Việc mua bán nợ theo giá thị trường giữa công ty Khai thác và Quản lý tài sản (VAMC) và ngân hàng đang diễn ra dồn dập. Liên tục, những tài sản bảo đảm (TSBĐ) từ các khoản vay lớn từ vài trăm tới cả ngàn tỷ đồng đang được VAMC công bố thu hồi hoặc công khai thẩm định giá. Cũng từ đây, phát lộ những món nợ khủng của các đại gia.
|
Dự án cao ốc Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C nợ ngân hàng hơn 7.000 tỷ đồng từ lâu không trả nay VAMC thu giữ TSBĐ theo Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu. |
Ngày 21/8, VAMC đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower - Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Mục tiêu: xử lý khoản nợ cả gốc và lãi lên tới hơn 7.000 tỷ đồng mà trước đó, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ của một số NHTM cổ phần là Đông Á và Hàng Hải.
VAMC đã có yêu cầu CTCP Sài Gòn One Tower bàn giao tài sản bảo đảm trước ngày 5/5, để xử lý nợ, nhưng công ty này chưa thực hiện và đây là trường hợp đầu tiên, VAMC thu giữ TSBĐ theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực (từ 15/8/2017).
Không lâu sau, VAMC tiếp tục công bố tìm đơn vị thẩm định giá 8 lô đất là TSBĐ cho khoản nợ xấu 2.400 tỷ đồng để xử lý khoản nợ nằm trong dự án nhà ở khu dân cư Tân Thuận Tây tại phường Bình Thuận và phường Tân Thuận Tây, quận 7, (do Công ty TNHH Hoàn Cầu làm chủ đầu tư). Tài sản thế chấp là 8 lô đất có tổng diện tích hơn 51.000 m2 tại phường Bình Thuận và Tân Thuận Tây (quận 7), được định giá khi cho vay là 2.418 tỷ đồng.
Dự án sau này trở thành nợ xấu của Sacombank, buộc ngân hàng này phải bán nợ cho VAMC. Trường hợp của Tập đoàn Hoàn Cầu, theo VMAC là chủ tài sản tự nguyện bàn giao để xử lý chứ không phải sử dụng biện pháp như đối với SaiGon One Tower.
“Tâm lý khách hàng từ khi có Nghị quyết 42 thì ý thức trả nợ tốt hẳn lên, nhiều khách hàng chây ỳ không còn nhởn nhơ như trước. Với mỗi khoản nợ mua về, VAMC mong bán xử lý xong nợ, trừ đủ chi phí (nếu có lãi chút ít) là tốt lắm rồi” - Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC.
Bên cạnh động thái công bố thu hồi tài sản hay công khai định giá, VAMC cũng dồn dập ký mua nợ xấu của các ngân hàng như BIDV và Sacombank. Ba khoản nợ lớn cam kết trên nguyên tắc mua nợ theo giá thị trường với Sacombank có tổng dư nợ hơn 2.580 tỷ đồng. Ngoài ra, VAMC còn vừa mua dứt điểm thêm 185 tỷ đồng nợ xấu từ hai khoản nợ của khách hàng ở Đà Nẵng và ở Bình Dương và đang chuẩn bị mua thêm một DN sản xuất thép.
Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch HĐTV- ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, gần 2 tháng kể từ khi Nghị quyết 42 đi vào thực hiện, VAMC dồn dập mua cả thảy 6-7 khoản nợ lớn theo giá thị trường. “Hầu hết đây đều là những khoản nợ có TSBĐ nhưng do khách hàng không có trả năng trả nợ nên các ngân hàng đều muốn bán nhanh. Đồng thời, đây cũng là những món nợ mà chỉ VAMC mới có khả năng xử lý thu hồi nợ tốt. Những khoản nợ xấu mua về, VAMC đều theo nguyên tắc: có tài sản bảo đảm; có cơ hội phục hồi; mua bằng hoặc dưới giá nợ gốc”, ông Đông nói.
Phát lộ nhiều khoản nợ khủng
Tất nhiên, những món nợ kể trên chỉ là số lẻ trong vô số khoản nợ được VAMC mua bán trên trị trường. Dự báo, tới đây, tiếp tục phát lộ những khoản “nợ khủng” khi việc mua bán giữa VAMC và một số nhà băng tiếp tục.
Đơn cử: Ngay khi cơ quan công an ra quyết định khởi tố ông Trầm Bê vào tháng 8/2017, trả lời về các khoản vay không nhỏ của ông Trầm Bê và các công ty liên quan tại Sacombank, Chủ tịch Sacombank - ông Dương Công Minh đã thừa nhận ông Trầm Bê có hai khoản nợ tại Sacombank. Một là các khoản nợ liên quan đến bất động sản trị giá khoảng 33.000 tỷ đồng. Hai là khoản nợ liên quan tới cổ phiếu lên tới 10.000 tỷ đồng; tổng cộng hai khoản lên tới 43.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Minh, giá trị TSBĐ theo định giá sơ bộ của ngân hàng đều đảm bảo được tất cả khoản nợ này và thời gian thu hồi nợ khoảng 3 năm. Dự kiến, một phần những khoản nợ này sẽ qua tay VAMC xử lý.
Theo Chủ tịch HĐTV Nguyễn Tiến Đông, kể từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua được khoảng 15 tỷ USD nợ xấu từ các tổ chức tín dụng và xử lý được khoảng 3 tỷ USD. Còn tính từ 1/1/2017 đến hết ngày 30/9/2017, VMAC đã mua nợ của 14 tổ chức tín dụng với tổng dư nợ gốc nội bảng là 25.536 tỷ đồng, giá mua nợ là 24.999 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao.
Còn từ đầu năm đến 30/9/2017, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi số tiền 15.017 tỷ đồng; đạt 68,3% kế hoạch thu hồi nợ. “Hiện VAMC đang chờ Chính phủ phê chuẩn cấp nốt số vốn điều lệ 1.500 tỷ trong tháng 10 này để đảm bảo đủ vốn điều lệ khi thành lập là 2. 000 tỷ đồng (500 tỷ vốn đã được VAMC sử dụng hết mua nợ xấu). Sau khi được cấp vốn, VMAC có thể sẽ trả một phần, còn một phần mua… chịu các ngân hàng và từ đó quay vòng rồi trả nốt sau”, Chủ tịch VAMC Nguyễn Tiến Đông cho hay.
Từ đầu tháng 9/2017 đến nay, liên tục các ngân hàng: Agribank, Vietcombank,Vietinbank, Techcombank…đều tăng cường thu hồi nợ, đấu giá và giao bán TSĐB. Đơn cử: ngày 12/9, Vietcombank thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá TSBĐ là miếng đất tọa lạc tại phường 5, TP Vũng Tàu, với mức giá khởi điểm hơn 48,6 tỷ đồng. Ngày 20/9, VietinBank ra thông báo thu giữ TSĐB của ông Cung Minh Sơn và bà Lê Thị Bích Ngọc (Tp Hà Nội). Ngày 21/9, Agribank Cao Thắng (Quảng Ninh) thu giữ TSĐB tại khu vực phường Bạch Đằng (Tp Hạ Long). Agribank AMC tổ chức thu giữ TSĐB của công ty Vinalines Đông Đô và tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản, quyền sử dụng đất của dự án V-Ikon với mức khởi điểm 319,5 tỷ đồng.
Theo các ngân hàng, trước đây việc xử lý nợ xấu rất khó khăn do nhiều doanh nghiệp bất hợp tác, tìm cách chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao TSĐB, thậm chí còn ngang nhiên sử dụng tài sản đang thế chấp ở ngân hàng để kinh doanh. Tuy nhiên, từ khi có Nghị quyết 42, ý thức trả nợ của họ đã tốt hơn.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO thì cho rằng: Lẽ ra nghị quyết về xử lý nợ xấu phải thực hiện từ lâu. Bởi nếu làm sớm thì các tài sản đã được lưu động hóa thành nguồn “tiền tươi thóc thật” cho các ngân hàng và trở thành nguồn lực toàn xã hội.