Từ đó, họ đang tìm cách xây dựng phương pháp làm chậm lão hóa cơ quan này thông qua mẫu máu hoặc mô.
Khi con người già đi, một số đặc điểm trên DNA bị thay đổi do các gene bị methyl hóa (thêm hoặc bớt một vài nhóm methyl) dẫn tới suy giảm biểu hiện gene. Hiện tượng trên được gọi là quá trình biểu sinh. Tiến sĩ Steve Horvath cùng các cộng sự đã dựa vào hiện tượng đó để ước tính độ tuổi của con người.
|
Ngực của phụ nữ "già" nhanh hơn so với các bộ phận cơ thể khác của họ |
Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích thông kê tình trạng gene bị methyl hóa tại 7.844 mẫu mô khỏe mạnh thuộc 51 loại mô khác nhau, lấy từ nhiều đối tượng, bao gồm cả phôi thai và người già (101 tuổi).
Sau quá trình phân tích, nhóm nghiên cứu đã xác định được 353 vùng gene trên cơ thể bị methyl hóa theo lứa tuổi ở tất cả các loại mô, từ đó tìm ra thuật toán xác định độ tuổi của mô đó. Đối chứng thuật toán trên với hàng ngàn mẫu thử khác có độ tuổi xác định, kết quả cho thấy, phương pháp mới này có độ chính xác gấp đôi so với phương thức hiện thời (đo chiều dài điểm cuối của nhiễm sắc thể).
Tiến sĩ Horvath cho rằng, mô ngực lão hóa với tốc độ cao do liên tục chịu sự tác động của hormone. Ngược lại, mô tim thường xuyên được tái sinh bởi tế bào gốc nên lão hóa chậm và “trẻ” lâu hơn.
|
Theo đồng hồ sinh học, mô vú lão hóa nhanh hơn phần còn lại của cơ thể phụ nữ khoảng 2 - 3 năm. |
Steve Horvath, giáo sư chuyên ngành di truyền học và là thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Để chống lại lão hóa, chúng ta trước tiên cần phải có một cách khách quan để đo lường quá trình đó. Việc xác định các chỉ dấu sinh học về thời gian khắp cơ thể phải mất tới 4 năm. Mục tiêu của chúng tôi trong việc tạo ra đồng hồ sinh học là giúp các nhà khoa học cải thiện hiểu biết của họ về thủ phạm đã làm tăng tốc hoặc chậm lại quá trình lão hóa ở người".
Giáo sư Horvath phát hiện, mô vú khỏe mạnh lão hóa nhanh hơn phần còn lại của cơ thể phụ nữ 2-3 năm. Nhưng nếu một phụ nữ bị ung thư vú, mô khỏe mạnh ở liền kề khối u sẽ trung bình "già" hơn phần còn lại của cơ thể tới 12 năm. Đồng hồ sinh học cũng xếp mô mang khối u lão hóa hơn mô khỏe mạnh tới 36 năm.
Tốc độ của đồng hồ sinh học cũng tăng lên hoặc giảm xuống phụ thuộc vào tuổi của một người. Cụ thể là, nó sẽ "chạy" nhanh hơn từ giai đoạn sơ sinh tới tuổi vị thành niên, và sau đó giảm dần tới tốc độ bất biến khi con người bước sang tuổi 20.
Giáo sư Horvath dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu xem liệu việc làm ngừng đồng hồ lão hóa của cơ thể sẽ ngăn chặn được quá trình lão hóa xảy ra hay làm tăng nguy cơ ung thư.