Cụ thể, từ đầu tháng 11, VietCapitalBank đã điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn 7 tháng từ 7,8%/năm xuống còn 7,6%/năm, các kỳ hạn khác cũng giảm 0,1%/năm. Đồng thời, mức lãi suất cao nhất mà VietCapitalBank áp dụng cho các kỳ hạn 24-60 tháng cũng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống mức 8,5%/năm thay vì 8,6%/năm như trước đó.
Trong khi đó, tại thời điểm cuối tháng 9/2019, tiền gửi khách hàng của VietCapitalBank chỉ tăng nhẹ 2% so với đầu năm, lên mức 34.231 tỷ đồng. Còn cho vay khách hàng tăng khá hơn với 11% so với đầu kỳ, lên hơn 32,973 tỷ đồng.
Eximbank cũng công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ 7/11, trong đó điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng tại quầy giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 8,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 7,7%/năm.
Tình hình tiền gửi khách hàng ở Eximbank khá lạc quan tại thời điểm cuối tháng 9 tăng tới 13% khi đạt 134,467 tỷ đồng. Ngược lại, dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 3% so với đầu năm, ghi nhận gần 107,433 tỷ đồng.
SCB cũng giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng từ 7.75%/năm xuống còn 7.55%/năm tại kỳ điều chỉnh ngày 11/11/2019. Tình hình tại thời điểm cuối tháng 9, SCB ghi nhận tiền gửi của khách hàng đạt gần 426,257 tỷ đồng, tăng 11%. Cho vay khách hàng tăng 7% khi đạt gần 324,371 tỷ đồng.
Còn VPBank áp dụng biểu lãi suất mới từ 8/11 với mức giảm 0,1 điểm phần trăm. Theo đó, khách gửi tại quầy 6 tháng, lãi suất giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 7,2-7,5%/năm. Tương tự, khi gửi online, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 7,5%/năm, thấp hơn so với mức 7,6%/năm trước đó.
Trong nhóm này, VPBank là nhà băng có mức tăng trưởng cho vay khách hàng tại thời điểm cuối tháng 9 cao nhất với gần 15% so với đầu kỳ, lên gần 254,187 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tại VPBank cũng tăng tới 20%, lên 205,585 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng đẩy mạnh thu hút tiền gửi của khách hàng những tháng cuối năm thì cũng có những nhà băng đi ngược với trào lưu này. Liệu đây có phải là động thái để tiết kiệm chi phí khi mà room tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này không còn nhiều?