Thời gian vừa qua, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình vận chuyển hành khách công nghệ mới, dựa trên nền tảng ứng dụng điện thoại di động phát triển hơn bao giờ hết.
Loại hình này tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng trẻ, thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh, bởi sự thuận tiện, giá cả lại rẻ hơn rất nhiều so với xe ôm truyền thống. Chính điều này đã đẩy xe ôm truyền thống, vốn được phản ánh là "chặt chém" khách hàng trở nên bị cạnh tranh.
Nhiều bạn đọc của Infonet đã phản ánh lại việc bị các xế công nghệ “dỏm” vẫn khoác áo nhưng chặt chém làm giá như một số xe ôm truyền thống. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin, tìm hiểu thêm về thực hư việc này, phóng viên đã đóng vai khách hàng sử dụng dịch vụ trong nhiều ngày.
|
Trong khi rất nhiều "xế công nghệ" đứng chờ điện thoại thì tại các bến xe của Hà Nội có một số người mặc trang phục Grab đi chào mời khách. |
"Chiếc áo làm nên thầy tu"
Điểm đầu tiên trong ngày là bến xe Mỹ Đình. Trong vai một hành khách vừa bước xuống từ xe khách, phóng viên Infonet bước ra ngoài cửa bến xe. Theo quan sát, ở ngay phía bên ngoài bến xe Mỹ Đình, rất đông những người hành nghề xe ôm truyền thống và Grab đã đứng chờ trực khách. Trái với suy nghĩ của phóng viên, những tưởng rằng cảnh chèo kéo, mời khách đi xe chỉ có ở xe ôm truyền thống hay taxi, thì tại đây, ngay cả những bóng áo xanh lá cây cũng nhảy ra mời khách lẻ rất nhiệt tình, hoàn toàn không thông qua ứng dụng đặt trước. Trong khi đó, về nguyên tắc, xế chạy GrabBike không được bắt khách dọc đường mà chỉ đợi khi tổng đài báo lúc đó mới xác nhận và đón khách.
Phóng viên Infonet nhanh chóng bước tới một gốc cây ở lớn ở ngay phía sau bến xe Mỹ Đình, nơi có gần chục người mặc áo xanh của Grabbike đang đứng tán gẫu. Rất nhanh chóng, một tài xế trung tuổi vồn vã đi tới ngỏ ý mời đi xe.
Phóng viên đi thử một chuyến không thông qua ứng dụng cho quãng đường từ sau bến xe ra tới bệnh viện 198 với khoảng cách chưa đầy 1km. Theo quan sát, tài xế này chỉ có áo thun dài tay của Grabbike và không có mũ. Sau khi đến địa điểm định sẵn, tài xế GrabBike này thu tiền xe 20.000 đồng, bằng với giá một chuyến xe ôm truyền thống. Khi được hỏi vì sao không bật định vị và quãng đường ngắn thế lại lấy 20.000 đồng, người xe ôm chỉ phân trần một cách đơn giản rằng quãng đường ngắn nên sơ ý quên không bật định vị.
Một chuyến đi là chưa đủ, sau 30’, phóng viên quyết định đổi địa điểm cách vị trí ban đầu không quá xa. Lần này là khu vực cửa vào bến xe Mỹ Đình bên phía đối diện, cách cổng ra chỉ khoảng 200-300m. Cũng vẫn là những chiếc áo màu xanh lá cây quen thuộc, nhưng lần này, phóng viên chọn một tài xế hoàn toàn không có áo mà chỉ có mũ bảo hiểm GrabBike. Vẫn ra địa điểm cũ là cổng bệnh viện 198. Vừa di chuyển, tài xế này cho biết do mới đi làm, vừa mới lên công ty nhưng chỉ mới lấy được 2 mũ. Kết thúc hành trình dài vỏn vẹn chưa đầy 1km, phóng viên trong vai hành khách đưa 1 tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng và được tài xế trả lại 30.000 đồng do đã hết tiền lẻ.
Như vậy, cả hai cuốc xe quãng đường chưa đầy 1km không thông qua ứng dụng được cả hai tài xế này tính giá đồng hạng 20.000 đồng. Trong khi đó, nếu đặt qua ứng dụng thì mỗi chuyến xe trên chỉ có giá 12.000 đồng.
Ngoài bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát cũng được nhiều người phản ánh là điểm nóng cho các tài xế công nghệ “dỏm”. Tiếp tục trong vai một hành khách vừa xuống xe, phóng viên lập tức được một tài xế GrabBike ước chừng khoảng 50 tuổi mời đi xe. Lần này, quãng đường được chọn xa hơn một chút so với hai chuyến xe trước từ cổng bến xe Giáp Bát phía đường Giải Phóng về với địa chỉ 369 Giải Phóng. Tài xế này vẫn chỉ có 1 áo, 1 mũ GrabBike.
Vừa di chuyển, tài xế vừa kể mới chuyển sang chạy hình thức này khoảng vài tháng. “Chạy kiểu này cực lắm chú ơi, quá nhiều người cùng lao vào chạy. Giá rẻ nên chạy cật lực mới đủ trang trải. Mỗi ngày tôi chạy được khoảng 200-300.000 đồng mà phải đi nhiều chuyến. Vừa chạy Grab, tôi vừa tranh thủ bắt thêm khách vãng lai” – tài xế này chia sẻ. Kết thúc chuyến đi dài khoảng hơn 1km, tài xế vẫn tính giá cho PV 20.000 đồng trong khi giá thật khi book qua ứng dụng vẫn chỉ 12.000 đồng.
Ngoài hai bến xe trên, Bến xe Nước Ngầm cũng xuất hiện tình trạng tương tự khi chỉ cần bước ra khỏi cửa bến sẽ có gần chục người cả xe ôm truyền thống lẫn người mặc áo Grab chèo kéo, chào mời.
|
Các "xế công nghệ" đều cho biết, khi đã tham gia vào mô hình này thì không được phép tự chào mời khách. |
Mặc áo Grab để tăng độ uy tín
Như vậy, ở cả hai bến xe lớn tại Hà Nội là Mỹ Đình và Giáp Bát, hiện tượng xế công nghệ “dỏm” mặc trang phục như thật nhưng tính giá như xe ôm truyền thống thực sự tồn tại. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, riêng trên địa bàn Hà Nội có đến hơn vài chục ngàn xe GrabBike và xe Uber phủ sóng toàn thành phố. Lái xe GrabBike hay Uber chủ yếu là đội ngũ trẻ, độ tuổi từ 18 - 30 chiếm phần đông, hơn 60%. Đặc biệt, trong số đó có rất nhiều bạn đang là sinh viên tại các trường đại học quanh địa bàn thành phố hay những người làm văn phòng. Họ coi đây là nghề làm thêm sau giờ học, giờ làm chính thức để kiếm thêm thu nhập.
Để tìm hiểu thêm về các tài xế Grab “dỏm”, phóng viên Infonet đã bắt liên lạc với L.T.Đ một tài xế GrabBike “xịn”: “Nhiều tài xế Grab đang chạy theo kiểu khá nửa mùa khi vừa đi khách đặt qua tổng đài, vừa bắt khách lẻ dọc đường. Khi tham gia vào mô hình GrabBike, chúng em được yêu cầu không bắt khách lẻ dọc đường nhưng nhiều tài xế vẫn cố tình lơ đi để kiếm thêm thu nhập”. Theo Đ., mỗi chuyến xe mà tài xế hoàn thành thì phải đưa về công ty 15%.
Tôi cũng đem chuyện đi Grab từ cổng bến xe Mỹ Đình tới bệnh viện 198, Đ. cho biết với những chuyến đi dưới 2km thì được tính đồng giá 12.000 đồng, gọi là giá mở cửa, tài xế vẫn phải mở định vị và hoàn 15% về cho công ty. Như vậy cho thấy, rõ ràng có nhiều tài xế đã lơ đi quy định này và chặt chém hành khách như xe ôm truyền thống. “Nếu bắt khách lẻ như vậy, tài xế sẽ không bị cắt phần trăm về công ty và mặc định có thể cầm hết số tiền đó” – Đ. cho biết thêm.
Cũng chia sẻ thêm về việc khoác áo xe ôm công nghệ, chạy kiểu xe ôm truyền thống, tài xế Đ.V.Y cho biết, ở các khu vực bến xe, bệnh viện, có khá nhiều các tài xế xe ôm mặc áo Grab, Uber nhưng hoàn toàn là giả. Y. nhấn mạnh, thực chất các tài xế này là những xe ôm bình thường nhưng lại mặc áo Grab để tăng độ uy tín cho hành khách. “Grab thời gian qua đã quá quen thuộc và dễ nhận biết bởi màu áo xanh lá cây đặc trưng. Nhiều chú, bác xe ôm truyền thống cứ mặc áo vào rồi đứng một chỗ hoặc đi đường bắt khách và thản nhiên làm giá” – Y. cho biết thêm.
Hai tài xế Đ. và Y. đều khẳng định tình trạng các xe ôm truyền thống mặc áo, đội mũ để giả làm tài xế công nghệ là có thật, những xế “dỏm” không mấy khi đứng riêng lẻ mà luôn đứng cùng từng nhóm, hòa vào với các xế “xịn” và rất khó để hành khách có thể nhận ra. Để đảm bảo quyền lợi, một số "xế công nghệ" khuyên hành khách nên đặt xe thông qua ứng dụng, điều này tuy có mất thời gian hơn một chút nhưng đảm bảo cho hành khách tránh được việc đi nhầm xế công nghệ “dỏm”.