Theo CNN, Jack Ma trao lại quyền lực cho Daniel Zhang, CEO của Alibaba. Dù vậy, giới quan sát khẳng định ông vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của tập đoàn thương mại điện tử này trong thời gian tới. Ngoài ra, ông vẫn nắm 6,22% cổ phần của Alibaba.
Rũ bỏ gánh nặng quản lý Alibaba, Jack Ma cho biết ông sẽ tập trung vào các hoạt động từ thiện và giáo dục. "Trước tuổi 70, tôi muốn làm được điều gì đó trong các lĩnh vực khác, ví dụ như giáo dục", người sáng lập Alibaba tuyên bố hồi tháng 9/2018.
Cựu giáo viên tiếng Anh Jack Ma rời Alibaba với khối tài sản lên đến 41,8 tỷ USD, theo Bloomberg Billionares Index. Ông là tỷ phú giàu thứ hai châu Á, chỉ đứng sau doanh nhân Mukesh Ambani (Ấn Độ), ông chủ Tập đoàn Reliance Industries.
|
Jack Ma rút lui khỏi vị trí chủ tịch Alibaba ở tuổi 55. Ảnh: Getty.
|
Công ty được Jack Ma sáng lập trong căn hộ của ông hồi năm 1999 đã vươn lên dữ dội, trở thành đế chế thương mại điện tử có giá trị vốn hóa vào khoảng 460 tỷ USD. Tập đoàn này đang thống trị thị trường tỷ dân, thay đổi thành công cách người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm và thanh toán.
Alibaba còn sở hữu hoặc nắm giữ cổ phần trong một số hãng truyền thông quan trọng nhất của Trung Quốc, bao gồm mạng xã hội Weibo và báo South China Morning Post.
“Jack Ma là biểu tượng của lực lượng kinh tế tư nhân Trung Quốc”, CNN dẫn lời chuyên gia Duncan Clark, tác giả của cuốn sách Alibaba: Ngôi nhà Jack Ma xây dựng, đánh giá.
Kể từ khi Jack Ma nắm giữ chức chủ tịch Alibaba năm 2013, doanh thu của công ty tăng 1.100% lên 56,2 tỷ USD (tính đến hết tháng 3/2019). Giới quan sát nhận định kể cả khi không còn là chủ tịch Alibaba, tiếng nói của Jack Ma tại tập đoàn này vẫn sẽ mang tính quyết định.
"Chắc chắn ông Daniel Zhang sẽ không đưa ra quyết định quan trọng nào mà không có sự ủng hộ của Jack Ma", Bloomberg dẫn lời ông Brock Silvers thuộc Kaiyuan Capital bình luận.