CEO Group “đánh rơi” đất vàng D27 Cầu Giấy khó hiểu
Dự án Seven Star là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp được xây dựng trên lô đất D27 thuộc KĐT mới Cầu Giấy (Hà Nội), với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Theo dự kiến ban đầu của
CEO Group, Seven Star được khởi công trong tháng 12/2010 và hoàn thành trong quý IV/2013. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn dậm chân tại chỗ gây lãng phí rất lớn. Đáng nói hơn, khu đất còn xuất hiện các công trình sử dụng sai mục đích, không có dấu hiệu nào cho thấy chủ đầu tư có ý định triển khai. Thậm chí, trong Báo cáo tài chính của
CEO Group từ năm 2013 trở đi, dự án Seven Star luôn nằm ngoài danh mục các dự án được đầu tư.
|
Phối cảnh dự án Seven Star mà CEO Group từng không ít lần khoe với giới đầu tư bất động sản. |
Theo thông tin từ Nhadautu, Seven Star nằm trong lô đất rộng 2,2ha được UBND TP Hà Nội chỉ định cho liên danh Công ty cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty cổ phần đầu tư CEO thực hiện dưới hình thức BT từ năm 2011. Lô đất D27 được chia ra làm 4 tiểu lô. Phần BT là Tiểu lô D27.a được quy hoạch xây dựng Tòa nhà văn phòng các hội và hiệp hội. Phần đối ứng tại các Tiểu lô D27.b, Tiểu lô D27.c, D27.d quy hoạch xây dựng dự án khu hỗn hợp, trường tiểu học và trường trung học cơ sở và CEO Group góp vốn khoảng 25% tại dự án này.
Tuy nhiên, tại ĐHCĐ năm 2017, ông Đoàn Văn Bình trả lời chất vấn của cổ đông về dự án Seven Star: “Dự án không còn thực hiện theo hình thức BT, bởi vậy liên doanh vẫn đang nghiên cứu, tìm hướng triển khai dự án và sẽ có tín hiệu mới trong năm 2017”.
Từ đó tới nay, CEO Group không nhắc tới lô đất vàng D27 Cầu Giấy nữa. Trong khi đó, theo kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của quận Cầu Giấy, trên lô đất D27 chỉ thấy giới thiệu hai dự án xây dựng trường tiểu học và trung học cơ sở với diện tích khoảng 0,8ha.
CEO đối mặt nguy cơ mắc cạn ở Vân Đồn
Theo thông tin đăng tải trên Đất Việt, tại ĐHCĐ thường niên,
Tập đoàn CEO Group đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.544 tỷ đồng lên 2.573 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu trong năm 2019. CEO dự định chi 357 tỷ đồng vào việc phát triển dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City (huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh). Dự án được chia ra làm nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đã chính thức khởi công vào quý III/2018 với mức đầu tư từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng.
|
Phối cảnh của dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City mà CEO Group "mắc kẹt" bấy lâu nay. |
Gồm tổ hợp nghỉ dưỡng bao gồm khách sạn quốc tế, căn hộ nghỉ dưỡng - condotel, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển và trung tâm hội nghị quốc tế, Sonasea Vân Đồn Harbor City từng được đánh giá là dự án trọng điểm của CEO Group với quy mô 358,5ha, có tổng vốn đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng.
Nhưng mọi chuyện không thuận buồm xuôi gió như những gì các nhà đầu tư kỳ vọng. Đầu năm 2018, thông tin Luật Đặc khu kinh tế sẽ được thông qua mà điểm được lựa chọn là Phú Quốc - Kiên Giang, Bắc Vân Phong - Khánh Hòa và Vân Đồn - Quảng Ninh đã làm điên đảo cánh môi giới bất động sản. Giá đất tại các khu vực này tại thời điểm đó như nhảy múa, tăng lên chóng mặt chỉ trong thời gian ngắn.
Đó chính là lý do cả 3 địa phương kể trên quyết định “đóng băng” mọi giao dịch liên quan đến bất động sản mà không phải là đất ở lâu năm. Chính sách đó tác động mạnh, khiến cho tình hình “cơn sốt" đất tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc nhanh chóng hạ nhiệt.
Đầu tháng 1/2019, huyện Vân Đồn đã chính thức cho phép giao dịch mua bán đất đai trở lại nên thị trường bất động sản nơi đây có phần khởi sắc. Nhưng thông tin sốt đất không chính xác mà chỉ là lời thêu dệt của giới đầu cơ hòng tăng tốc rút vốn tháo chạy. Khi cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, thị trường bất động sản Vân Đồn lại một lần nữa rơi vào cảnh “hoá đá”.
Cuối tháng 5/2019, Đất Việt đưa tin, ông Châu Thành Hưng, Phó chủ tịch huyện Vân Đồn, xác nhận trên địa bàn huyện không xảy ra tình trạng sốt giao dịch hay giá bán đất. Ở bối cảnh đó, liệu với mức giá mà CEO Group đưa ra cho sản phẩm tại dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City có dễ dàng thanh khoản hay chỉ khiến tập đoàn rơi vào cảnh “mắc cạn”?
CEO Mê Linh có thể lập kỷ lục vì… “đắp chiếu”
|
Phối cảnh của CEO Mê Linh hấp dẫn rất nhiều người nhưng dự án đã bị bỏ hoang nhiều năm. |
UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt cho Tập đoàn CEO làm chủ đầu tư dự án CEO Mê Linh vào ngày 29/2/2008 (trước thời điểm Mê Linh sáp nhập về Hà Nội gần 6 tháng). Thế nhưng mãi tới năm 2018, dự án này vẫn bị bỏ hoang.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018, khi trả lời chất vấn của các cổ đông về kết quả tiêu thụ bất động sản tại một số dự án Hà Nam, Hà Nội, Phú Quốc…, lãnh đạo CEO Group không hề nhắc tới CEO Mê Linh mà chỉ cho biết đang tập trung vào 2 dự án chính là Bamboo Garden City và Sunny Garden City.
Câu hỏi được đặt ra là dự án tại khu đất vàng bị “đắp chiếu” nhiều năm đã gây gây lãng phí nguồn tài nguyên rất lớn cho Nhà nước, vậy UBND TP Hà Nội cps nên thu hồi lô đất D27 để đấu giá hay không bởi đây là lô “đất vàng” mà rất nhiều doanh nghiệp “khao khát”?
Báo Thương hiệu & Công luận đưa tin, ngoài loạt dự án kể trên, những dự án như Khu đô thị mới Chi Đông, Khu Đô thị BMC – CEO cũng đang trong tình trạng “phủ mền, đắp chiếu”.
Để hàng loạt lô đất vàng “đóng băng” hoặc "chết yểu" như vậy, CEO Group có thực sự xứng đáng với danh hiệu “nhà phát triển Bất động sản uy tín nhất”??? Thông tin sẽ được Kiến Thức tiếp tục cập nhật...