Ở miền Tây, cây tầm vông được trồng ở nhiều nơi nhưng tập trung nhất ở khu vực huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, với diện tích hơn 600ha. Trong đó, khu vực trồng nhiều nhất là chân núi Ngọa Long Sơn thuộc thị trấn Ba Chúc, tầm vông trải dọc hai bên đường xanh ngút tầm mắt.
Một góc của núi Ngọa Long Sơn ở An Giang (Ảnh: Bảo Kỳ).
Trong quá khứ, loại cây này đóng vai trò là vũ khí chống giặc. Khi ấy, tầm vông được vạt nhọn đầu để sử dụng thay kiếm, giáo mác, có tính sát thương cao. Ngày nay, tầm vông là loại vật liệu quan trọng để người dân cất những căn nhà lá hay rào chắn vuông tôm, cua... vì bền và không bị mối mọt đục khoét như tre.
Hằng năm, cứ đến mùa khô cư dân vùng Bảy Núi bắt đầu vào vụ thu hoạch tầm vông. Mùa thu hoạch thường bắt đầu từ tháng Giêng, kéo dài cho đến tháng 6 Âm lịch.
Nghề uốn tầm vông, đặc trưng của tỉnh An Giang (Ảnh: Bảo Kỳ).
Vì cây tầm vông sau khi đốn thường cong, muốn bán được giá cao phải uốn thẳng. Chính vì thế, từ nhiều năm qua, cây tầm vông mang đến thu nhập ổn định cho người trồng, thương buôn và cả lao động tự do uốn tầm vông thuê.
Ông Trần Văn Manh (ngụ xã Lương Phi), tay thợ có gần 30 năm trong nghề cho biết, do thân tầm vông quá dài nên cần phải có 2 người làm, người uốn gốc, người còn lại uốn ngọn. Mỗi lượt sẽ uốn khoảng 10 cây tầm vông, tùy vào kích thước, độ dài của cây.
Nhìn tưởng đơn giản nhưng nghề này đòi hỏi người thợ phải nhanh tay, giỏi canh lửa, canh chiều gió. Tùy vào lửa lớn hay nhỏ, nhiệt độ nhiều hay ít mà thời gian uốn sẽ nhanh hay chậm nhưng trung bình uốn mỗi cây mất 3-5 phút. Thợ nào nhanh tay, lành nghề có thể uốn 200-250 cây/ngày.
Cây tầm vông thuộc họ tre nhưng thân cây nhỏ hơn, đặc ruột, vì thế để uốn được phần gốc người thợ sẽ có thêm cây móc đè cây xuống, còn phần ngọn chỉ cần đặt vào lò đợi đủ lửa là uốn cho thẳng (Ảnh: Bảo Kỳ).
"Tới mùa là nhà nào có tầm vông đều đỏ lửa từ sáng đến 4-5 chiều mới ngưng việc. Những hôm cao điểm thì thợ phải uốn đến tối. Vất vả nhất là đứng trời nắng và bếp lửa nóng nhưng bù lại tiền công cao, ai giỏi nghề kiếm đến 300.000 đồng/ngày", ông Manh cho hay.
Chị Nguyễn Thị Loa (45 tuổi, quê Sóc Trăng), chủ vựa tầm vông ở bãi Bến Xã (xã Lương Phi) vui vẻ nói: "25 Tết vựa tôi mới làm xong, giờ đang chất hơn 3.000 cây tầm vông xuống ghe để giao cho khách ở Cà Mau. Năm nay buôn bán được nên vựa tôi về trễ nhất".
Chị Thoa, tiểu thương hơn 15 kinh nghiệm kinh doanh tầm vông cho biết, khác với những loại nông sản khác, tầm vông hiếm khi bị rớt giá, nhà vườn sản xuất đều đặn, đốn cây này lại có cây khác mọc lên. Sản lượng nhiều nhưng cũng không đủ cung cấp vì nhu cầu tiêu thụ cao.
"Ở Bạc Liêu, Cà Mau... họ mua nhiều lắm vì dưới đó nuôi tôm cua, cần tầm vông để cất nhà, làm chòi canh vuông tôm, cua. Nhờ cây tầm vông mà bà con ở đây đỡ vất vả lắm, ai có đất thì trồng tầm vông, ai không đất thì uốn tầm vông thuê, ngay cả người ở xa như tôi còn có cuộc sống ổn định", chị Thoa cho hay.
Tầm vông uốn xong được nhân công chất xuống ghe giao đi các miệt Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang (Ảnh: Bảo Kỳ).
Núi Dài hay còn gọi là Ngọa Long Sơn có chiều dài 8.000m, cao 580m đi qua các xã Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì và thị trấn Ba Chúc thuộc huyện Tri Tôn (An Giang). Nhìn từ trên cao, ngọn núi như con rồng đang nằm nên người xưa đặt tên như thế. Đây là ngọn núi dài nhất trong dãy Thất Sơn của tỉnh.
Theo nhà thơ Trần Thế Vinh (69 tuổi, ngụ ấp An Nhơn, xã Lương Phi), một người sống cố cựu ở chân núi Dài cho biết, ngoài phát triển nông nghiệp, Ngọa Long Sơn sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với nhiều loại gỗ quý, chim muông và thú rừng quý hiếm.
Dưới chân Ngọa Long Sơn có nhiều địa điểm nổi tiếng như vồ Đá Miễu, sân Tiên, giếng Tiên, miếu Bà Cửu Thiên để du khách tham quan, chiêm bái (Ảnh: Bảo Kỳ).
Nơi đây còn có di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia là căn cứ Ô Tà Sóc hay đồi Ma Thiên Lãnh, có hang rộng chứa hàng nghìn người.
Ngoài ra, dưới chân ngọn núi dài nhất Thất Sơn còn có vồ Đá Miễu, sân Tiên, giếng Tiên, miếu Bà Cửu Thiên để du khách tham quan, chiêm bái.