Cho con vào rừng học văn minh

Google News

Hóa ra, đi là để trở về trân trọng hơn. Con trân trọng hơn cuộc sống mà cha mẹ tạo dựng cho con...

- Là một bà mẹ thành phố, khi quyết định cho cả 2 nhóc tuổi mẫu giáo của mình vào rừng sống vài ngày“bụi bặm”: lội rừng, ngủ lều, đào lò nấu cơm… chính tôi cũng rất hồi hộp.
 
Sống văn minh trong rừng.
 
Vừa bước chân vào bìa rừng, chúng tôi đã được phổ biến về nguyên tắc vứt rác. Rác phải bỏ ngay vào thùng rác, không “để tạm” lung tung. Mới nghe thấy đơn giản, nhưng hóa ra thực hiện không dễ, rừng mênh mông quá, thùng rác lại xa, thật là “thiên thời, địa lợi” để ném vèo nắm rác vào một bụi cây nào đó.
 
vào rừng dạy con
Các bậc cha mẹ cho con vào rừng học "văn minh".
 
Tụi trẻ con tiếp nhận bài học này tốt hơn cha mẹ. Bé Xu bóc mẩu nilon nhỏ của cái ống hút hộp sữa nhưng vẫn cầm chặt mẩu ni lon trên tay đi cả một đoạn đường rừng dài tìm thùng rác. Tới trạm dừng chân, mới có thùng rác, mẩu nilon nhỏ đã nóng và ướt mồ hôi, con đã cầm nó rất lâu rồi.
 
Một mẹ đang gọt bưởi, chỉ cần để miếng vỏ bưởi xuống bạt, là bị nhắc ngay: “Mẹ phải bỏ vỏ vào túi rác đi chứ!”. Nhiều khi chỉ là tiện một chút thôi, lâu dần có thể trở thành những thói quen, lại mất thời gian để đi “dọn dẹp” thói quen đó.
 
Nguyên tắc tiếp theo: Nói vừa đủ nghe, không gọi với từ đầu này qua đầu kia. Trong rừng mênh mông, học nguyên tắc này tưởng chừng hơi lạc quẻ. Nhưng rồi chúng tôi đã thấy tác dụng ngay, khi chiều tối đó có một nhóm thanh niên tới cắm trại bên cạnh với tiếng loa, tiếng la hét, dzô dzô của họ thật phiền hà. Chúng ta vẫn hay như thế, khi mình nói to, thường mình cho là cần thiết, không biết đã làm phiền người xung quanh.
 
Cha mẹ trở về hồn nhiên
 
Con tôi sung sướng khi bà mẹ vốn luôn bận rộn và thường mất hút, giờ ở bên cạnh con đủ 24h một ngày, không máy tính, không internet…
 
Nó nhìn thấy mẹ hoảng hốt khi gặp con vắt, cũng giống mình. Nó thấy mẹ lội rừng mệt phì phò, ngồi bệt xuống vệ đường thở, cũng giống mình. Nó thấy mẹ rón rén đi rình chuồn chuồn, nấp một hồi, vừa giơ máy ảnh lên thì chưng hửng, chuồn chuồn đã bay mất,…
 
Không nói gì, nhưng nhìn vẻ khoái chí ra mặt của con, tôi biết con hạnh phúc thấy mẹ sao mà gần gũi với mình đến thế.
 
Chiều đó, cả đoàn tự đào lò, nhóm lửa nấu cơm kiểu dã chiến. Lần đầu tiên nó thấy được những ngọn lửa đỏ nhảy nhót, tươi vui mà đỏng đảnh, chỉ cần tiếp củi không đúng ý là trốn ngay, buộc tụi nhóc phải cời, phải thổi, phải nâng niu dỗ dành hoài mới nhun nhún cháy lại. Phải đến hai mươi năm rồi, tôi lại mới trở về hì hụi xào nấu trong cái khói mù mịt này. Nước mắt giàn giụa vì khói hay vì ký ức không biết.
 
Thổi lửa, nấu cơm trong rừng rèn luyện kỹ năng sống căn bản.
Thổi lửa, nấu cơm trong rừng rèn luyện kỹ năng sống căn bản.
Mỗi người một việc, bé thì cầm đèn pin soi, bé thì đánh trứng, bé thì canh lửa, và nhóc nào cũng thích tự tay mình đun củi. Ai cũng được tham gia, ai cũng có “cổ phần” trong bữa cơm này nên hào hứng lắm.
 
Bé con nhà tôi vốn biếng ăn, suy dinh dưỡng, lâu nay mỗi bữa ăn như một trận chiến của mẹ và con. Bé hay than thở: “Ước chi mà không phải ăn cơm và không phải uống sữa!”. Sau buổi chiều hì hục đánh vật với củi và lửa, bé hớn hở cuống quýt: “Ăn đi, mẹ ơi. Con đói”... Rồi chỉ chờ có hiệu lệnh là nhào vào ăn, gắp đầy rau trên đũa, bé gật gù: “Ngon mẹ ạ, rau ngon!”. Nếu bạn là một bà mẹ có con suy dinh dưỡng mới biết làm sao lúc đó tôi nghẹn ngào muốn khóc.
 
Thử thách các giới hạn của bản thân
 
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi ngủ lều. Những ngày đó Nam Cát Tiên mưa dầm dề. Lều bạt được mua từ Mỹ về, không thấm nước nhưng cảm giác ngủ ngoài trời giữa cơn mưa thật là khó tả.
 
Nước lõng bõng dưới lưng, không thấm lên, nhưng thật đáng để lo lắng. Tiếng mưa lộp bộp nghe rõ như nó đang rớt thẳng xuống ngay giữa trán mình. Tiếng côn trùng kêu rỉ rả sát bên tai, mà đúng là nó chỉ cách tai tôi vài milimet. Đất cục cộm cộm dưới lưng. Tôi lo lắng trằn trọc cả đêm, sợ con lạnh, sợ hơi nước thấm vào người, sợ muỗi, sợ vắt, sợ mưa lớn ngập lều, sợ sáng dậy trễ với đoàn…
 
Con có cơ hội tiếp xúc với tự nhiên
Con có cơ hội "tự lập" khám phá tự nhiên.
Đường mòn trong rừng ẩm thấp, trơn trượt, nhiều đoạn lầy lội bì bõm. Bé Bu 4 tuổi bé nhất đoàn phải cõng, còn hầu như các bé tự đi. Thế này mới thấy các con còn giỏi hơn ba mẹ. Khi hai chân tôi nặng chịch như đeo đá, thở hết nổi, mà mấy bé còn vui vẻ hớn hở chạy trước ba mẹ cả đoạn dài.
 
Vòng vèo đường mòn khoảng 1 giờ, mệt bở hơi tai thì ra tới đường bê tông. Một vài ba mẹ oải quá định quay về lều. Nhưng mà tụi trẻ con vẫn còn muốn đi tới tận thác nước. Cả nhóm họp lại để biểu quyết. Và số đông muốn đi tiếp nên tất cả tiếp tục đi tới thác nước.
 
Đúng là bõ công đi, thác nước đẹp thật, mấy bé hào hứng chụp hình lia lịa. Một bé kết luận: “Mẹ thấy không, mình cứ cố gắng tiếp là được. Có cố gắng mới tới được chứ!”.
 
Sau 2 ngày vất vưởng trong rừng, ba mẹ con tôi đã về tới nhà. Balô chặt cứng quần áo bẩn và dính đầy hoa cỏ may. Con nói: “Mai con sẽ nhặt, giờ mình đi tắm rồi ngủ sớm đi mẹ!”.
 
Đi tắm, con khen vòi nước nóng nhà mình thích thật. Đi ngủ con khen đệm nhà mình êm quá mẹ ơi. Tối đó cũng mưa, con khen nhà mình kín rồi, khỏi lo mưa mẹ nhỉ!... Từ khi nào con đã thấy giá trị căn nhà đơn sơ của nhà mình? Con đã ôm tôi và nói một câu mà tôi ngẩn cả người: “Ở nhà mình thích quá, con cảm ơn mẹ!”
 
Đâu rồi con bé hay than thở, hay chê bai, nào là nhà tắm hẹp, nào là nhà không có lầu,…?
 
Có những cái được bất ngờ mà khi về tới nhà tôi mới biết. Hóa ra, đi là để trở về trân trọng hơn. Con trân trọng hơn cuộc sống mà cha mẹ tạo dựng cho con, trân trọng hơn những vật chất nhỏ nhoi trong nhà mình.
 
Cảm ơn rừng!
 
Thu Hà
 

Bình luận(0)