Trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam được ghi nhận là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thời kỳ vàng của hàng không Việt
|
Năm 2019 đánh dấu mức đỉnh của ngành hàng không Việt Nam. |
Năm 2019 chứng kiến thời kỳ vàng của hàng không Việt khi cả 3 hãng liên tục đưa ra con số ấn tượng. Năm 2019, Vietnam Airlines đã duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt được những kết quả nổi bật với nhiều kỷ lục được xác lập.
Tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất cao nhất từ trước tới nay, lần lượt ước đạt 101.188 tỷ đồng (tăng hơn 2.200 tỷ so với năm 2018) và gần 3.369 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ ước đạt hơn 75.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 2.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 12% so với cùng kỳ. Năm 2019, VNA Group cũng đạt hiệu quả tốt nhất từ trước đến nay với 186.000 chuyến bay, 29 triệu lượt hành khách được vận chuyển thành công.
Hãng Vietjet Air cũng không hề kém cạnh khi năm 2019 đánh dấu một năm hoạt động tăng trưởng tốt mảng kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không trong năm 2019, duy trì vị trí đứng đầu về vận chuyển nội địa Việt Nam và phát triển thị trường quốc tế. Trong năm Vietjet đã phát triển mạng bay tăng 24% với 22 đường bay quốc tế được mở đi các nước Nhật Bản, Hồng Kông, Indonesia, đặc biệt là thị trường Ấn Độ 1,2 tỷ dân... Tương ứng, Vietjet đã chuyên chở gần 25 triệu lượt khách, tăng trưởng gần 28% so với năm trước.
Không khai thác thương mại rộng như 2 hãng trên, BamBoo Aiways chọn cho mình một lối đi riêng và cũng có những đóng góp lớn cho Tập đoàn FLC. Doanh thu dịch vụ hàng không đóng góp 29% tỷ trọng doanh thu chung. Với kết quả đó, Tập đoàn FLC đặt mục tiêu sẽ nhanh chóng đưa Bamboo Airways chiếm 30% thị phần hàng không, mở 85 đường bay trong và ngoài nước, cùng kỳ vọng vốn hóa đạt 1 tỷ USD sau niêm yết cổ phiếu BAV lên sàn chứng khoán trong năm nay.
“Bức tường rào” mang tên COVID-19
|
Đại dịch COVID-19 đã khiến mọi nỗ lực của các hãng hàng không Việt bị tan vỡ. |
Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lịch sử bị chặn đứng vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu. Trong báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 của ngành hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 - 65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019.
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dự báo quý I/2021 lỗ khoảng 4.800 tỉ đồng, trong 6 tháng đầu năm số lỗ có thể lên tới 10.000 tỉ đồng. Hiện số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỉ đồng.
Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020. Tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng dẫn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhận định về khó khăn các hãng hàng không Việt Nam đang mắc phải, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng tình trạng chung hiện nay là đang dư thừa nguồn lực. Cụ thể, tổng số máy bay dư thừa của các hãng Việt Nam là xấp xỉ 58 tàu, chiếm 26% tổng số máy bay các hãng. Tình trạng này dẫn tới việc sử dụng không hiệu quả đội tàu bay, công suất sử dụng thấp trong khi các chi phí bến bãi vẫn phải trả.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, việc quá tải nhà ga sân bay khiến hành khách mất nhiều thời gian hơn cho mỗi chuyến bay và việc quá tải tại sân bay khiến các chuyến bay cần nhiều thời gian cho cùng hành trình dẫn tới lãng phí thời gian hành khách và khiến chi phí mặt đất khác của các hãng hàng không tăng mạnh.
Thêm một vấn đề về giá vé được TS. Nguyễn Đức Kiên chỉ ra. Hiện nay, có tình trạng cạnh tranh giữa các hãng hàng không bằng cách giảm mạnh giá vé. Tính đến tháng 4/2021, giá vé bình quân trên thị trường chỉ bằng 55% cùng kỳ 2019.
Việc bán phá giá vé máy bay trong bối cảnh các hãng hàng không đang gặp áp lực lớn về tài chính hoàn toàn có thể gây ra sự sụt giảm doanh thu trầm trọng mà tồi tệ hơn là phải lâm vào tình trạng phá sản khi doanh thu không bù đắp nổi các chi phí hiện hữu. “Trong ngắn hạn, người tiêu dùng có thể được lợi khi giá vé giảm nhưng trong dài hạn, nếu diễn ra tình trạng độc quyền dù chỉ ở một vài phân khúc, các doanh nghiệp sẽ phải tăng mạnh giá bán để bù đắp tổn thất và tới lúc đó, người tiêu dùng sẽ lại là người chịu thiệt thòi”, TS Kiên phân tích.