Tại buổi làm việc giữa Tổ Công tác của Thủ tướng và Bộ Xây dựng sáng nay (17/2), hàng loạt vấn đề nóng dư luận, báo chí quan tâm, bức xúc đã được nêu ra.
Phát triển nhà ở xã hội: Bao giờ cung đủ cầu?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng, nêu thực tế các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng nhà ở xã hội tắc do cơ chế.
Cụ thể, do Bộ Xây dựng chậm đề xuất các cơ chế trong quản lý, thúc đẩy phát triển, điều tiết thị trường bất động sản (BĐS) và quỹ đất cho nhà ở xã hội, thiếu ngân sách. Có địa phương chậm xử lý thủ tục hành chính, hoàn tiền sử dụng đất, chưa có cơ quan chuyên trách tham gia đầu tư xây dựng và quản lý trực tiếp quỹ nhà ở xã hội…
|
Hiện nhà ở xã hội mới giải quyết được khoảng 28% so với chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển nhờ ở quốc gia. Ảnh: Zen Nguyễn. |
“Hiện nhà ở xã hội mới giải quyết được khoảng 28% so với chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển nhờ ở quốc gia. Vậy những khó khăn, vướng mắc về nhà ở xã hội do đâu?
Do chưa cân đối được vốn ngân sách hay do phối hợp giữa các bộ ngành liên quan chưa tốt? Bộ Xây dựng có những chiến lược gì hoặc có tham mưu, đề xuất gì với Chính phủ, Thủ tướng để phát triển nhà ở xã hội đạt chỉ tiêu đề ra?”, ông Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi.
Trả lời về việc này, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho hay đang vướng ở chỗ cấp vốn cho các dự án.
“Bộ Kế hoạch Đầu tư chưa thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tiêu chí sắp xếp, phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước theo kế hoạch đầu tư trung hạn. Do đó, nhiều dự án chưa có vốn để triển khai”, tư lệnh ngành xây dựng nói.
Thị trường bất động sản: Dư thừa resort, biệt thự
Ông Mai Tiến Dũng cho rằng một trong những điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển của thị trường hiện nay là thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
|
Theo Savills Việt Nam, số lượng biệt thự, nhà liền kề không ngừng tăng lên trong vài năm trở lại đây. (Đơn vị: Căn). Đồ họa: Kiều Vui. |
Điển hình là khâu thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công các công trình cao tầng.
“Đề nghị Bộ báo cáo cụ thể hơn về thực trạng này”, ông Dũng nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trần tình hiện có thể đánh giá chưa có biến động lớn về thị trường bất động sản trong năm 2017 và đầu 2018. Tuy nhiên, ông cho rằng thị trường đang có biểu hiện dư thừa bất động sản cao cấp, biệt thự, resort…
“Theo tính toán của chúng tôi, có những sản phẩm đã đủ dùng đến năm 2020 rồi. Chúng tôi đang bàn với các Bộ, ngành để có phương thức kiểm soát tín dụng với bất động sản cao cấp, bàn với các địa phương để kiểm soát tốt phân khúc cao cấp ở địa phương. Chúng tôi cũng đang kiểm tra các dự án sử dụng nhiều đất”, ông nói.
Tư lệnh ngành xây dựng thông tin thêm Bộ đang xây dựng đề án đánh giá tình hình thị trường, đề xuất giải pháp, cơ chế quản lý để thị trường phát triển bền vững, có hiệu quả, thông suốt hơn.
Còn theo báo cáo của Savills Việt Nam, TP.HCM và Hà Nội nằm trong nhóm thị trường biệt thự/nhà phố hoạt động tốt nhất ASEAN năm 2015 và kéo sang năm 2016 với nguồn cầu lớn từ tầng lớp người giàu mới có thu nhập trên 20.000 USD.
Số lượng hộ gia đình Việt Nam khá giả với thu nhập hơn 20.000 USD được dự báo sẽ tăng lên gấp đôi, từ 250.000 lên 530.000 hộ, trong giai đoạn 2016-2020. Điều này có nghĩa là sẽ có 280.000 hộ gia đình ra khỏi tầng lớp trung lưu để gia nhập tầng lớp người giàu mới trong vòng 5 năm tới. Những hộ giàu này giúp tạo thành một phân khúc độc lập có sức mua bất động sản là biệt thự, nhà phố rất lớn.
Theo một khảo sát tiến hành trong năm 2015, người mua để ở chiếm đa số lượng giao dịch, trong khi đó, người mua để đầu tư, đầu cơ chiếm ít hơn 10%.
Nếu như trong quý IV/2016, tổng nguồn cung toàn thị trường của phân khúc biệt thự và nhà liền kề đạt gần 35.000 căn, tăng 5% so với quý trước và 13% so với cùng kỳ năm trước thì đến quý I/2017, hơn 2.300 căn biệt thự, nhà liền kề được tung ra thị trường.