Xuất hoá đơn chống thất thu thuế livestream bán hàng

Google News

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử, livestream.

Dư luận những ngày qua, xôn xao trước những phiên livestream có thể gặt hái doanh số hàng triệu USD trong vài tiếng tiếng đồng hồ, tương đương doanh thu một công ty trong 1 năm. Nhiều mặt hàng bán trong phiên livestream có giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại đại lý, cửa hàng nên thu hút lượng khách hàng lớn trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như: TikTok, Shopee... Từ đó, những kỷ lục mới về doanh số của những "chiến thần" livestream liên tiếp được ghi nhận.
Xuat hoa don chong that thu thue livestream ban hang
Phiên livestream 150 tỷ đồng tặng ô tô gây xôn xao cõi mạng.
Đơn cử, sau khi đạt doanh thu "chấn động" lên tới 100 tỷ đồng, một tài khoản TikTok nổi tiếng đặt mục tiêu doanh số trong phiên livestream TikTok ngày 5/6 lên đến 150 tỷ đồng và hứa hẹn tặng quà khủng như ô tô, 100 máy tính bảng cho khách hàng đăng ký sự kiện và tham gia phiên bán hàng.
Tại Hội nghị về kết nối, chia sẻ dữ liệu phát triển thương mại điện tử, nâng hiệu quả quản lý thuế ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), livestream.
Thủ tướng đánh giá, quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, thương mại điện tử còn thất thoát. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ sửa Nghị định 123/2020 quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch này.
Các địa phương phải bố trí nguồn lực để triển khai hóa đơn điện tử đến người tiêu dùng. Với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm.
Xuat hoa don chong that thu thue livestream ban hang-Hinh-2
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị. (Ảnh: Tiền Phong).
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc đề xuất kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu TMĐT, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra.
Về quản lý hoạt động TMĐT qua mạng xã hội, ông Phớc cho biết, cần quản lý để thu thuế vì giờ người ta livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. “Chúng ta phát triển mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng thì sẽ thu được nguồn thuế rất lớn”, báo Tiền Phong dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết, TMĐT của Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Công Thương là 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Từ đó đặt ra yêu cầu về quản lý thuế, quản lý về chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo .
Bộ Tài chính cũng đã áp dụng định danh và xác thực điện tử đối với: cá nhân thực hiện đăng ký kê khai, nộp thuế; dịch vụ chữ ký số, viễn thông, tên miền; cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng; đang triển khai khuyến khích các sàn giao dịch TMĐT áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Xuat hoa don chong that thu thue livestream ban hang-Hinh-3
 Thủ tướng Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử, livestream. (Ảnh minh họa).
Mới đây nhất, thực hiện chỉ đạo của Chỉnh phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có công văn chỉ đạo các cục Thuế địa phương quyết liệt quản lý thuế thương mại điện tử, hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn tiếp tục khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hoá đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm… đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ,...
Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất ghi nhận kết quả thu thuế khả quan từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Cụ thể, năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng, tương đương 130,57 tỷ USD, với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng, tương ứng 46,28 tỷ USD, với số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, cơ quan thuế cũng đưa tổng số các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vào diện rà soát là 31.570, gồm 6.257 doanh nghiệp và 25.313 cá nhân trong 3 năm 2021 - 2023, nhằm thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm.
Để tăng thu ngân sách từ lĩnh vực TMĐT, cơ quan thuế có nhiều sáng kiến mới và thay đổi cách thức quản lý khác biệt, không giống với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh truyền thống. Nổi bật là quản lý thuế qua bản đồ số hộ kinh doanh thay vì quản lý các hộ kinh doanh dọc các tuyến phố như trước đây.

Khánh Hoài (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)