Trước đây, chuối tây Thái Lan được thu mua để xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nhưng từ Tết trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thị trường chuối xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh. Các lễ hội trong cả nước tạm dừng tổ chức và học sinh nghỉ học khiến lượng chuối tiêu thụ nội địa cũng giảm theo. Giá thấp, nhưng nhiều nông dân vẫn ngóng thương lái về thu mua, mong vớt vát được tiền công.
Anh Hà (trú tại xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cho biết đầu năm 2019, dồn hết vốn liếng trong nhà và vay mượn thêm ngân hàng để trồng 6.000 gốc chuối tây trên mảnh đất gần 10 ha của mình, thế nhưng đến mùa thu hoạch lại không có người thu mua.
|
Chuối thu hoạch xong nằm ngổn ngang vì không có người mua. |
“Trước đây khu đất này toàn bộ là lau sậy mọc um tùm, bỏ hoang, mình thấy tiếc nên đấu thầu của xã để trồng chuối. Để có được vườn chuối như bây giờ, tôi phải mất rất nhiều tiền thuê nhân công khai hoang đất, triệt sậy và thuê máy múc tạo thành luống chống ngập cho chuối, sau đó về tận Hải Dương mua cây giống. Riêng tiền giống mất khoảng 80 triệu, tiền thuê máy móc, nhân công khoảng 130 triệu, tiền phân bón khoảng 60 triệu và rất nhiều chi phí khác…”, anh Hà phân tích.
Theo anh Hà, để buồng chuối đẹp, ngoài khâu làm cỏ, bỏ phân, trông nom, anh còn phải chú ý thời gian bẻ bắp, go buồng và tỉa lá để lá không chạm vào buồng. “Tổng chi phí để hoàn thiện từ khi trồng đến khi thu hoạch sẽ mất khoảng 80-90.000đ/gốc. Thế nhưng, từ Tết đến giờ thương lái họ trả rất rẻ, chỉ 3.000-4.000đ/kg, giảm 2/3 so với các năm khác. Với giá này thì lỗ nặng nhưng họ cũng thu mua nhỏ giọt, không được nhiều”.
Điêu đứng vì không tìm được đầu ra cho chuối, nhìn hàng nghìn buồng chuối đến kỳ thu hoạch mà không có người mua, anh Hà đã nhờ sự trợ giúp của anh em, bạn bè bán lẻ, nhưng cũng không được là bao.
“Hiện tại, giá chuối chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái do không xuất khẩu được, phía đối tác Trung Quốc đồng loạt thông báo ngưng nhập khẩu mặt hàng này. Trong khi đó, học sinh, sinh viên nghỉ học nên lượng chuối tiêu thụ cho các bếp ăn tập thể cũng không có. Bán lẻ thì khó mà biết bao giờ mới hết 6.000 buồng chuối?”, anh Hà thở dài.
|
Vì không thể bán với số lượng lớn nên một số người huy động anh em bạn bè bán lẻ với giá “giải cứu”. |
Hơn 10 năm trồng chuối Tây, anh Trường (quê ở Vĩnh Phúc) cho biết năm nay là năm thứ 4 anh thuê đất trồng chuối tại Phú Thọ, cũng là năm khó khăn nhất từ trước đến giờ. “Năm ngoái, nước sông lên cao, ngập trắng nên chuối chết hơn 2/3. Trồng hơn 40.000 gốc chuối mới cho thu hoạch được 10.000 buồng, thương lái trả giá 12.000đ-13.000đ/kg, họ chờ sẵn ở bờ ruộng mà không có chuối bán. Năm nay, mấy anh em tôi rủ nhau dồn hơn 6 tỷ tiền vốn để trồng 60.000 gốc chuối, giờ thì không bán được. Cứ đà này thì chúng tôi sẽ thiệt hại từ 2-3 tỷ đồng”, anh Trường cho biết.
Theo anh Trường, nếu như năm trước không có chuối mà bán thì năm nay lại không có ai mua. “Họ thu mua rất rẻ, chỉ vài nghìn/kg. Với mức giá này, mỗi cây chuối tôi phải bù lỗ từ 10.000 – 15.000 đồng, chưa kể cả năm công sức bỏ ra. Giá thấp nhưng thương lái đến thu mua cũng rất ít, các điểm cân chuối cũng không thu gom số lượng lớn nữa. Nhiều hộ trồng chuối thu hoạch xong không biết bán cho ai, chất đống trong nhà và mang ra chợ bán lẻ để thu được đồng nào hay đồng đó”.
Đứng nhìn vườn chuối chín cũng không cam tâm, anh Trường chủ động thuê xe lên cửa khẩu để bán sang Trung Quốc nhưng cũng không ăn thua vì chi phí quá lớn. “Để thu hoạch một xe chuối 20 tấn xuất sang Trung Quốc, tôi phải thuê mất 20 nhân công, chi phí cước xe cũng tăng do tắc biên, chờ đợi quá lâu ở cửa khẩu. Chuối lại là hàng hóa không để lâu được. Nếu cửa khẩu đông quá hoặc tắc biên thì chuối sẽ chín, khó bán hoặc bán với giá rẻ như cho, mà để chuối tại ruộng nó cũng chín”, anh Trường nói.
Trước thực trạng trên, người trồng chuối đang rất cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp để tìm đầu ra và gỡ khó cho người nông dân trong tình hình hiện nay.