Vì sao nhiều người Việt giàu tìm cách di cư ra nước ngoài?

Google News

Khi môi trường sống, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội, đối đãi với người tài… không đảm bảo, nhiều người Việt giàu đã tìm cách ra nước ngoài.

Việt Nam tiếp tục là một trong 10 quốc gia có công dân mua nhà tại Mỹ nhiều nhất thế giới, với 3 tỷ USD được chi trả trong năm 2017 và Việt Nam đứng top 10 trong 5 năm liên tục từ 2013 – 2017. Con số này được công bố không khiến nhiều người bất ngờ nhưng lại đáng phải suy ngẫm.
Vi sao nhieu nguoi Viet giau tim cach di cu ra nuoc ngoai?
 Chảy máu ngoại tệ - vấn đề cần được xem xét nghiêm túc.
Vì sao nhiều người Việt giàu có, khá giả muốn ra nước ngoài sinh sống hơn ở chính quê hương, nơi chôn nhau, cắt rốn của mình? Câu trả lời dễ thấy nhất, ngoài vấn đề về chính sách đầu tư, chính sách tiền tệ, kiều hối… thì hàng loạt vấn đề liên quan đến môi trường, giáo dục, y tế... khiến họ muốn di cư.
Về môi trường, ô nhiễm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống con người. Cùng với đó, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn ở mức báo động đỏ. Thực trạng sử dụng chất kích thích, phân bón hóa học, chất bảo quản, chất tạo màu và nhiều loại hóa chất khác đang trong tình trạng không thể kiểm soát khiến nhiều người lo ngại. Việt Nam là đất nước nông nghiệp nhưng người tiêu dùng không mặn mà với sản phẩm nông nghiệp trong nước, đó là một nỗi lo. Mỗi năm, chúng ta xuất khẩu hàng tỷ USD nông sản nhưng thị trường trong nước lại gần như bị bỏ ngỏ. Việc quản lý thực phẩm sạch và bẩn gần như không hiệu quả khiến “thật – giả” lẫn lộn, người có tiền cũng không biết mua đồ ăn sạch ở đâu, niềm tin tiêu dùng bị giảm sút.
Về giáo dục, sự không ổn định về chính sách đã khiến người dân Việt Nam bất an, mong muốn cho con ra nước ngoài du học, đặc biệt lựa chọn các quốc gia như Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản… Theo thống kê mới nhất của Hệ thống Thông tin về sinh viên và khách mời trao đổi (Student and Exchange Visitor Information – SEVIS) đến tháng 3/2016, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có số lượng du học sinh cao nhất tại Mỹ, với 29.101 sinh viên đang theo học tại tất cả các bậc học và chương trình đào tạo. Con số du học sinh Việt Nam tại Mỹ chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Arab Saudi và Canada. Sau khi du học xong, nhiều người lại không muốn trở về nước làm việc… bởi chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập. Dù sử dụng ngân sách để du học nhưng nhiều người đã sẵn sàng nộp phạt, đền bù lại số tiền đó để tìm một môi trường sống, làm việc tốt hơn.
Về y tế, hàng năm người Việt Nam cũng chi hơn 1 tỷ USD để đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài. Chất lượng đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị y tế, đặc biệt là sự quá tải – mất an toàn vệ sinh ở các bệnh viện đã khiến nhiều người không tin vào chất lượng y tế trong nước.
Giao thông Việt Nam hiện đang ở mức tồi tệ. Tắc đường, ngập lụt, khói bụi, ô nhiễm… là những từ nói chính xác về thực trạng giao thông ở các tỉnh, thành phố, mà có thể còn chưa đầy đủ.
Đó là chưa kể hàng loạt lĩnh vực khác như chính sách đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, thủ tục hành chính, thuế, hải quan… còn nhiều phiền hà khiến người dân và doanh nghiệp bức xúc. Nếu không có những cải cách mang tính hệ thống và quyết liệt thì hiện tượng những người giàu có, có trí tuệ, trình độ cao tìm cách di cư ra nước ngoài sẽ còn tiếp diễn. Thiệt thòi khi đó thuộc về quốc gia vì đã không tận dụng được nguồn lực tài chính, vật chất, trí tuệ của họ cho phát triển. Hiện tượng người Việt đầu tư mua nhà, chữa bệnh, du học ở nước ngoài cũng có những lý do gần giống với thực tế nhiều người bỏ nông thôn ra thành phố mưu sinh. Con người luôn phấn đấu vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. “Đất lành, chim đậu”, chỉ có cách tăng cường ưu thế quốc gia, biến tổ quốc trở thành đất lành, đất hứa thì dòng người đi chắc chắn sẽ ít hơn dòng người muốn đến, muốn trở về.
Theo An Nhi/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)