Cơn sốt phía đông, đất Long Biên, Gia Lâm tăng giá gấp đôi

Google News

Không sôi động như phía Tây nhưng nhà đất phía Đông vẫn có những bước chuyển biến đáng kể từ đầu năm nay.

Chỉ trong thời gian ngắn, lô đất liền kề chị Hương mua giá đã tăng gấp đôi. Không sôi động như phía Tây nhưng nhà đất phía Đông vẫn có những bước chuyển biến đáng kể từ đầu năm nay. Đặc biệt, khi tin về việc xây 4 cây cầu bắc qua sông Hồng phát ra, nhà đất khu vực này lại càng được quan tâm.
Giá đất tăng gấp đôi
Mua lô đất biệt thự tại một dự án ở phía Đông, chị Nguyễn Mai Hương (Hà Đông, Hà Nội) không khỏi bất ngờ về mức độ tăng giá của dự án.
Thời điểm chị mua, giá mỗi mét vuông đất vào khoảng 18 triệu đồng. Cho tới nay, hầu hết các giao dịch tại đây đều trên 35 triệu đồng/m2, chưa kể số lượng người bán rất ít. Hầu hết những người mua như chị đều có tâm lý chờ đợi khi dự án đi vào hoạt động, mức giá sẽ tăng nhiều hơn nữa.
Chị Hương tỏ ra tiếc nuối khi trước đó chị đã không ôm thêm 1-2 lô. “Đúng là thời điểm mua, chẳng ai nghĩ giá đất tại đây lại tăng nhanh như vậy. Tôi đang hoàn thiện căn nhà mình để cho thuê kinh doanh”, chị Hương chia sẻ.
Con sot phia dong, dat Long Bien, Gia Lam tang gia gap doi
Nhiều dự án tăng giá trong thời gian gần đây
Thực tế, dự án chị Hương mua thời điểm mở bán cũng đã chứng kiến cảnh tượng có một không hai “khách hàng phải lấy số bốc thăm quyền mua”, trong khi nhiều dự án khác thưa vắng khách. Mức độ hot của dự án đã khiến giá đất tăng nhanh, sau thời điểm bốc thăm, người mua đã có thể bán chênh vài trăm triệu đồng.
Không chỉ biệt thự, đất liền kề tăng giá mà loại hình căn hộ tại dự án này cũng ghi nhận thanh khoản cao, khách hàng phải xếp hàng mua nhà từ sớm. Tại một số toà nhà chung cư, thị trường thứ cấp ghi nhận mức giá chênh từ 150 triệu đồng mỗi căn so với giá của chủ đầu tư.
Phân khúc đất thổ cư cũng tăng so với cách đây vài năm. Đơn cử tại Long Biên, khu vực đường Ngọc Thụy năm qua giá đất tăng chóng mặt. Giá đất so với năm 2014 đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi với những ô gần mặt đê Ngọc Thụy.
Các khu đất nằm gần bờ sông Đuống như Gia Thượng, Giang Biên, Tình Quang, Quán Tình,... cạnh cầu Giang Biên sắp được xây cũng có giá 18-20 triệu đồng/m2, có nơi trên 35 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, các ghi nhận về giao dịch thành công ở các khu vực trên rất ít.
Sẽ còn nóng nữa?
Đánh giá thị trường bất động sản phía Đông, Bà Nguyễn Hoài An, CBRE Việt Nam cho biết, thị trường BĐS Long Biên hoàn toàn có khả năng trở thành một trung tâm BĐS mới. Đặc biệt, khi so sánh với quận 2 tại TP.HCM, Long Biên có vị trí khá tương đồng. Hiện tại, quận 2 đang là một trong những địa điểm có thị trường BĐS sôi động bậc nhất Sài Gòn Long Biên có nhiều cơ sở để hy vọng sẽ có một thị trường BĐS tốt hơn.
“Hiện tại, hạ tầng Long Biên đã rất tốt, nếu kết nối từ Long Biên đến khu vực trung tâm Hà Nội không bị cản trở giao thông, không bị tắc đường thì giá trị BĐS quận Long Biên có thể còn tiếp tục tăng”, bà An nói.
Khu vực phía Đông có thể kể tới các đại gia lớn là Vingroup, MIKGroup, Vihajico, BRG và Him Lam. Ngoài ra, tại đây cũng có nhiều đại siêu thị và trung tâm vui chơi, mua sắm lớn như: Aeon Mall, Savico Mall,...
Cuối tháng 9, ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã chính thức thông báo UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai thực hiện 4 dự án cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống và triển khai giai đoạn 2 dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy. Cụ thể, 4 cây cầu này gồm cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, Cầu Đuống 2 và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Con sot phia dong, dat Long Bien, Gia Lam tang gia gap doi-Hinh-2
Tác động từ hạ tầng tới nhà đất phía Đông
Thông tin này được phát đi ngay lập tức đã trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản. Những dự đoán về việc thị trường bất động sản khu vực Long Biên có khả năng trở nên sốt nóng sau khi 4 cây cầu này được xây dựng đang môi giới rỉ tai nhà đầu tư.
Theo ông Vũ Kim Giang, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Bất động sản Hải Phát, khi có các cây cầu mới, hiển nhiên sẽ có tác động tích cực tới việc phát triển bất động sản cũng như câu chuyện về giá.
Bà An phân tích, dù BĐS phía Đông giàu tiềm năng, nhưng không ai có thể dự báo được trong khoảng thời gian cụ thể nào thì giá bất động sản khu vực này sẽ tăng ra sao. Nhưng, nếu nhìn vào những con số thống kê trong quá khứ thì có thể biết được tăng bao nhiêu là hợp lý, ổn định.
Thị trường ổn định, trong một năm, giá có thể tăng từ 3-5%, tốt hơn thì sẽ còn cao hơn. Còn nếu kì vọng tăng tới 10% đến 15% trong vòng nửa năm hoặc 1 năm thì rất khó.
Bình luận thêm về tác động của 4 cây cầu đến BĐS Long Biên, bà Nguyễn Bích Trang, Giám đốc CBRE Hà Nội, cho rằng, nếu phát triển hội đủ 3 yếu tố (chính sách, hạ tầng, tiện ích) thì bất động sản khu phía Đông thành phố rất có tiềm năng phát triển không kém phía Tây.
“Vấn đề là khi nào dự án thực sự hoàn thành, tác động của 3 yếu tố này đến thị trường bất động sản phải chờ thời gian trả lời", bà Trang cho hay.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, bà An cho rằng, cũng cần thận trọng. Bởi nếu may mắn thì không sao, nhưng không may thì nhiều rủi ro có thể xảy ra. “Với nhà đầu tư, chớp thời cơ nhanh hơn, khi gặp may thì lợi nhuận càng nhiều, nhưng rủi ro cũng càng cao. Đặc biệt là những cơ hội mang lại lợi ích đầu tư từ thị trường không phải luôn dành cho mọi người” - bà An nói.
Theo Duy Anh/VietNamNet

>> xem thêm

Bình luận(0)