Quay cuồng trong "ma trận" thuốc giảm cân
Chưa bao giờ, thị trường thuốc giảm cân lại rộn ràng xôm tụ như lúc này, mà sôi động nhất là thị trường trên mạng. Chị em văn phòng ít vận động, không đủ nghị lực ăn kiêng, hoặc vì bận chăm con chẳng có thời gian tập luyện giảm cân nhưng vẫn muốn có vóc dáng gọn gàng như các mỹ nhân trên tạp chí, nên chỉ biết trông cậy vào các loại thực phẩm chức năng giảm béo (vẫn quen gọi là thuốc). Chỉ cần gõ vài chữ lên Google hoặc Facebook rồi enter là cả cả hằng hà sa số địa chỉ bán hàng cho chị em lựa chọn.
Riêng số nhãn hiệu thuốc giảm cân đã đủ làm chị em hoa mắt, tất cả đều được quảng cáo cực kỳ hấp dẫn, trấn an khách hàng bằng thành phần chiết xuất thảo dược, trà, cà phê... Sản phẩm có xuất xứ từ khắp hành tinh: Anh, Mỹ, Nhật, Australia, Thái Lan, Việt Nam... Hot nhất hiện nay là các sản phẩm Everyday Super, Rich Slim, Eva Nice...
|
Nhiều người lạm dụng thuốc giảm cân với mong muốn có thân hình thon gọn như ý. |
Ngoài những sản phẩm được phép phân phối chính thức ở Việt Nam, trên mạng có nhiều loại thuốc giảm cân "xách tay" hoặc tự pha chế theo kiểu "gia truyền", không rõ xuất xứ và không có tư cách pháp nhân để chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Mặc dù vậy, sự nở rộ như nấm sau mưa của các mặt hàng này chứng tỏ chúng vẫn bán chạy.
"Người bán thuốc giảm béo không bao giờ sợ không kiếm được tiền, vì thói thường, bà béo nào cũng phải trải nghiệm rất nhiều sản phẩm khác nhau, uống thuốc này thấy không giảm được thì uống thứ khác, hoặc gầy được ít hôm thì béo lại", chị Hương, người có kinh nghiệm 7 năm giảm béo không thành công kể từ lúc sinh con, tâm sự. "Dù rẳng béo vẫn hoàn béo nhưng khát vọng làm đẹp không bao giờ hết, mà không tập luyện, không ăn kiêng được nên sau một thời gian thất vọng với thuốc giảm cân này, những người như tôi lại tìm kiếm để mua loại khác".
Ác mộng thê thảm vì thuốc giảm cân
Rất nhiều chị em chia sẻ, họ đã thực sự giảm được cân nặng, gầy hẳn đi khi dùng thuốc giảm cân. Tuy nhiên, kết quả đó thường không đến một cách nhẹ nhàng ngon lành như quảng cáo, mà cũng phải chịu "hành xác" kha khá: mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, đi ngoài nhiều lần... và nhiều khi cảm thấy kiệt sức. Với phái đẹp, chừng đó phiền toái là cái giá họ chấp nhận được để có eo thon. Tuy nhiên, với nhiều chị em, những tác dụng phụ của thuốc giảm cân trở thành kỷ niệm hãi hùng.
Chị Nguyễn Thanh Thủy, sống ở TP HCM, từng phải nằm điều trị một thời gian dài ở Bệnh viện đa khoa Sài Gòn sau khi dùng thuốc giảm cân siêu tốc mua qua mạng. Sau 3 ngày sử dụng nó theo hướng dẫn ghi trên hộp, chị thấy vòng bụng nhẹ nhõm hẳn nhưng luôn mệt mỏi, chán ăn, choáng váng. Sang đến ngày thứ 6, chị Thủy thấy đầu óc quay cuồng, người không còn sức lực, mắt nhìn không rõ và ngất xỉu. Tỉnh dậy, chị thấy mình đang nằm cấp cứu tại bệnh viện do hạ đường huyết, huyết áp tụt, suy nhược cơ thể,
|
Nhiều người lãnh hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe vì sử dụng những loại thuốc giảm cân trôi nổi không rõ nguồn gốc. |
Chị Trần Như Hoa ở Hoàng Mai, Hà Nội cũng nhập viện sau khi sử dụng thuốc giảm cân. Sau 4 ngày sử dụng, bụng chị tóp đi vì luôn phải "túc trực" trong nhà vệ sinh. Người phụ nữ này luôn trong tình trạng choáng váng, buồn nôn, chóng mặt và đến ngày thứ 6 thì người nhà phải đưa người phụ nữ bơ phờ, tả tơi này vào bệnh viện.
Trên các diễn đàn mạng, số chị em chia sẻ về chuyện lĩnh quả đắng vì ham thuốc giảm cân không hề ít. Thành viên Nahyo9590 viết trên Webtretho: "Em dùng nhiều loại thuốc giảm cân lắm rồi. Em đã dùng cà phê giảm cân, thuốc giảm cân Omega T, giảm cân Áo Đình, viên giảm cân Kỳ Duyên, rồi 3 hộp giảm cân 3X và mới đây em đang dùng được nửa hộp 2day. Lúc đầu thì giảm được nhưng 1-2 tháng sau cân tăng lên vèo vèo. Loại nào cũng thế, em cứ ngưng sử dụng một thời gian là lại béo lên trông thấy. Hiện em thử uống viên giảm cân hàng Thái Lan mua trên mạng nhưng người em cứ như trên mây, đắng miệng và khát nước kinh khủng. Cả đêm đấy em thức trắng vì không buồn ngủ. Đến hôm sau, em cũng không buồn ngủ và không đói nữa. Chân tay em hơi run, buồn nôn, em cứ uống nước hay ăn vào là lại nôn hết ra..."
Thành viên này cho biết từ ngày dùng thuốc giảm cân, cô bị giảm hẳn trí nhớ, người cứ đơ đơ. Cô cũng lo lắng không biết uống thuốc giảm cân nhiều như thế thì có bị vô sinh không.
Tài khoản có tên Julie chia sẻ: "Thuốc giảm cân mình cũng uống nhiều loại rồi. Eva Nice mình đã dùng 1 hộp, Lishou vài hộp và mình thấy tác dụng như nhau, đều gây chán ăn và khát nước cả. Khi còn dùng thì cân có giảm nhưng nếu ngừng và ăn bình thường thì tăng lên nhanh chóng".
Còn thành viên Dang Mun thì phải vứt bỏ thuốc giảm cân sau 3 ngày uống thử. Cô viết: "Mình đang dùng thử thuốc giảm cân Eva Nice, riêng loại này mình phải bỏ cuộc giữa chừng vì sau khi uống quá mệt, lúc nào cũng thấy hồi hộp, cảm giác như sắp có chuyện không hay xảy ra".
Từ đầu năm 2014 đến nay, có hơn 40 loại thuốc giảm cân bị Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo không sử dụng. Trước đó, từ năm 2009 đến 2012, FDA đã thu hồi và cấm lưu hành 274 sản phẩm giảm cân. Hầu hết thuốc có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc... chứa một trong 27 hoạt chất gây nguy hại cho sức khỏe như sibutramine, benzylsibutramine, fenproporex, fluoxetine, bumetanide, furosemide, phenytoin, rimonabant, cetilistat, phenolphthalein... Tuy nhiên, tại Việt Nam, trên một số trang mạng, những thuốc giảm cân trong danh sách cấm của FDA vẫn được bán tràn lan.