Hồi ức
Cụ Đinh Công Ánh (trú thôn 1, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê) là một trong những người đầu tiên đưa nghề đục, xoi trầm về Phúc Trạch. Bước sang tuổi 94 nhưng mắt cụ vẫn sáng, mình rắn chắc tựa như cây lim cổ thụ giữa đại ngàn. Cụ nói, có được tinh thần thoải mái, sức khoẻ dẻo dai như nay cũng nhờ trầm.
Vốn là công nhân nông trường 20/4 (Hương Khê, Hà Tĩnh), năm 1980 thấy người dân ở Huế, Quảng Nam đổ xô vào các khu rừng già của huyện để tìm trầm, cụ lấy làm lạ. Cụ chưa biết hình dáng trầm thế nào, lấy từ đâu mà chỉ nghe người ta đồn đại nhau về sự quý hiếm của nó, không ít người phải bỏ cả mạng nơi chốn rừng thiêng nước độc vì đi săn trầm.
Cụ Đinh Công Ánh là một trong những người đầu tiên đưa nghề đục, xoi trầm về Phúc Trạch
Cũng ước mong thoát nghèo, khi biết được chút ít về kỹ năng về trầm, cụ bàn với vợ cùng lên rừng để thử vận may. Nếu tìm được trầm thì đổi nghề, còn không quay lại tiếp tục làm công nhân nông trường. Một dao, một cưa, hai vợ chồng vào rừng sâu ở xã Hương Trà, huyện Hương Khê. Thấy cây dó bầu đã gãy phần ngọn, cụ chặt ngang gốc, bên trong chứa những vân đen, ngửi có mùi thơm, nếm có vị cay, ngọt. “Trầm đây rồi, thế này thì không chỉ ở rừng mà dưới vườn ta có đầy”, cụ Ánh nói với vợ.
Vác cả thân cây về nhà, vợ chồng lão nông hì hục cả đêm đẽo cây, cẩn thận lấy những mảng trầm nhỏ bên trong ra. Cụ nói rằng, sống hơn nửa cuộc đời ở mảnh đất này, nhưng không nghĩ chất nhựa từ cây dó bầu ở vườn lại có giá trị như thế. Bởi cây dó hồi đó dân chỉ trồng để lấy gỗ. “Khi đó chẳng ai biết cây dó có giá trị như thế, có người cưa ra thấy trầm nhưng không biết nên đem vứt hết. Khi biết đất ở xã mình có thể trồng ra loại có giá trị hơn vàng, tôi bắt đầu ươm hạt giống để trồng, thu mua cây dó để về đục, xoi trầm”, cụ Ánh kể lại.
Gốc dó trầm có tuổi đời khoảng 100 năm, được mua với giá 200 triệu đồng
Thấy nhà cụ Ánh phất lên trông thấy, dân xung quanh cũng đến để xin học nghề, ai cụ cũng dạy, cũng chỉ cách để trồng, làm trầm. Nhưng, thời kỳ trầm lên ngôi thì lại bị cấm khai thác, buôn bán. Những sản phẩm trầm được cụ chế tác ra từ những cây dó trong vườn cũng bị truy lùng gắt gao.
“Ngày đó trầm quý lắm, đắt đỏ. Vì thế đưa trầm đi bán cũng không phải đơn giản, cứ nhét mỗi thứ một ít trong túi đồ rồi đi vào Nam bán cho thương lái. Tôi nhớ thời đó có gốc dó bầu tôi chỉ mua 5 ngàn đồng, nhưng về làm thành phẩm bán được hơn 40 triệu đồng”, cụ Ánh kể. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, mắt không được sáng, tay không còn điêu luyện như trước, nhưng thi thoảng nhớ nghề, cụ lại mang bộ dụng cụ ra để đẽo, còn công đoạn xổ gạn lấy trầm thì để con, cháu thực hiện.
Tỷ phú săn trầm hương
Theo chân ông Phạm Anh Tuấn (56 tuổi) vào vườn hộ dân ở xã Phúc Trạch để thu mua dó bầu về làm trầm phục vụ dịp cuối năm. Chỉ tay vào gốc dó bầu hai người ôm không xuể, ông Tuấn nói cây này là một trong những cây dó cổ thụ ở xã Phúc Trạch, có tuổi đời trên 100 năm. Chủ xưởng hương trầm tiết lộ, gốc dó được ông mua với giá hơn 200 triệu đồng.
“Trăm triệu đổ vào đây rồi, lời thì ăn, lỗ phải chịu. Vì trầm bên trong thân cây, ta không thể chắc chắn được số lượng bao nhiêu. Lỗ là chuyện bình thường”, ông Tuấn nói. Đối với giới săn trầm, nghề thu mua cây dó về làm trầm cũng không hẳn chỉ là kinh nghiệm mà có phần may, rủi trong đó. Nếu may mắn gặp cây có hàng trầm đẹp, thơm và bền có khi lãi cả trăm triệu, tiền tỷ. Nhưng xui xẻo, đẽo mỏi mắt cũng chẳng tìm thấy miếng trầm nào thì xem như mất trắng. “Nghề đục, xoi trầm là vậy đó, không phải ai cũng làm được. Có gốc mình lãi bạc tỷ, nhưng cũng có thể mất trắng mấy trăm triệu”, ông Tuấn bảo.
“Toàn xã Phúc Trạch có 95% người dân trồng dó trầm với hơn 300ha. Đây là cây làm giàu, lợi thế phát triển kinh tế của địa phương. Từ việc trồng trầm, nhiều cơ sở, HTX kinh doanh chế tác trầm hương cũng được nhân rộng, đời sống người dân được cải thiện. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo, trở thành tỷ phú nhờ trầm hương”.
Tuổi 34, anh Phạm Văn Vinh trú thôn 8, xã Phúc Trạch, Hương Khê (Hà Tĩnh) đã trở thành ông chủ của một cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ từ trầm hương, tạo việc làm cho nhiều người dân ở xóm. Xuất thân trong một gia đình nông dân, cha mất sớm, từ nhỏ anh Vinh đã phải đi làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Sau 7 năm khởi nghiệp từ bàn tay trắng, anh Vinh đã có chỗ đứng trong nghề sản xuất trầm. Những sản phẩm như tinh dầu, cây trầm cảnh, vòng trầm được xuất khẩu ra nước ngoài.
Anh Vinh chia sẻ, trầm hương chính là nhựa cây do bị tổn thương bởi sâu, kiến đục thân hay do gãy cành, gãy ngọn. Tại những nơi cây dó bị thương, nhựa chảy ra, tự bồi đắp, tự chữa lành, sau 10 đến 15 năm tích tụ bởi thời gian, nắng và gió từ đó kết tạo thành trầm hương. “Khi cây dó được cắt xong phải đẽo thô, loại bỏ những phần thân không sử dụng, sau đó tuỳ theo thế cây để đục, xoi, ganh lấy trầm. Công đoạn này đòi hỏi thợ phải có thâm niên, sự dẻo dai của cổ tay và tinh mắt, chỉ cần thiếu tập trung hoặc lỡ tay là có thể làm hỏng, thất thoát trầm hương”, anh Vinh nói.
Bà Phạm Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê bộc bạch, trước đây, cây dó trầm chỉ trồng xen kẽ ở những vườn bưởi, nhưng từ năm 2000-2006, giá trầm lên cao, dân ồ ạt chuyển bưởi sang trồng trầm. “Khi đó 1kg hạt trầm giá 20 triệu đồng cũng không có mà bán. Nay trầm có giảm nhưng vẫn cho thu nhập cao hơn so với các loại cây thân gỗ khác”, bà Hạnh chia sẻ.