Chị Minh, quê Thanh Hóa làm việc ở TP.HCM cho biết, cả hai vợ chồng làm việc đến ngày 28 Tết mới nghỉ.
Mấy ngày gần đây chị gọi điện hỏi mua vé máy bay về quê thì được các đại lý cho biết, vé các ngày 28-29 từ TP.HCM đi Thanh Hóa đã hết, trong khi các hãng đang chờ Cục Hàng không cấp phép cho tăng chuyến bay trong dịp cao điểm.
Theo chị Huệ, chủ đại lý bán vé máy bay, dịp cao điểm Tết nhu cầu mua vé của hành khách cao hơn ngày thường từ 30-40%. Tuy nhiên, những hành khách đặt mua muộn không phải ai cũng mua được.
|
Dịp Tết hành khách đi máy bay đông, việc chậm hủy chuyến bay sẽ khó tránh khỏi |
Nhu cầu mua vé đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng rất cao nên khan vé.
Riêng đường bay Thanh Hóa từ 27 đến 29 Tết không còn hãng nào còn vé, nhiều người phải chấp nhận mua vé về quê vào đúng ngày mùng 1 Tết nhưng cũng rất khó khăn để có tấm vé về.
Chị Huệ cho biết, việc khan hiếm vé máy bay dịp cao điểm cuối năm là khó tránh khỏi, nhưng năm nay nhiều đường bay vé hết rất sớm, thậm chí có đường bay nhu cầu lớn, các hãng xin tăng thêm chuyến bay nhưng chưa được Cục Hàng không cấp phép tăng thêm.
Hãng không đủ điều kiện tăng chuyến sẽ không được cấp phép
Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh nói, theo quy định, các hãng phải được cấp phép bay rồi mới được bán vé. Thế nhưng, các hãng kêu nếu sau 1 tháng mới được bán vé sẽ rất khó khăn, nên theo lịch bay thường lệ hãng có quyền khai thác trên đường bay thì có quyền lập kế hoạch bán vé.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng nói rõ, trong trường hợp hãng không đủ điều kiện tăng chuyến bay và không được Cục cấp phép thì hãng phải chịu trách nhiệm xử lý theo hợp đồng dân sự với hành khách.
“Hãng phải bố trí cho hành khách đi bằng được, phụ thuộc vào chuyến bay của hãng được cấp phép, thậm chí có thể bay vào giờ thấp điểm”, ông Thanh nói.
Được biết, trong buổi làm việc với đại diện các đơn vị trong ngành hàng không về phương án chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán 2017, Cục trưởng Cục Hàng không đã quyết định giới hạn 38 chuyến/h.
Theo ông Thanh, việc phân bổ slot đã đến ngưỡng, hầu hết trong khung giờ từ 7h -22h đã ở mức xấp xỉ 38 chuyến/h.
|
Nhiều người dân lo ngại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tắc từ trên trời xuống dưới đất. |
Vì vậy, Cục giữ nguyên lịch bay trong khung 7h-22h, trừ giờ nào chưa đủ 38 chuyến sẽ tăng thêm. Số chuyến tăng thêm theo đề xuất của các hãng sẽ được phân bổ vào khung giờ từ 23h tối đến 7h sáng.
Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, đại diện một hãng hàng không trong nước cho biết, việc hãng đưa ra kế hoạch tăng chuyến dựa trên năng lực thực tế của hãng và đã được tính toán kỹ.
“Còn nói tăng chuyến dịp Tết dẫn đến quá tải cũng chưa hẳn, vì thực tế như Tết năm ngoái tăng chuyến nên chuyến bay cất hạ cánh tăng lên 43 chuyến/h tại Tân Sơn Nhất vẫn phục vụ tốt. Tỷ lệ đúng giờ còn cao hơn 5% so với ngày bình thường.
Khách có nhu cầu thì các cơ quan phải dựa vào năng lực của các hãng hàng không để tăng chuyến phục vụ hành khách đi lại thuận tiện trong dịp Tết".
Lo sân bay “vỡ trận”
Theo Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, dự kiến cuối năm lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt 32 triệu lượt/năm, vượt công suất khai thác theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cho giai đoạn 2020-2030 của sân bay là 25 triệu lượt/năm.
Trong khi đó, số liệu từ Cục Hàng không VN cho hay, các hãng hàng không đã có kế hoạch tăng 1.285 chuyến bay trong dịp cao điểm Tết, trong đó 90% đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Cục trưởng Lại Xuân Thanh phân tích, bình thường Tân Sơn Nhất đã quá tải, do vậy nếu dịp cao điểm Tết, lượng hành khách tăng thêm 30% so với ngày thường thì Tân Sơn Nhất sẽ rất “căng thẳng” và nguy cơ nghẽn nhà ga.
Trước lo ngại tình trạng quá tải tại Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, không thể để các hãng muốn tăng chuyến là cho tăng... Do vậy, ông chỉ đạo cần xem lại việc tăng chuyến, tránh tình trạng cứ cho tăng ồ ạt rồi đối xử với khách không ra gì.