Ở thời điểm cuối năm, theo mùa vụ cơ bản hoàn thành thu hoạch xong vụ cam, ở phường Thất Hùng (thị xã Kinh Môn, Hải Dương) nhiều vườn cam vẫn xanh mướt lá cành, sum suê quả và bắt đầu lên mã chuẩn bị cho thu hoạch đón Tết Nguyên đán. Với mục tiêu xây dựng vùng chuyên canh nông sản cho hiệu quả kinh tế cao, người dân Thất Hùng đã nghiên cứu và chọn cây cam nghịch vụ để phát triển thành thương hiệu riêng.
Người dân Thất Hùng đang chăm sóc cam để chuẩn bị thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán
Ông Trần Văn Thăng, khu dân cư Vũ Xá, phường Thất Hùng cho biết, gia đình ông đã trồng cam được gần chục năm nay với diện tích khoảng 5 mẫu, toàn bộ diện tích cam được trồng và chăm sóc theo hướng VietGAP. Mặc dù cam thu hoạch muộn hơn so với các tỉnh thành khác nhưng chất lượng rất đặc biệt.
Cam Thất Hùng vừa ngọt thanh vừa thơm mọng nước nhờ trồng ở đất bãi phù sa và kỹ thuật chăm sóc theo phương pháp hữu cơ như dùng đỗ tương ngâm nước rồi đem tưới cho cam, hay chỉ sử dụng men vi sinh và bón phân hữu cơ cho cây.
Do diện tích trồng ít, sản lượng không nhiều, nên cứ dịp sát Tết, thương lái các tỉnh về đặt mua để làm quà biếu Tết nên cam hái đến đâu tiêu thụ đến đó. Dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, thương lái từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội đã đặt mua với số lượng lớn.
Cam Thất Hùng trái vụ, nhưng mang lại hiệu quả cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người dân trong dịp Tết
Theo ông Thăng, các vụ gần đây, vườn cam nhà ông phát triển ổn định với năng suất bằng với cam chính vụ. Tuy nhiên, giá bán cao hơn từ 1,3 - 1,5 lần, thậm chí nếu có cam vụ muộn giá có thể lên đến 60 - 70 nghìn đồng/kg.
"Giá cam này còn cao hơn giá cam những thương hiệu cao có tiếng như cam Cao Phong, cam Vinh. Trong năm nay dù tình hình dịch bệnh phức tạp, giá cam Thất Hùng vẫn tăng khoảng 7.000 đến 10.000 đồng/kg nên người dân rất phấn khởi", ông Thăng cho hay.
Theo chia sẻ của nhiều hộ dân tại phường Thất Hùng, nhờ chuyển đổi mô hình trồng cam “ trái mùa nghịch vụ”, đời sống thu nhập của người dân Thất Hùng đã khấm khá hơn. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, các hộ dân thu về khoảng 800 triệu đồng.
Cam Thất Hùng được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, hệ thống tưới tự động nên chất lượng được đánh giá cao
Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó chủ tịch hội nông dân Thất Hùng cho biết, diện tích trồng cam tại Thất Hùng, huyện Kinh Môn vào khoảng 46 ha; trong đó có khoảng 35ha được trồng và chăm sóc theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, với năng suất đạt trung bình 20 – 30 tấn/ha/năm.
Riêng dịp Tết Nguyên đán, năng suất cây cam mỗi hộ gia đình ước đạt 30 tấn quả và bắt đầu thu hoạch từ giữa tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch. Hiện, Cam Thất Hùng đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý và thương hiệu riêng, trở thành đặc sản có tiếng của vùng đất Kinh Môn (Hải Dương).