Theo phương án thoái vốn, Vinachem sẽ chuyển nhượng toàn bộ hơn 15 triệu cổ phiếu DGC, tương đương 8,85% vốn, với giá khởi điểm 152.100 đồng/cp, giá trị thu về tối thiểu là 2.281 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm này thấp hơn thị giá của DGC trên thị trường chứng khoán khoảng gần 3%.
Được biết, giá cổ phiếu DGC đã tăng gấp 10 lần kể từ mốc đầu tháng 4/2020 đến nay. Thống kế cho thấy trong 3 tháng qua thị giá DGC đã tăng hơn 90% và trong vòng 1 năm qua đã tăng hơn 328%.
Phương thức chuyển nhượng sẽ thực hiện khớp lệnh trên sàn chứng khoán. Thời gian thực hiện trong quý 4/2021 hoặc quý 1/2022.
|
Vinachem thoái vốn khỏi DGC với giá khởi điểm 152.100 đồng/cp. |
Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét của Vinachem, giá gốc khoản đầu tư vào DGC tính đến cuối quý 2 là hơn 130 tỷ đồng. Như vậy, số tiền mà Vinachem dự kiến thu về khi thoái vốn DGC cao gấp hơn 17 lần giá trị ghi sổ tại báo cáo tài chính.
Trước đó vào cuối năm 2019, Vinachem từng đưa hơn 11,45 triệu cổ phiếu DGC ra đấu giá với giá khởi điểm 49.100 đồng/cp nhưng chỉ bán được vỏn vẹn 200 cổ phần do thị giá trên thị trường DGC khi đó chỉ khoảng 24.000 đồng/cp.
Vinachem gần đây đã đưa ra ước doanh thu quý 3 đạt 10.967 tỷ đồng, bằng 96,4% so với kế hoạch quý, tăng 14,3% so cùng kỳ; lũy kế 9 tháng ước đạt 37.217 tỷ đồng, bằng 84,4% kế hoạch năm, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Lợi nhuận cộng hợp của toàn Tập đoàn trong quý 3 ước lãi 167 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 ước lãi 312 tỷ đồng.
Lợi nhuận của các đơn vị thuộc Đề án 1468 (trong 9 tháng đầu năm 2010) ước lỗ 1047 tỷ đồng, giảm lỗ 1.869 tỷ đồng; các đơn vị còn lại lãi 1360 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó một số đơn vị có lãi tăng cao như Công ty CP Phân bón Miền Nam tăng 318,8%, Hóa chất Việt Trì tăng 105,9%, Phân bón Bình Điền tăng 41,5%, Cao su Đà Nẵng tăng 31,5%.
Ngoài ra Công ty CP Supe Phốt phát & Hóa chất Lâm Thao và Công ty CP DAP - Vinachem đã hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi với lợi nhuận là 186% và 226% tương ứng.