Theo tài liệu được công bố, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 40.586 tỷ đồng, giảm 41% so với thực hiện năm 2019; đặt kế hoạch lỗ cho công ty mẹ ở mức 14.487 tỷ đồng.
Tính trong nửa đầu năm 2020, Vietnam Airlines đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 24.808 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ và lỗ ròng ở mức 6.534 tỷ đồng, lỗ gần phân nửa so với con số dự kiến.vv
Vietnam Airlines báo dòng tiền hoạt động kinh doanh âm hơn 5.300 tỷ đồng trong khi cùng kỳ thì có dòng tiền dương 5.300 tỷ đồng. Theo đó dòng tiền thuần trong kỳ ở mức 355 tỷ đồng.
Trong đó, đáng lo ngại nhất là nếu không nhận được khoản hỗ trợ khẩn cấp từ Chính phủ trị giá 12.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines sẽ mất thanh khoản vào tháng 8/2020.
Ngoài ra, Công ty cũng đặt kế hoạch cho số lượng khách vận chuyển dự kiến 14,5 triệu khách, giảm 36,8% và số lượng khách luân chuyển là 16,2 tỷ khách/km, giảm 57%. Số lượng hàng hóa là 204.800 tấn.
Kế hoạch kinh doanh trên được đặt ra trên dự kiến tạm dừng khai thác các đường bay đi châu Âu và Australia hết năm 2020. Công ty bắt đầu khai thác trở lại các đường bay trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ tháng 10 với tần suất hạn chế 3-5 chuyến/tuần và khai thác ổn định từ tháng 12.
Về vận tải nội địa, hãng sẽ khai thác 13 đường bay mới từ Hải Phòng, Vinh, Cần Thơ. Tính đến thời điểm hiện tại, hãng hiện có 63 đường bay nội địa.
Về kế hoạch đầu tư, công ty dự kiến chi 406 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư năm nay với 74% dành cho kế hoạch thực hiện đầu tư 23 dự án chuyển tiếp từ năm 2019.
7 tháng cuối năm 2020, Vietnam Airlines dự kiến tổng thị trường hàng không nội địa phục vụ khoảng hơn 18 triệu lượt khách, tương đương 90% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020, khách tổng thị trường nội địa đạt 34,95 triệu lượt khách, thấp hơn 20% so với cùng kỳ. Giá bình quân thị trường có khả năng giảm 30% so với cùng kỳ 2019.
Nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nghiêm trọng là do đại dịch Covid-19. Từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện tại Trung Quốc và lan rộng ra thế giới. Đến thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường và tác động làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế thế giới so với các dự báo từ cuối năm 2019, trong đó có kinh tế Việt Nam.
Không chia cổ tức, chủ trương bán 9 tàu bay A321CEO
Vietnam Airlines dự trình việc không chia cổ tức năm 2019 cho cổ đông. Công ty cho biết có 2 nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không chi trả cổ tức năm 2019.
Thứ nhất, do dòng tiền rơi vào tình trạng thâm hụt ngay từ đầu tháng 2 khiến công ty không có nguồn tiền để trả cổ tức. Việc không chi trả cổ tức nhằm đảm bảo dòng tiền và cân đối tài chính cho hoạt động kinh doanh năm 2020 và các năm tiếp theo.
Thứ 2, công ty đang đàm phán với Tổ chức tín dụng xuất khẩu châu Âu và các ngân hàng trong và ngoài nước để gia hạn và giãn tiến độ thanh toán. Một trong những điều kiện tiên quyết để cho phép Vietnam Airlines giãn nợ là không chia cổ tức cho cổ đông.
Song song đó, HĐQT kiến nghị Đại hội phê duyệt chủ trương bán 9 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2007-2008, bao gồm phương án dự phòng SLB 3 tàu sản xuất năm 2008.
Ban lãnh đạo HVN cho biết dịch bệnh COVID-19 đã làm suy kiệt dòng tiền, gây ra thâm hụt nặng nề về dòng tiền và mức lỗ của Công ty, hiện tại HVN đang nỗ lực cắt giảm chi phí giãn tiến độ thanh toán, vay vốn ngắn hạn để bù đắp.
Hơn nữa tuổi thọ của các tàu bay định bán đã 12-13 năm khá lâu nên việc bán tàu để cải thiện được dòng tiền và có thể nâng cấp công nghệ mới cho tàu bay.