1. Dịch vụ thuê đồ rộ lên như một xu hướng mới
Bạn đang băn khoăn mình sẽ mặc gì trước một đám cưới, một cuộc phỏng vấn xin việc hoặc có thể chỉ là một lời mời đi chơi với bạn bè. Thực tế hơn, người tiêu dùng mặc đồ, chụp ảnh rồi đăng lên các trang mạng xã hội và họ có thể không muốn mặc lại nữa. Thế là họ sẽ tìm cách để có nhiều đồ khác nhau mà không cần phải mua liên tục. Điều này kích thích nhu cầu cho thuê quần áo tăng khiến cho các hãng bán lẻ lớn cảm thấy hấp dẫn. Những người không thích mặc lại đồ sẽ sẵn sàng trả phí hàng tháng để thuê quần áo, từ quần áo đến đồ đi chơi và cả đồ hiệu với phí một lần hoặc thông qua đăng ký mức thời gian để nhận chi phí thấp.
|
Ảnh minh họa. |
Một số ngành hàng như quần áo trẻ em, quần áo bà bầu, trang phục thiết kế,... cũng đang rộ lên dịch vụ cho thuê vì đa số người tiêu dùng không muốn đầu tư vào các mặt hàng mà họ có thể không cần tới lâu dài hoặc những người muốn theo kịp xu hướng thời trang nhưng lại không muốn mất nhiều tiền bạc.
Theo Samantha Dover, nhà phân tích bán lẻ cao cấp của công ty nghiên cứu Mintel cho biết, lợi ích của dịch vụ thuê đồ là rất lớn. Đây là một lựa chọn thân thiện với môi trường thay vì phát triển xu hướng thời trang số lượng lớn với giá thành rẻ. Người tiêu dùng có thể tiết kiệm thời gian mua sắm của họ và tránh được tình trạng quá tải đồ trong gia đình.
Hoa Kỳ hiện tại đang dẫn đầu về dịch vụ cho thuê trong ngành thời trang mà cụ thể là công ty Rent the Runway, bắt đầu hoạt động từ năm 2009. Công ty này cung cấp cho người tiêu dùng dịch vụ cho thuê không giới hạn với đăng ký một tháng sẽ mất chi phí khoảng 3.700.000 đồng.
Một công ty ở Anh cũng bắt đầu thực hiện dịch vụ này với chi phí hàng tháng là 2.300.000 đồng. Trong đó, với số tiền này người tiêu dùng sẽ được thuê trang phục không giới hạn. Các hãng Mang Walk, My Wardcoat HQ và Front Row cho thuê các nhãn hiệu cao cấp và thiết kế của mình theo dạng đăng ký hàng tháng, cộng với phí thuê cho mỗi mặt hàng, thường từ 10% đến 15% so với giá bán lẻ. Trong khi đó, nhãn hiệu Hà Lan Scotch & Soda mới đây đã công bố kế hoạch ra mắt dịch vụ cho thuê quần áo nam vào mùa thu này.
Sacha Newall, người sáng lập My Wardcoat HQ, tin rằng dịch vụ cho thuê quần áo sẽ trở thành xu hướng tích cực cho tương lai, giúp giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về tác động tiêu cực của thời trang ăn liền. Người tiêu dùng đang bắt đầu tỉnh táo hơn trước hiệu ứng mà thời trang rẻ tiền đang dẫn đầu thị trường hiện nay.
|
Ảnh minh họa. |
2. Sự tập trung hướng về các mặt hàng cao cấp
Rất nhiều người tiêu dùng sử dụng dịch vụ thuê quần áo đang dành sự tập trung vào các mặt hàng cao cấp. Đáp lại mong muốn này, H&M cho biết họ đang xem xét mô hình cho thuê như một phần trong chương trình phát triển thương hiệu bền vững của mình. Tập đoàn Westfield cũng đã chạy thử nghiệm các dịch vụ cho thuê.
Một chiếc váy có hàng hiệu có giá 2.000 đô (tương đương hơn 40 triệu đồng) hoặc bộ quần áo giá 1.300 đô (tương đương 30 triệu đồng) nhưng khách hàng sẽ không phải trả giá đó. Mỗi tháng họ chỉ việc bỏ ra 277 đô (tương đương 6 triệu) để thuê những món đồ thời trang hot nhất mùa. Và hiện tại, các hãng thời trang hàng đầu của trung tâm thương mại đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu thuê quần áo ngày càng nở rộ.
Việc áp dụng dịch vụ cho thuê có lợi đối với cả nhãn hiệu thời trang và người tiêu dùng. Họ có thể không đủ khả năng tài chính để mua một món đồ hiệu, nhưng lại có thể sử dụng chúng thông qua dịch vụ cho thuê. Thêm vào đó, cho thuê có thể là một cách để các thương hiệu tạo thêm doanh thu từ hàng tồn kho dư thừa.
Hiện ngành kinh doanh cho thuê mới chiếm chưa tới 1% thị trường thời trang nhưng tốc độ tăng trưởng của nó đã đạt tới hai con số. Một tín hiệu đáng mừng cho ngành này và cả cho môi trường vì cuối cùng cũng đã xuất hiện được giải pháp chặn đứng tình trạng mua sắm không ngừng và xả thải không ngừng của các tín đồ thời trang.