Vietnam Airlines tính lập hãng bay chở hàng, có đỡ được khoản lỗ kỷ lục?

Google News

Nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng 10.788 tỷ đồng. Vietnam Airlines đang tích cực hoàn thiện đề án về việc thành lập hãng bay chở hàng.

Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra sáng ngày 14/7, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, nửa đầu năm 2021, Công ty mẹ Vietnam Airlines ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng 10.788 tỷ đồng, các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro.
Do năng lực sản xuất vẫn ở mức thấp, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, Vietnam Airlines đưa ra các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm nay đều xấu hơn năm ngoái. Trong đó, doanh thu hợp nhất dự kiến giảm 11,6% xuống còn gần 37.400 tỷ đồng. Vietnam Airlines dự kiến lỗ hợp nhất 14.526 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2020.
Số liệu thống kê cho thấy, “anh cả” Vietnam Airlines đang là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ nhất ngành hàng không. Lũy kế cả năm 2020, Vietnam Airlines cũng chỉ đạt doanh thu thuần gần 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ lãi 2.537 tỷ đồng.
Vietnam Airlines tinh lap hang bay cho hang, co do duoc khoan lo ky luc?
 Ban lãnh đạo của Vietnam Airline tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra sáng ngày 14/7. (Ảnh: HVN).
Một thông tin khác khá được dư luận quan tâm, tại đại hội Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, từ đầu năm 2020, Vietnam Airlines đã xin phép Cục Hàng không để vận chuyển hàng hóa trong khoang hành lý cũng như trên cabin của tàu bay chở khách.
Hiện, hãng đã tháo hoàn toàn ghế trên 5 tàu bay thân rộng Airbus A350 và hai tàu thân hẹp A321 để tăng công suất chở hàng. Hoạt động vận tải hàng hóa trên các tàu bay chưa tháo ghế cũng được tiếp tục triển khai.
Theo ông Lê Hồng Hà, Vietnam Airlines từ lâu đã nghiên cứu phương án thành lập hãng bay chuyên chở hàng (freighter) nhưng nhận thấy là không khả thi vì việc vận hành freighter đòi hỏi quy mô thị trường, đội bay và mạng bay đủ lớn. Phải có nhu cầu và nguồn hàng ổn định từ các nước đến Việt Nam và từ Việt đến các nước.
Tuy nhiên, hãng đang tích cực hoàn thiện đề án về việc thành lập freighter để tiến tới thực thi sau dịch. Hoạt động vận tải hàng hóa trong hơn một năm qua vừa giúp cải thiện nguồn thu, tối ưu đội bay, vừa là bước tập dượt quan trọng cho bộ phận hàng hóa của Vietnam Airlines.
Với việc Vietnam Airlines tính lập hãng bay chở hàng, dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu rằng Hãng hàng không quốc gia có đỡ được khoản lỗ kỷ lục?
Vietnam Airlines tinh lap hang bay cho hang, co do duoc khoan lo ky luc?-Hinh-2
 “Anh cả” Vietnam Airlines đang là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ nhất ngành hàng không. (Ảnh minh họa).
Trước đó, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng dịch COVID-19, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng.
Giải pháp cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng của 3 tổ chức tín dụng trên nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines đang tiếp tục triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý 3/2021.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, các hãng bay Việt Nam khai thác tổng cộng 99.746 chuyến, giảm gần 12% so với cùng kỳ mặc dù mức nền so sánh trong nửa đầu năm 2020 vốn dĩ đã khá thấp. Riêng Hãng hàng không quốc gia thực hiện gần 36.000 chuyến bay, giảm gần 18%.
Khánh Hoài (T/H)

>> xem thêm

Bình luận(0)