. Bởi lẽ khi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, người đầu tư cần xác định bỏ ra một số vốn cực lớn, nhưng rất lâu được thu hồi vốn. Chưa kể đến vấn đề rủi ro, khi khu resort làm ăn được, thị trường du lịch địa phương đó làm ăn được thì đầu tư mới có thể sinh lời.
|
Nhiều công trình, dự án xây dựng khách sạn lớn được triển khai tại khu vực Bãi Trường trên đảo Phú Quốc. - Ảnh: Báo Xây Dựng. |
“Tôi không đặt vấn đề như những nhà nghiên cứu, chỉ hỏi như một khách hàng. Khi tôi bỏ ra khoảng 1 triệu USD để mua một căn biệt thự biển, sau bao lâu sẽ thu hồi vốn? Đây là một câu hỏi mà trước mỗi quyết định đầu tư người ta phải đặt ra. Ngoài ra, việc đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng chỉ hợp với những đại gia, nếu vay vốn ngân hàng để đầu tư vào lĩnh vực này sẽ là trường hợp phiêu lưu hết sức. Đặc biệt trong bối cảnh năm 2016, lãi suất ngân hàng còn được điều chỉnh tăng”, ông Đực cho biết.
Phó chủ tịch HoREA cũng nhấn mạnh, chủ đầu tư bỏ rất nhiều tiền để quảng cáo về dự án và thị trường với những cam kết về lợi nhuận chắc chắn, đấy là điều dễ hiểu. Nhưng thực tế khách hàng sẽ nhận được gì? Nghỉ dưỡng một thời gian, thời gian còn lại của năm giao phó cho chủ đầu tư kinh doanh. Lúc này cơ chế kiểm soát phải thật rõ ràng, vì khách hàng không thể lắp camera để theo dõi lượng khách nghỉ dưỡng tại ngôi nhà của mình.
Ngoài ra, số tiền đầu tư khách hàng không được làm chủ, không được nắm đằng chuôi, thay vào đó giao phó hoàn toàn cho chủ đầu tư kinh doanh. Tính minh bạch của doanh nghiệp cũng khó kiểm soát, lợi nhuận đáng 10 nhưng khách hàng chỉ được biết và nhận 2-3 phần. Chưa kể đến những hành động mua đi bán lại dự án trong tương lai, khi đó lấy gì đảm bảo quyền lợi? Điều này tương tự như việc đem tiền đi đánh bạc ké, may ăn rủi chịu.
Nhiều điểm trừ của bất động sản nghỉ dưỡng
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, nhìn nhận Việt Nam có những điều kiện tự nhiên rất tốt để phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam nói chung và những khu vực phát triển du lịch nghỉ dưỡng nói riêng, chưa đầu tư đồng bộ, phần nhiều chỉ dựa vào những lợi thế mang tính tự nhiên.
Ông Châu phân tích, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam chưa hề đồng bộ, ví dụ như thế giới có các loại hình du lịch hội nghị, du lịch mua sắm, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sắc đẹp… nhưng chúng ta hoàn toàn thiếu. Nhìn sang Thái Lan, họ đã hoàn thiện điều này ít nhất 10 – 20 năm trước.
Cũng theo ông Châu, không ít khách hàng Nhật Bản muốn tới Việt Nam để nghỉ dưỡng tránh đông, nhưng cuối cùng họ không lựa chọn. Bởi các khu resort Việt Nam chưa đi kèm với bệnh viện đạt chuẩn quốc tế. Hoặc nhiều khách nước ngoài đến nghỉ dưỡng, nhưng sau khi tắm biển họ phải quay về phòng nghỉ mà không có chỗ chơi như quán bar, casino, phố mua sắm, trung tâm thương mại hay các dịch vụ chăm sóc con người, sắc đẹp khác…
|
Một góc Bãi Trường thuộc xã Dương Tơ - nơi có tới 38 dự án nhưng hiện vẫn rất hoang sơ - Ảnh: TTO |
"Ngoài ra, khi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, nhà đầu tư cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng về thị trường du lịch. Ngay như năm 2014, 2015, khi khủng hoảng Ukraina – Nga và khủng hoảng tại châu Âu, lượng khách du lịch từ EU và Nga đổ sang Việt Nam sụt giảm đáng kể. Hoặc như năm 2015, khách du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam cũng giảm nhiều vì kinh tế nước họ có những trục trặc. Vì thế nếu khách hàng chỉ trông vào những lời quảng cáo, định hướng có cánh là điều không nên. Phải có những yếu tố nhận định, nghiên cứu đánh giá thị trường du lịch và thị trường bất động sản rất kỹ lưỡng", ông Châu nói.
Một yếu tố khác cũng là điểm trừ cho du lịch Việt Nam khi tính liên kết địa lý chưa cao, đường giao thông từ một thành phố lớn đến một điểm du lịch có thể tốt, nhưng giao thông nhiều điểm du lịch, giao thông công cộng… tất cả còn yếu kém… Điều này dẫn đến thiếu tính cạnh tranh cho ngành du lịch nói chung và các khu bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.