Mẹ bầu hãy chú ý đến sức khỏe để kịp thời phát hiện những triệu chứng xấu và đến bác sĩ ngay lập tức. Chị em cũng cần lưu ý đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để sớm phát hiện những bất thường có thể xảy ra.
Dưới đây là những triệu chứng nguy hiểm trong thai kỳ mẹ không nên “phớt lờ”:
Chảy máu âm đạo
Chảy máu âm đạo có thể xảy ra ở bất cứ thời kỳ nào của thai kỳ đặc biệt là 3 tháng đầu. Nếu mẹ bầu phát hiện thấy máu chảy ra nhiều kèm triệu chứng đau bụng dưới như những ngày kinh nguyệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, đó có thể là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh nhưng cấy vào một nơi khác ngoài tử cung. Mang thai ngoài tử cung có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng mẹ bầu.
Chảy máu nặng kèm đau bụng cũng có thể là dấu hiệu bị sảy thai đặc biệt trong 3 tháng đầu hoặc tháng thứ 4,5. Ngược lại nếu triệu chứng này xảy ra trong 3 tháng cuối có thể là dấu hiệu bong nhau non – xảy ra khi nhau thai tách ra từ nội mạc tử cung.
Chảy máu âm đạo luôn là triệu chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Vì vậy khi phát hiện bị chảy máu âm đạo, mẹ bầu cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Buồn nôn và nôn nặng
Buồn nôn là triệu chứng rất phổ biến khi mang thai đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên nếu mẹ bị nôn ói thường xuyên, nôn nặng và không thể ăn uống được gì thì đó là vấn đề nghiêm trọng và cần đi gặp bác sĩ.
Nếu mẹ bầu không thể ăn uống được bất cứ đồ ăn gì cộng với việc nôn ói thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể mất nước khiến cả mẹ và bé bị suy dinh dưỡng, bé kém phát triển. Khi bị nôn ói nghiêm trọng, chị em cần đi khám bác sĩ, bác sĩ sẽ kê cho bạn những đơn thuốc giúp kiểm soát triệu chứng này.
Thai nhi giảm chuyển động
Nếu thai nhi giảm cường độ chuyển động trong cả ngày liền so với thời gian trước hoặc ngừng đạp bụng mẹ thì đó có thể là dấu hiệu nguy hiểm. Để kiểm tra xem có vấn đề gì xảy ra với bé hay không, trước tiên mẹ hãy thử phản ứng của bé bằng cách uống một ly nước lạnh hoặc ăn một cái gì đó. Sau đó mẹ hãy nằm lên giường và đếm nhịp chuyển động của bé.
Mẹ hãy nằm thư giãn và đếm nhịp chuyển động của bé. Về nguyên tắc bé phải đạp khoảng 10-12 lần trong 2 giờ liền thì mới an toàn và lúc này mẹ mới yên tâm không phải đến gặp bác sĩ.
Xuất hiện cơn co thắt
Các cơn co thắt trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể là dấu hiệu sinh non. Tuy nhiên, có một số cơn đau bụng giả cũng có thể diễn ra trong thời gian này. Mẹ cần chú ý nếu những cơn co thắt này không lặp lại và cường độ giảm dần thì mẹ không nên quá lo. Những cơn đau giả - những cơn gò Braxton –Hicks thường không thể đoán trước, không diễn ra nhịp nhàng và không tăng cường độ. Tuy nhiên, những cơn co thắt báo hiệu sinh non thường diễn ra khoảng 10 phút/lần hoặc ít hơn.
|
Nếu mẹ thấy xuất hiện những cơn co thắt lặp đi lặp lại trong 2 giờ liền, hãy đến bệnh viện để kiểm tra. |
Rỉ ối hoặc vỡ ối
Bỗng nhiên mẹ nhận thấy quần lót của mình ướt nhèm hoặc nước ồ ạt chảy ra có nghĩa là mẹ đã bị rỉ ối hoặc vỡ ối. Triệu chứng rỉ ối rất dễ khiến mẹ bầu nhầm lẫn mình bị són tiểu vì trong quý 3 thai kỳ, khi thai nhi lớn chèn ép vào tử cung cũng dễ khiến mẹ bị són tiểu.
Nếu mẹ không chắc chắn đó là nước tiểu hay nước ối, hãy đến bệnh viện để được kiểm tra.
Đau đầu nặng
Đau nhức đầu nặng kèm triệu chứng đau bụng, rối loạn thị giác và phù chân trong 3 tháng cuối thai kỳ thì mẹ cần đặc biệt lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu mẹ bị tiền sản giật. Đây là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm trong thai kỳ và có thể gây tử vong cho cả hai mẹ con. Triệu chứng bệnh này xảy ra khi huyết áp mẹ cao và protein dư thừa trong nước tiểu. Tiền sản giật thường xảy ra sau tuần thứ 20 thai kỳ.
Triệu chứng cúm
Các chuyên gia khoa sản luôn nhắc nhở chị em bầu hãy cẩn trọng với bệnh cúm. Họ cũng được khuyên nên tiêm phòng cúm trước khi mang thai và trong thai kỳ. Mẹ bầu bị cúm đặc biệt trong 3 tháng đầu có thể gây nguy hiểm tời thai nhi, khiến em bé bị dị tật.
Khi phát hiện thấy mình bị triệu chứng cúm, hãy gọi điện hoặc đi khám ngay để được chữa trị kịp thời các mẹ nhé.