Xót xa vải chỉ ra lá, không ra quả
Dưới gốc vải xanh um lá, chị Nguyễn Thị Ngân (thôn Đồng Đò, xã Bình Khê) đang ngồi nhặt rau, chuẩn bị cho bữa trưa. Khi nghe chúng tôi hỏi thăm về vụ vải năm nay, chị Ngân thở dài sườn sượt nói: “Đấy, các chú xem, bình thường đến thời điểm này cây vải phải có quả non rồi, thế mà giờ chỉ lác đác một số cây có hoa, còn lại thì bao công chăm bón chỉ nuôi tốt lá!”.
|
Nông dân xã Bình Khê bên những câyvải trụi, không phân hóa mầm hoa. Ảnh: Nguyễn Quý |
Đã hơn 20 năm trồng vải, từ ban đầu chỉ có 15 cây, rồi mỗi năm lại tăng thêm một ít, đến giờ là hơn 200 gốc, chưa bao giờ vợ chồng chị Ngân nghĩ đến chuyện bỏ cây vải để trồng cây khác. Nhưng qua 2 mùa vải liên tiếp mất mùa, những ngày gần đây anh Hiến (chồng chị Ngân) lụi hụi đào bỏ những gốc vải già cỗi, tính chuyển sang trồng na, nhãn.
So với các cây trồng khác, vải là loại cây ăn quả có diện tích trồng lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với tổng diện tích trên 2.770ha, sản lượng đạt khoảng 8.000 tấn/năm. Trong đó, Đông Triều là nơi có diện tích lớn nhất, với gần 1.000ha vải, sản lượng mỗi năm cho thu hoạch khoảng 3.000 tấn quả. Với giá bán dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, trước đây quả vải đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho bà con địa phương.
Cách nhà chị Ngân khoảng 200m là hộ ông Vũ Văn Túc - nhà trồng nhiều vải nhất thôn Đồng Đò. Ông Túc cũng than thở: “Suốt 24 năm trồng vải, chưa thấy năm nào thời tiết bất thường và khắc nghiệt như 2 năm trở lại đây. Ngay từ tháng 6 năm ngoái, chúng tôi đã bón phân tổng hợp, tỉa cành đủ kiểu mà gần 300 cây vải vẫn “điếc” hoa. Trung bình, một gốc vải bón mất 7kg phân tổng hợp, chi phí lên tới gần 50.000 đồng/gốc, chưa kể công chăm sóc. Mọi năm từ 3ha vải, nhà tôi thu 13-14 tấn quả, mang lại cho gia đình từ 150-180 triệu đồng, nhưng năm nay chắc chưa được nổi 1/10” .
Không chỉ có ông Túc, chị Ngân mà năm nay, người dân trồng vải Bình Khê đều chung nỗi buồn mất mùa. Ông Phạm Văn Thành - Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Khê cho biết, vụ vải năm 2016, do thời tiết giá rét kéo dài khiến tổng sản lượng vải Bình Khê chưa được 10% so với mọi năm. Năm nay không rét thì lại ấm quá, khiến cho các hộ trồng vải như ngồi trên đống lửa vì tỷ lệ ra hoa trên cây rất thấp, có những vườn vải chỉ toàn màu xanh của lộc.
Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh, thực trạng cây vải không thể phân hoá thành mầm hoa, dẫn đến nguy cơ mất mùa cũng xảy ra ở các vùng vải còn lại của thị xã Đông Triều như Tràng Lương, An Sinh, Hồng Thái Đông và Hồng Thái Tây...
Vì đâu nên nỗi?
Theo ông Đặng Đình Thắng - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Đông Triều, từ tháng 12.2016 đến tháng 2.2017, nền nhiệt độ luôn duy trì trung bình khoảng 20 độ C (cao hơn những năm trước khoảng 3 độ C) nên đã không đủ điều kiện để cho trà vải chính vụ phân hoá mầm hoa. Do vậy, đến thời điểm này, hầu hết các cây vải vẫn chỉ có bộ lá thành thục màu xanh vàng, nhiều cây biểu hiện rõ mầm lộc, không phải mầm hoa. Tình trạng này xảy ra ngay cả với những diện tích vải VietGAP, vải trồng theo quy trình Đài Loan đã được người dân áp dụng theo đúng quy trình chăm sóc, cắt tỉa, thậm chí khoanh vỏ đến lần thứ 2...
Vải mất mùa, gần như không thu hoạch được đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của nhiều hộ dân, nhất là với hầu hết các hộ dân Bình Khê lấy vải là nguồn thu nhập chính. Ông Phan Thanh Sản - Chủ tịch UBND xã Bình Khê, cho rằng: “Tình trạng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu dùng, phát triển kinh tế dịch vụ và mở rộng các mô hình kinh tế gia đình của người dân trong thời gian tới, thậm chí có thể xảy ra tình trạng chặt phá cây vải để thay thế các loại cây trồng khác như một số năm vải mất giá trước đây. Chúng tôi đang nghiên cứu, vận động bà con chuyển sang mô hình trồng vải sớm, hiện đã có những tín hiệu khả quan”.
Một số chuyên gia cho rằng, “thủ phạm” chính khiến cho vải không ra hoa trong năm 2016 và năm nay là do sự khắc nghiệt của thời tiết. Bên cạnh đó, hầu hết diện tích cây vải trên địa bàn thị xã đều đã được trồng và thu hoạch trên 15 năm, nên cây đã già và có biểu hiện thoái hoá, năng suất, chất lượng giảm rõ rệt. Đa số các cây lâu năm đều có bộ khung cành lớn (cây cao trung bình 5-6m, đường kính tán 7-8m). Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc, phòng trừ dịch hại, thu hoạch.
Vì vậy, các cơ quan chuyên môn của thị xã cần tiếp tục khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật để giúp người dân tập trung chăm sóc tốt cho những vườn đã ra hoa, bảo đảm diện tích này đậu quả. Đồng thời, bám sát cơ sở để theo dõi diễn biến sự phát sinh, gây hại của sâu bệnh, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ kịp thời.