Tài sản Nhà nước đang chảy vào túi nhiều đối tượng qua con đường cho thuê đất công mà nhiều doanh nghiệp Nhà nước đang áp dụng. Có trường hợp khi cho thuê lại, chỉ cần thu hai tháng tiền đất đủ để trả tiền thuê cả năm cho Nhà nước. Phần còn lại chảy vào túi ai?
Tình trạng trên xảy ra từ nhiều năm qua và đã bị các cơ quan chức năng thổi còi, có quyết định xử phạt nhưng nhiều doanh nghiệp Nhà nước vẫn vô tư áp dụng.
Những hợp đồng bạc tỷ
Khu đất rộng gần 16 ha ở số 2 Trường Chinh (quận Tân Phú, TP HCM) của Công ty cổ phần dệt may Thắng Lợi (gọi tắt là Dệt may Thắng Lợi) hiện là những nhà xưởng rộng thênh thang, kéo dài hàng trăm mét mặt tiền đường Trường Chinh.
Ngoài khu vực văn phòng công ty, phần lớn nhà xưởng còn lại của lô đất này đều được cho thuê theo nhiều hình thức khác nhau. Đáng kể là khu đất hơn 5.200 m2 có mặt tiền đường Trường Chinh được Công ty ôtô Ngôi Sao Việt làm nơi trưng bày.
Theo hợp đồng, Dệt may Thắng Lợi cho Công ty ôtô Ngôi Sao Việt thuê nhà xưởng với giá khoảng 4,4 tỷ đồng/năm. Hợp đồng này được ký từ tháng 8/2005 đến tháng 7/2030.
|
Hàng ngàn mét vuông đất mặt tiền của Công ty cổ phần dệt may Thắng Lợi được cho thuê để làm showroom ôtô (số 2 Trường Chinh, P.Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM). |
Cũng từ năm 2002, hơn 5.200 m2 kho trong khuôn viên của Dệt may Thắng Lợi được ký cho Công ty liên doanh may Vigawell VN thuê với giá hơn 12.000 USD/tháng (khoảng 250 triệu đồng), song từ tháng 9/2014 Vigawell đã ngưng hoạt động.
Mặc dù Dệt may Thắng Lợi đang có những hợp đồng cho thuê kho với giá khá cao nhưng lại kiến nghị với Nhà nước xin được hưởng giá thuê đất ưu đãi. Cụ thể năm 2012, công ty có đơn gửi các cơ quan chức năng “xin” hưởng giá thuê đất ưu đãi bằng 2 lần giá thuê đất trước năm 2010 (khoảng 4.400 đồng/m2/tháng).
Theo tài liệu, giá thuê đất hiện nay của Dệt may Thắng Lợi là 145.000 đồng/m2/năm (khoảng 12.084 đồng/m2/tháng).
Trao đổi với Tuổi Trẻ qua email, đại diện Dệt may Thắng Lợi khẳng định việc cho thuê kho của công ty không sai. “Khu đất trên đã được cơ quan chức năng đồng ý để công ty chuyển mục đích sử dụng đất sang làm dự án khu đô thị. Trong thời gian chờ phê duyệt dự án, để tránh lãng phí, chúng tôi đã tận dụng các công trình trên đất hiện hữu để cho một số đối tác có nhu cầu sử dụng thuê lại”.
Mặc dù khẳng định như vậy, thế nhưng hợp đồng thuê đất với Nhà nước ký năm 2013 xác định Dệt may Thắng Lợi thuê đất để làm văn phòng và nhà xưởng sản xuất.
Đáng nói là doanh nghiệp này đã từng bị UBND quận Tân Phú xử phạt hành chính vì sử dụng đất sai mục đích, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng.
Cách địa bàn của Dệt may Thắng Lợi không xa là đất của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp II (XNKTH II).
Năm 1994, UBND TP giao cho Công ty XNKTH II hơn 4.300 m2 đất tại P.Tây Thạnh (nay là 59 đường Chế Lan Viên) để xây dựng xí nghiệp đan len. Hiện khu vực trên có hai khối nhà, Công ty XNKTH II cho thuê 430 m2 nhà xưởng với giá khoảng 13 triệu đồng/tháng, còn lô đất 3.100m2 có khối nhà một trệt một lầu được cho Đại học Hùng Vương thuê giá hơn 100 triệu đồng/tháng.
Theo một người có trách nhiệm của Đại học Hùng Vương, công ty cho trường thuê thời hạn 20 năm và cả hai bên đang bàn đến chuyện sẽ liên doanh bằng cách phía công ty mua cổ phần của trường.
Từ năm 2009, Sở Tài nguyên - môi trường đã có công văn yêu cầu công ty chấm dứt việc cho thuê vì trái với mục đích sử dụng đất do Nhà nước giao ban đầu gần như không có tác dụng đối với trường hợp sử dụng đất của công ty này.
|
Công ty cổ phần cơ khí điện tử Phú Thọ Hòa Viemco cho người dân thuê mặt bằng trước công ty để bán quần áo trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú. |
Xử phạt rồi vẫn vậy
Từ năm 2007, Công ty cổ phần cơ khí điện tử Phú Thọ Hòa được Nhà nước cho thuê 4.023 m2 đất tại số 1026B Lũy Bán Bích với hình thức trả tiền hằng năm, với giá thuê 60.000 đồng/m2/năm, giá thuê được ổn định trong năm năm.
Thời hạn thuê đến năm 2020, với mục đích để làm văn phòng, nhà xưởng sản xuất cơ khí điện tử và phòng trưng bày sản phẩm. Thế nhưng, hiện toàn bộ mặt tiền đường Lũy Bán Bích của lô đất dài gần 50m trên chỉ có cổng và nhà bảo vệ của Công ty điện tử Phú Thọ Hòa, còn lại là một dãy hơn 10 kiôt bán quần áo.
Mỗi kiôt phía trong đều có gác nhỏ để làm nhà kho hoặc nơi ở của các chủ cửa hàng. Từ năm 2013, UBND quận Tân Phú đã xử phạt hành chính về hành vi sử dụng đất sai mục đích nhưng đến nay mọi việc vẫn
không có gì thay đổi.
Theo một chủ cửa hàng quần áo thuê kiôt của Công ty điện tử Phú Thọ Hòa, trước đây công ty ký hợp đồng cho thuê kiôt rộng hơn 40m2 nguyên năm với giá khoảng 6,3 triệu đồng/tháng.
Từ đầu năm 2015, công ty chỉ cho thuê hai tháng và hẹn sẽ lấy lại mặt bằng vào đầu tháng 3/2015. Tuy nhiên đến nay người dân vẫn tiếp tục được kinh doanh.
Tương tự, mặt bằng 62 đường Tân Thành (do Công ty cổ phần Mỹ nghệ tổng hợp xuất khẩu quản lý) hiện cũng đang được đơn vị quản lý chia năm xẻ bảy cho thuê đủ loại hình từ cho thuê kho bãi, văn phòng công ty, bán vé máy bay đến cà phê, hủ tiếu, rửa xe... Tổng diện tích khu này gần 10.000 m2, trong đó có hơn 7.000 m2 nhà kho và gần 3.000 m2 khuôn viên.
Công ty này được UBND TP cho thuê để làm văn phòng và xưởng sản xuất từ năm 1996. Tuy nhiên, đến địa chỉ này không hề thấy có một biển hiệu nào của Công ty cổ phần Mỹ nghệ tổng hợp xuất khẩu mà biển treo to nhất nơi đây là của một bãi giữ ôtô. Kế đó là rất nhiều biển hiệu của vô số dịch vụ và các công ty thuê lại kho bãi, đất, nhà xưởng kinh doanh đủ thứ các loại dịch vụ.
Được biết, các nhà kho được công ty này ký hợp đồng cho thuê mỗi tháng 44.000 - 46.000 đồng/m2. Nếu chỉ tính riêng tiền cho thuê hơn 7.000 m2 nhà kho, mỗi tháng công ty này thu không dưới 300 triệu đồng.
Xâu xé đất vàng
Khu đất 1027 Phạm Thế Hiển do Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC) quản lý được chuyển mục đích để xây dựng trung tâm thương mại, nhà ở cao tầng từ năm 2008. Đến nay, SSIC chưa triển khai được dự án mà đem chia năm xẻ bảy để cho thuê bãi đỗ xe, sân tennis gần hết khu đất 2,6ha...
Còn mặt bằng khu đất “vàng” 181 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) quản lý cũng đang cho một công ty ôtô thuê làm xưởng và cửa hàng trưng bày ôtô. Khu đất này được UBND TP chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng đất để làm dự án khu dân cư thương mại từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai...
Đến năm 2013, tại TP HCM có 155 khu đất của 72 doanh nghiệp được các cơ quan chức năng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng theo quy hoạch của TP sau khi xử lý, sắp xếp lại nhà, đất theo quyết định 09 năm 2007 của Thủ tướng.
Năm 2014, UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên - môi trường kiểm tra, rà soát tiến độ đầu tư xây dựng của những khu đất trên. Tính đến tháng 10/2014, có gần 60 khu đất đã chuyển mục đích sử dụng đất, hai đơn vị tự nguyện giao lại cho Nhà nước bốn khu đất với diện tích hơn 20.000 m2.
Còn 90 lô đất còn lại, Sở Tài nguyên - môi trường đã mời các đơn vị đang quản lý, sử dụng để yêu cầu cam kết về thời gian, tiến độ thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất.