Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 3 với phiên tăng dựng đứng đêm qua (theo giờ Việt Nam).
Trong đó, giá vàng giao ngay đã tăng một mạch 36,4 USD, tương đương gần 1,9% trong ngày, đóng cửa ở mức 1.972,9 USD/ounce. Tính riêng tuần này, giá kim quý thế giới đã tăng tới 83,9 USD, tương đương hơn 4,4% giá trị.
Đà tăng kể trên cũng đưa giá vàng thế giới trở lại vùng cao nhất kể từ tháng 8/2020. Hiện tại, mặt hàng này chỉ còn cách đỉnh lịch sử (2.063 USD hồi đầu tháng 8/2020) khoảng 90 USD, tương đương 4,4%.
|
Vàng miếng SJC liên tục phá đỉnh trong ít tuần giao dịch gần đây. Ảnh: Chí Hùng.
|
Vàng thế giới cao nhất 19 tháng
Cùng ghi nhận mức tăng dựng đứng này, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 4 đêm qua đã tăng 39,4 USD (2%), hiện cố định ở 1.974,9 USD/ounce. Tính trong tuần này, giá vàng tương lai cũng đã tăng tới 74,9 USD, tương đương 4,3%.
Dữ liệu của Kitco cho biết đây là mức tăng mạnh nhất mà vàng thế giới ghi nhận được trong một tuần giao dịch. Nếu tính trong một tháng đã qua, giá kim quý thế giới đã tăng tới 194,9 USD, tương đương gần 11%.
Ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, cho biết vàng là một trong những tài sản trú ẩn an toàn nhất hiện nay. Tài sản này đóng vai trò vừa là bức tường chống lạm phát, vừa phản ứng nhanh với những bất ổn địa chính trị. Và mức tăng dựng đứng của vàng gần đây là sự kết hợp của cả 2 yếu tố này.
Theo đó, áp lực lạm phát đang tăng lên trên toàn cầu, với lạm phát tại Mỹ đến cuối tháng 2 đã đạt 7,5%, cao nhất kể từ năm 1982. Tương tự, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đã chạm mốc 5,8%, cao nhất trong lịch sử.
|
Giá vàng thế giới tăng hơn 4,4% giá trị trong tuần này. Nguồn: Tradingview.
|
Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị tại Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đáng chú ý hơn, việc Nga thực hiện các hành động quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine còn khiến tình trạng lạm phát tăng mạnh hơn trên toàn cầu khi giá nhiên liệu thế giới tăng dựng đứng.
Hiện giá dầu thô thế giới đã vượt mốc 115 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 4/2012. Trong khi đó, tháng 4/2020 trước đó, giá mặt hàng này mới giao dịch ở mức trên 25 USD/thùng. Nếu tính từ đầu năm đến nay, dầu thô thế giới đã tăng gần gấp rưỡi.
Với các diễn biến này, áp lực lạm phát được dự báo còn tăng cao trong thời gian tới. Từ đó, các chuyên gia phân tích dự báo giá vàng vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn và đợt tăng giá này có thể đưa kim quý vượt đỉnh lịch sử 2.063 USD.
Vàng trong nước lại phá đỉnh
Trong triển vọng tích cực của vàng thế giới, giá trong nước cũng đang liên tục phá đỉnh lịch sử chỉ trong vài tuần gần đây. Hiện tại, giá vàng miếng trên thị trường đã tăng vượt mốc 68 triệu/lượng và vàng nhẫn vượt 56 triệu đồng.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) mở cửa phiên cuối tuần hôm nay niêm yết giá vàng miếng ở mức 67,25 - 68,4 triệu/lượng (mua vào - bán ra), tăng 650.000 đồng giá mua và 1,05 triệu đồng giá bán so với cuối ngày 4/3.
Tuy nhiên, đến 11h, giá mua vào đã được nâng lên mức 67,7 triệu và giá bán đạt 68,8 triệu đồng, cao hơn 1,45 triệu so với cuối ngày hôm qua. Đây cũng là mức đỉnh mới của vàng miếng SJC trong lịch sử giao dịch. Chỉ trong 2 tháng gần nhất, giá vàng miếng SJC đã liên tục phá đỉnh các mốc 63 triệu/lượng, 65 triệu và tăng vọt lên gần 69 triệu đồng hiện tại.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với giá vàng nhẫn SJC loại 99,99%, khi sáng nay tăng lên mức 55,3 triệu/lượng (mua) và 56,2 triệu/lượng (bán), cao hơn 550.000 đồng chiều mua và 700.000 đồng chiều bán so với cuối ngày 4/3. Đây cũng là lần đầu tiên SJC đưa giá bán vàng nhẫn vượt mốc 56 triệu đồng.
Tính trong tuần này, giá vàng miếng SJC đã tăng một mạch 3,05 triệu/lượng, tương đương 4,6% giá trị, trong khi giá vàng nhẫn tăng gần 1 triệu đồng.
Tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), sau khi nâng giá bán vàng miếng lên mức 67,9 triệu/lượng vào hôm qua, đến sáng nay doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh tăng lên đỉnh mới 68,5 triệu/lượng. Tính riêng tuần này, giá vàng miếng do PNJ bán ra đã tăng 2,7 triệu đồng, xấp xỉ 4,1%.
Chiều mua vào hiện được doanh nghiệp chấp nhận ở mức 67,1 triệu/lượng, tăng 400.000 đồng so với hôm qua và cao hơn 2,4 triệu so với cuối tuần trước.
Tương tự SJC, giá vàng nhẫn do PNJ chế tác hiện cũng đã vượt mốc 56 triệu đồng. Trong đó, giá mua vào hiện ở mức 55,3 triệu/lượng và bán ra ở 56,2 triệu/lượng, tăng 800.000 đồng so với một tuần trước.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sáng nay cũng nâng giá mua vàng miếng lên mức 67 triệu/lượng, cao hơn 700.000 đồng so với cuối ngày 4/3. Giá bán hiện được niêm yết bằng PNJ ở mức 68,5 triệu, cao hơn 750.000 đồng.
Tính trong tuần này, giá vàng miếng do DOJI niêm yết cũng đã tăng tới 3 triệu đồng.
Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp vàng trong nước như Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Phú Quý, Vàng Mi Hồng… đều nâng giá bán ra vàng miếng lên xấp xỉ mốc 68,5 triệu đồng/lượng.