Nghe tư vấn truyền miệng
Có lẽ rất ít bà mẹ khi mang bầu không biết đến thông tin cho thai nhi nghe nhạc có thể giúp trẻ sau này thông minh hơn. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, không phải bà mẹ nào cũng hiểu tường tận, có khoa học thông tin đó để áp dụng sao cho đúng.
Chị Nguyễn Thúy Hiền (Nghệ An) cho KH&ĐS biết, chị đang có bầu tháng thứ 7, nghe nói cho thai nhi nghe nhạc thông minh nên chị mua bộ âm thanh ốp bụng để mở nhạc hằng ngày. Theo đó, mỗi ngày chị dành khoảng 30 phút nghỉ ngơi thư giãn cũng như cho thai nhi nghe các loại âm nhạc khác nhau.
Bên cạnh thời gian này, thỉnh thoảng chị cũng nghe nhạc bằng loa ngoài để "bổ sung" thêm cho chính bản thân và thai nhi. Tuy nhiên, khi được hỏi, liệu chị có tin thai nhi sẽ cảm nhận được âm nhạc hay con sinh ra sẽ thông minh do việc nghe nhạc này hay không? Chị Hiền cho rằng, tất cả chỉ là các chị em truyền miệng nhau mà làm theo chứ chưa đọc bất cứ thông tin nào về vấn đề này.
Có cung ắt có cầu nên nhiều trang bán hàng trên mạng được lập ra để rao bán các thiết bị nghe nhạc, trò chuyện với thai nhi. Từ các loại tai nghe ốp bụng đến máy ghi âm giọng nói người thân sau đó mở ra để truyền vào bụng mẹ cho thai nhi nghe... được bán khá nhiều. Giá các thiết bị dao động từ vài trăm nghìn đồng. Không ít bà mẹ sẵn sàng bỏ ra số tiền trên với mong muốn con mình sẽ thông minh, hoạt bát sau khi ra đời.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư cho hay, trẻ có nguy cơ điếc vì mẹ cho nghe nhạc quá đà khi mang bầu đã được ghi nhận. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu, bởi dù chưa được khoa học chứng minh nhưng hiện các thông tin như trẻ nghe nhạc khi đang ở trong bụng sẽ thông minh, phát triển trí tuệ... được truyền tai nhau một cách cảm tính, lấn át cả các tư vấn khoa học.
|
Ảnh minh họa. |
Mức nghe phù hợp cho thai nhi
Theo các chuyên gia, việc cho thai nhi nghe nhạc không giúp trẻ thông minh hơn như nhiều người lầm tưởng. Chẳng qua, việc nghe hay học nhạc giúp con người trở nên thư giãn, tính tình mềm mại hơn. Đó cũng là lý do vì sao việc khi chơi nhạc trẻ trở nên thuần tính hơn, đặc biệt là những trẻ có nguy cơ mắc chứng tăng động.
Trong khi đó, ở những tháng thứ 4 của thai kỳ, trẻ đã phát triển tương đối đầy đủ các bộ phận. Tai cũng bắt đầu hoàn thiện hơn, việc tiếp thu âm thanh không khác gì trẻ sơ sinh. Vì thế, nếu các mẹ cho thai nhi nghe nhạc cũng cần cân nhắc. Nghe nhạc to, thai nhi có thể có những phản ứng khó chịu hay tác động đến thính lực sau này.
"Thực ra từ trong bụng mẹ thai nhi đã nghe như trẻ sơ sinh. Nếu nghe âm thanh hỗn loạn, to quá có thể khiến trẻ bị điếc khi sinh ra. Mức nghe quy định người lớn không được quá 85dB, tức tiếng nhạc to ở vũ trường, hét lớn, tiếng ồn của các xưởng máy móc... Vì thế, đối với thai nhi cần nhỏ hơn rất nhiều. Tức chỉ nghe nói bình thường, dao động khoảng 60dB. Trường hợp ốp tai nghe vào bụng cần âm thanh nhỏ để tránh tác động. Bản thân người mẹ cũng hạn chế nghe âm thanh to, vừa tránh hại cho bản thân lẫn thai nhi", PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh cho hay.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, không nên quá coi trọng việc giao tiếp với thai nhi bằng các thiết bị nghe nhạc, trò chuyện... Hãy để cuộc sống của trẻ ở trong bụng được phát triển bình thường. Nếu lạm dụng các thiết bị này, trẻ không thông minh hơn như mong muốn mà có thể còn tác động đến thần kinh.
"Hiện nay, tại một số bệnh viện có thiết bị đo thính lực cho trẻ sơ sinh để biết rõ nguy cơ về nghe hay không, như Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội... Tuy nhiên, chưa có thống kê cụ thể nào về việc nghe nhạc có thể gây điếc tai. Việc âm thanh phía ngoài tác động đến thính lực trẻ thế nào thì các bác sĩ thuộc chuyên ngành tai mũi họng hiểu hơn".
BS Lê Tố Như (Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi T.Ư)