Vải thiều Bắc Giang lên kệ siêu thị, sàn TMĐT tiêu thụ nhanh... thu lợi?

Google News

Để tháo gỡ khó khăn, giúp người nông dân ở các địa phương tiêu thụ các mặt hàng nông sản mùa COVID-19, thì việc đưa những mặt hàng nông sản lên chợ trực tuyến (online), được xem là một trong những giải pháp công nghệ số “cứu sinh” quan trọng và đắc lực cho người nông dân.

Thị trường tiêu thụ gặp khó khăn vì đại dịch
Việt Nam là quốc gia có nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực có tính chất mùa vụ. Thời điểm này, nhiều sản phẩm nông sản của bà con nông dân ở các tỉnh thành đang bước vào mùa thu hoạch, nhất là một số loại trái cây như: Mít, dưa hấu, thanh long, vải thiều, nhãn…
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), với điều kiện thời tiết thuận lợi thì nhãn, vải năm nay sẽ tiếp tục được mùa. Tổng sản lượng vải ước tính đạt tới khoảng 340.000 tấn, sản lượng nhãn phía Bắc ước đạt 300.000 tấn, tăng hơn 13% so với năm ngoái.
Vai thieu Bac Giang len ke sieu thi, san TMDT tieu thu nhanh... thu loi?
Vải thiều Bắc Giang được đánh giá chất lượng tốt. (Ảnh: TL). 
Riêng tại Bắc Giang có hơn 28.000 ha diện tích vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020. Trong đó, vải thiều chín sớm 6.050 ha, sản lượng ước đạt 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Từ ngày 10/6 đến 20/7, sẽ là khoảng thời gian thu hoạch rộ vải thiều chính vụ.
Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, người điều khiển phương tiện chở hàng qua lại biên giới bị kiểm soát chặt chẽ về y tế, cùng với việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu ở một số cửa khẩu dẫn đến việc tiêu thụ vải thiều đang trở nên khó khăn hơn.
Khó khăn về thị trường tiêu thụ nông sản mùa dịch cũng đang diễn ra tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long). Theo đó, sản phẩm khoai lang tím (xuất khẩu) được bà con nông dân nơi đây trồng rớt giá chỉ khoảng 500 đồng/kg.
Trong khi, huyện Bình Tân vốn là nơi trồng khoai lang lớn nhất miền Tây, người nông dân hiện đã thu hoạch gần 3.000 ha, còn lại trên đồng khoảng 4.000 ha. Trong số này, có hơn 800 ha khoai lang trên 5 tháng tuổi đã vượt thời điểm thu hoạch. Sản lượng khoai cần tiêu thụ ước khoảng 42.000 tấn.
Vai thieu Bac Giang len ke sieu thi, san TMDT tieu thu nhanh... thu loi?-Hinh-2
Khoai lang rớt giá thê thảm do dịch bệnh, người dân điêu đứng. (Ảnh Vietnamnet). 
Theo Sở NN&PTNN Vĩnh Long, khoai lang tím ở Vĩnh Long chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, sau này thêm thị trường Campuchia và Thái Lan. Tuy nhiên, trước làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề tiêu thụ nông sản của bà con nông dân.
Cùng với đó, người nông dân trồng xoài ở các tỉnh miền Tây cũng đang điêu đứng vì giá xoài chỉ được thương lái mua vào 2.000 đồng/kg (bán tại vựa), cùng kỳ năm trước giá từ 5.000 đồng/kg đến 7.000 đồng/kg.
Các nhà vườn cho biết, giá thuê nhân công thu hoạch rất cao, giá thương lái mua lại thấp nên nhiều nhà vườn đành bỏ xoài tại gốc, hoặc cắt xoài thả cho cá ăn. Theo các nhà vườn, nguyên nhân khiến giá xoài giảm mạnh như vậy là do đầu mối mua gom xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ngưng mua hàng vì dịch COVID-19…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nông sản có tính thời vụ, ngắn ngày nên bị chậm vận chuyển không chỉ phát sinh chi phí mà còn làm hư hao chất lượng, giảm giá trị nông sản.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc dùng từ “giải cứu” dẫn đến hiệu ứng ngược, làm giảm giá thành, giá trị hàng hóa nông sản, khiến nhiều nơi bà con lại bị ép giá. Mặc dù Thủ tướng nói không được “ngăn sông, cấm chợ” nhưng do địa phương nhận thức khác nhau về dịch bệnh nên có những cách ứng xử không đồng nhất, gây ra khó khăn trong vận chuyển nông sản.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu).
Bộ NN&PTNT nhận định, với số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản. Đặc biệt, trong bối cảnh xuất hàng khó khăn, việc thiếu kho lạnh khiến doanh nghiệp chịu nhiều áp lực khi chi phí lưu kho tăng, hàng hóa ứ đọng không có nơi bảo quản, gây thiệt hại không nhỏ doanh nghiệp…
Nhìn chung thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản ở các tỉnh thành hiện đang gặp khó khăn lớn vì đại dịch, song Bộ NN&PTNT cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 5/2021 vẫn ước đạt khoảng 5,01 tỷ USD, tăng 40,2% so với tháng 5/2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,75 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,52 tỷ USD, thủy sản đạt 750 triệu USD và chăn nuôi đạt 41 triệu USD.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với 5 tháng/2020. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13%; lâm sản chính đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%; thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12%; chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%.
Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cao su, chè, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm,…
Riêng cao su, chè, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Với hồ tiêu, dù khối lượng giảm nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 387 triệu USD, tăng 25,2%). Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm, quế.
Lối thoát nào để tiêu thụ nhanh... thu lợi?
Để tháo gỡ khó khăn, giúp người nông dân ở các địa phương tiêu thụ các mặt hàng nông sản mùa COVID-19, thì việc đưa những mặt hàng nông sản lên chợ trực tuyến (online) thông qua qua Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử, được xem là một trong những giải pháp công nghệ số “cứu sinh” quan trọng và đắc lực cho người nông dân.
Minh chứng là những cộng đồng trực tuyến hình thành chợ nông sản online với sự tham gia của rất nhiều thành viên, hoạt động ngày càng lớn mạnh và chất lượng.
Vai thieu Bac Giang len ke sieu thi, san TMDT tieu thu nhanh... thu loi?-Hinh-3
Các hội nhóm chợ mua bán vải thiều Bắc Giang trên Facebook rất đông thành viên.  
Trước bối cảnh này, Bộ Công Thương cũng giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế làm đầu mối chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” và trên các sàn thương mại điện tử.
6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, gồm: Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki-BigC/GO, Shopee, Lazada và Postmart (VnPost) đã khẩn trương đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Điển hình là Sendo liên tục triển khai các tuần lễ giới thiệu nông sản các tỉnh Sơn La, Bến Tre, Hải Dương lên bán thành công trên các kênh trực tuyến. Sau mỗi chương trình, quy trình này lại được hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa và sát thực tế đời sống của bà con hơn.
Đại diện sàn Sendo cho hay: "Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng tôi mong muốn góp một phần công sức để hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận với cái mới, thực hành những phương pháp tân tiến và tự tay tạo ra một tương lai vững chắc hơn cho nghề nông".
Vai thieu Bac Giang len ke sieu thi, san TMDT tieu thu nhanh... thu loi?-Hinh-4
Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang) và khoai lang tím Nhật (Vĩnh Long) lên sàn thương mại Voso. (Ảnh chụp màn hìn).
Sàn Voso của Viettel Post cũng đã đưa vải Bắc Giang lên sàn vào ngày 28/5/2021, với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày. Trước đó, sàn này đã triển khai hỗ trợ người nông dân Hải Dương tiêu thụ vải thiều Thanh Hà. Sau thời gian triển khai, Voso đã bán được 3,2 tấn vải qua sàn và thực hiện phân phối 26 tấn theo hình thức bán buôn.
Riêng Shopee, từ tháng 4/2021, sàn thương mại này đã triển khai dự án hỗ trợ bà con nông dân đưa nông sản, đặc sản từ khắp các tỉnh thành Việt Nam tiêu thụ trên Shopee, đồng thời quảng bá đến người tiêu dùng những mặt hàng nông sản Việt chất lượng, với tên gọi Shopee Farm, đồng hành cùng công ty Ngon Vietnam. Tại Sơn La, các mặt hàng nông sản như: Mận hậu, xoài tròn Yên Châu cũng chính thức lên sàn Shopee từ ngày 28/5/2021, để phân phối tại thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Còn sàn VnPost cũng triển khai chương trình hỗ trợ bà con, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hoá, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức livestream.
Bên cạnh đó, hiện nhiều cửa hàng hoa ở TP.HCM và Hà Nội bất ngờ sáng tạo một “tuyệt chiêu” là sử dụng những kg vải thiều biến thành bó hoa trái cây vải thiều vô cùng độc đáo. Giá bán của những bó hoa vải thiều này lên tới 650.000 đồng đến 850.000 đồng/bó...
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bởi tư duy kinh tế là tư duy thị trường, nếu không nắm được thông tin thị trường trong nước và nước ngoài, chúng ta sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn nữa để nắm bắt được thông tin thị trường, đặc biệt là giữa hợp tác xã với các đơn vị phân phối. Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao công nghệ sơ chế, chế biến, năng lực logistics của hợp tác xã, từ đó giúp người dân chủ động tiêu thụ nông sản trong bất kỳ tình huống nào.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, ngoài làm việc với 9 Tập đoàn bán lẻ lớn để bàn kế hoạch thành lập Hiệp hội tiếp thị tiêu thụ nông sản Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã đề xuất nhiều kiến nghị với các bộ, ngành liên quan trong việc rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và sản xuất, kinh doanh; chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015. Trong 5 năm qua, có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD được khởi công mới, đi vào hoạt động.
Hàng năm, sản lượng lúa của cả nước ước đạt 43,98 triệu tấn; sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 3,6 triệu tấn; nuôi trồng thủy sản 4,4 triệu tấn. Sản lượng các loại cây trồng khác như: Xoài đạt 788.400 tấn; thanh long 1,1 triệu tấn; dứa 674.000 tấn; khoai lang 1,3 triệu tấn; rau, đậu 17,1 triệu tấn.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị định 84/NQ-Cp ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Khánh Hoài

>> xem thêm

Bình luận(0)