GS Teck-Seng Low là một trong những diễn giả chính tại Tọa đàm “Công nghệ bán dẫn - Nền tảng của thế giới hiện đại” sẽ diễn ra vào sáng 18/12, nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023.
|
Giáo sư Low Teck Seng (bên trái) được trao tặng hàm "Chevalier" (Hiệp sĩ) của Bộ tư lệnh Danh dự của Légion d’Honneur! (Ảnh: French Embassy in Singapore - Ambassade de France à Singapour) |
Cuộc đua chip và tiềm năng phá vỡ định luật Moore
- Thế giới đang về công nghệ bán dẫn như một “kiệt tác điện tử” thay đổi cả thế giới. Vì sao lại như vậy và “bán dẫn” có thể hiểu đơn giản là gì, thưa ông?
Để dễ hiểu, hãy bắt đầu từ những chủ đề quen thuộc mà chúng ta đang nói nhiều như phân tích dữ liệu, AI, bảo mật, quyền riêng tư và về mô hình ngôn ngữ lớn (ChatGPT là một ví dụ). Một trong những yếu tố cơ bản và không thể thiếu cho các công cụ trên là phần cứng, dùng để lưu trữ và khai thác thông tin. Cụ thể hơn, các yếu tố quan trọng nhất đối với phần cứng là chip bán dẫn, vi mạch điện tử và khả năng tính toán. Tất cả được gọi là “vật lý bán dẫn vi điện tử”.
Ở thời điểm hiện tại, có rất nhiều tiện ích được vận hành dựa trên hệ thống phần cứng và chip. Và thực tế nếu thiếu đi sự phát triển về vi điện tử và vật lý bán dẫn, những thành tựu trong lĩnh vực điện tử - máy tính - mạng internet sẽ không diễn ra nhanh như chúng ta đang quan sát.
|
GS Low Teck Seng - Giám đốc điều hành, Sở Nghiên cứu Quốc gia Singapore (bên phải) tham gia trong sự kiện "Phó Thủ tướng Singapore Teo Chee Hean Khai trương Bộ sách Thế giới khoa học về 50 Năm Xây dựng Quốc gia của Singapore - Chuyện Nghiên cứu Singapore (Ảnh: World Scientific) |
- Xin giáo sư chia sẻ về những xu hướng trong ngành bán dẫn hiện tại?
Thế giới đang diễn ra một cuộc đua thu nhỏ kích thước và khả năng xử lý của con chip. Chẳng hạn, với điện thoại di động, bạn sẽ thấy các con chip đã được thu nhỏ dần xuống 9 nm, 7 nm, 5 nm, rồi xuống 3 nm. Một số thiết bị không yêu cầu chip nhỏ tới mức 7 nm hay 3 nm nhưng cần sự đổi mới, thậm chí vượt ra khỏi giới hạn của định luật Moore.
- Trong xu hướng phát triển ấy, ngành bán dẫn dang phải đối mặt với những thách thức gì và đâu sẽ là hướng giải quyết, thưa GS?
Những thách thức hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả mà ta theo đuổi. Như tôi nói, hiện tại, thế giới đang bị cuốn vào xu hướng thu nhỏ kích thước của chip, thế hệ sau nhỏ hơn thế hệ trước. Chúng ta có thể sẽ cần những thiết bị để sản xuất chip có kích thước siêu nhỏ trong tương lai. Thêm vào đó, mọi người cũng đang nghiên cứu cấu trúc mới cho chip điện toán và các con chip khác như chip AI. Có rất nhiều hướng nghiên cứu khác nhau dựa trên những mục đích khác nhau.
Trên thực tế, chúng ta phải lựa chọn, tùy theo chiến lược của mỗi quốc gia, viện hay trường đại học để giảm thiểu những khó khăn không cần thiết. Quan trọng hơn hết, chúng ta chỉ có thể có khả năng nghiên cứu khi chúng ta tuyển được những nhân sự có trình độ chuyên môn tốt.
|
Chuỗi tọa đàm “Khoa học và Cuộc sống” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture sẽ diễn ra từ 18/12 – 19/12/2023 với sự góp mặt của những chuyên gia hàng đầu thế giới (Ảnh: Quỹ VinFuture) |
Nâng vị thế quốc gia từ công nghiệp bán dẫn
- Ông nổi tiếng là người có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Singapore. Hành trình trở thành một “ông lớn” trong ngành bán dẫn của Singapore có gì đặc biệt và theo ông, ngành công nghiệp này có thể đóng góp gì cho tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của quốc gia?
Chúng tôi đã quyết định để Singapore xây dựng một ngành công nghiệp vi điện tử bán dẫn. Với tầm nhìn riêng, chúng tôi cho rằng đây là lĩnh vực có tầm quan trọng đối với các ngành công nghiệp khác, và tầm quan trọng sẽ ngày một gia tăng.
Đối với các nước có quỹ đất nhỏ như Singapore, phát triển những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng gần như là bắt buộc. Bán dẫn là một trong những ngành có giá trị gia tăng và nền tảng kiến thức rất cao. Khi đầu tư đúng cách, chúng tôi không chỉ thu hút các công ty, phát triển nhân tài mà còn phát triển được trên quy mô lớn để có được vị thế trên toàn cầu, từ đó hợp tác với các quốc gia khác để triển khai các dự án.
Kết quả là Singapore có số lượng nhà máy lớn thứ hai sau Đài Loan (Trung Quốc), với toàn bộ chuỗi giá trị thuộc sở hữu của chúng tôi, từ nhà sản xuất thiết bị đến cung cấp hệ thống vật liệu. Chúng tôi còn nắm giữ hầu hết những trung tâm thiết kế vi mạch lớn như Qualcomm, Broadcom, Marvell, Media Tech… Nhìn vào nền kinh tế Singapore, trong danh sách những người giàu nhất cũng có không ít người thuộc lĩnh vực vi điện tử và bán dẫn.
Có thể nói, ngành vi điện tử và bán dẫn là một trong những ngành mũi nhọn giúp chúng tôi có được vị thế rất tốt.
- Tại Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023, ông sẽ có bài trình bày tại tọa đàm về chủ đề công nghệ bán dẫn. Ông có thông điệp nào muốn gửi đến các nhà khoa học, các chuyên gia trước sự kiện này?
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, vi điện tử và vật lý bán dẫn là cốt lõi của công nghệ số. Do đó, những quốc gia có nền công nghiệp vi điện tử lớn mạnh sẽ là nền tảng tốt để phát triển nhiều ngành công nghiệp khác, bao gồm ngành công nghiệp số. Đây sẽ là ngành rất quan trọng giúp tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt, giá trị cao và thúc đẩy tăng trưởng.
- Xin cảm ơn GS!
GS Teck-Seng Low (Phó chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore) – vị chuyên gia nổi tiếng sẽ góp mặt tại Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023 – dự đoán, công nghệ bán dẫn sẽ là “xương sống” phát triển nhiều ngành công nghiệp cũng như thu hút nhân tài cho các quốc gia.
Tọa đàm CÔNG NGHỆ BÁN DẪN: NỀN TẢNG CỦA THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
• Thời gian: 9h00 - 10h15 – Ngày: 18/12/2023
• Địa điểm: Trung tâm Hội nghị quốc tế Almaz, Khu đô thị Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội
• Đăng ký tham dự TẠI ĐÂY
Chủ tọa: GS. Richard Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, nguyên Giám đốc Chương trình Winton về Vật lý Bền vững của Trung tâm Maxwell thuộc Đại học Cambridge, Vương Quốc Anh, Chủ nhân Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ – Millennium Technology Prize năm 2010 danh giá cho phát minh trong lĩnh vực điện tử nhựa.
Diễn giả:
• GS. Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Singapore.
• GS. Nguyễn Thục Quyên, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) và Giáo sư Khoa Hóa học & Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ.
• GS. Albert Pisano, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Jacobs thuộc Đại học California San Diego, Hoa Kỳ.
• TS. Sadasivan (Sadas) Shankar, Quản lý Nghiên cứu – Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ.
• GS. Vivian Yam, Thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture và Giáo sư Philip Wong Wilson Wong về Hóa học và Năng lượng, Giáo sư Chủ nhiệm Hóa học tại Đại học Hồng Kông, Trung Quốc.