Theo nguồn tin của Bloomberg, ông Mukesh Ambani vừa mua dinh thự tại Palm Jumeirah với giá 163 triệu USD từ gia tộc Kuwait Mohammed Alshaya.
Với thương vụ này, vị doanh nhân Ấn Độ đã tự phá vỡ kỷ lục của chính mình về thương vụ mua nhà đắt nhất Dubai. Kỷ lục cũ được thiết lập chỉ cách đây vài tháng.
|
Palm Jumeirah là đảo đầu tiên thuộc quần đảo Cây Cọ tại Dubai. Ảnh: Bloomberg.
|
Thương vụ đắt nhất Dubai
Dubai nổi tiếng với tòa nhà cao nhất thế giới - Burj Khalifa, công viên giải trí trong nhà lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tờ The National của UAE nhận định những hòn đảo nhân tạo tại đây mới thu hút nhiều sự chú ý nhất.
Hồi năm 2001, đảo đầu tiên thuộc quần đảo Cây Cọ mang tên Palm Jumeirah bắt đầu được tiến hành xây dựng. Công trình này có hình dáng của cây cọ, với thân cây, 17 nhánh lá, được bao quanh bởi một hòn đảo lưỡi liềm chắn sóng dài 11 km.
Chính quyền địa phương tham vọng xây dựng một hòn đảo sang trọng với các biệt thự, khách sạn theo chủ đề, chung cư ven biển, bãi biển, bến du thuyền và nhà hàng, cửa hiệu.
Tập đoàn của ông Alshaya sở hữu nhượng quyền thương mại địa phương của các thương hiệu bán lẻ như Starbucks, H&M và Victoria’s Secret. Trong khi đó, ông Ambani là Chủ tịch Reliance Industries, công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất Ấn Độ.
Theo Bloomberg Billionaires Index, ông Ambani hiện nắm giữ khối tài sản ròng trị giá 84,2 tỷ USD và là tỷ phú giàu thứ 10 thế giới.
|
Palm Jumeirah có hình dáng của cây cọ, với thân cây, 17 nhánh lá, bao gồm các biệt thự, khách sạn theo chủ đề, bến du thuyền và nhà hàng, cửa hiệu. Ảnh: Bloomberg.
|
Khối tài sản của ông Ambani chủ yếu đến từ 42% cổ phần trong Reliance Industries. Hồi tháng 4 năm nay, tài sản ròng của ông Ambani đã vượt mốc 100 tỷ USD.
Vị tỷ phú Ấn Độ đang đẩy mạnh mua các bất động sản ở nước ngoài. Năm ngoái, tập đoàn của ông đã chi 79 triệu USD để mua Stoke Park, khu nghỉ dưỡng mang tính biểu tượng của nước Anh, gồm một khách sạn, cơ sở thể thao và giải trí ở hạt Buckinghamshire.
Bloomberg đưa tin ông Ambani cũng đang tìm kiếm một bất động sản ở New York. Hồi đầu năm nay, vị tỷ phú cũng mua một căn nhà ở Dubai với giá 80 triệu USD.
Trước khi bị thương vụ 82,4 triệu USD phá vỡ kỷ lục, đây từng là thương vụ mua bán nhà lớn nhất thành phố.
Giá nhà tăng vọt
Hàng loạt thương vụ mua bán nhà với giá trên trời cho thấy Dubai đã thu hút thành công giới nhà giàu trên thế giới. Thị trường bất động sản đóng góp khoảng 1/3 vào nền kinh tế của thành phố biển.
Ngành công nghiệp địa ốc của Dubai đang phục hồi sau chuỗi giảm kéo dài 7 năm. Nguyên nhân là sự thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 và những sáng kiến nhằm gia tăng sức ảnh hưởng của người nước ngoài đối với nền kinh tế.
Cư dân nước ngoài chiếm hơn 80% dân số của UAE. Họ được coi là trụ cột của nền kinh tế trong nhiều thập kỷ. Các cư dân này chủ yếu làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân, chi tiêu vào bất động sản và hàng hóa ở những trung tâm thương mại hàng đầu thế giới tại Dubai.
Thêm vào đó, UAE hấp dẫn giới nhà giàu với vị thế thiên đường thuế và tính bảo mật về các giao dịch tài chính. Công ty đầu tư Henley & Partners (London) dự báo trong năm nay, UAE sẽ là điểm đến hàng đầu thế giới của giới siêu giàu với khoảng 4.000 tỷ phú mới.
Người Ấn Độ luôn nằm trong top đầu khách hàng mua bất động sản tại Dubai.
|
Giá của những căn nhà cao cấp nhất Dubai đã tăng vọt so với một năm trước đó. Ảnh: Bloomberg.
|
Tính đến cuối tháng 9, giá của những căn nhà cao cấp nhất Dubai đã tăng hơn 70% so với một năm trước đó. Đây là mức tăng lớn nhất trên thế giới, theo chỉ số toàn cầu của Knight Frank.
Các thị trường nhà ở cao cấp trên toàn thế giới cũng chứng kiến những thương vụ mang tính bước ngoặt. Công ty tư vấn đầu tư Blue Pool Capital (có trụ sở ở Hong Kong) của đồng sáng lập Alibaba Joseph Chung-Hsin Tsai (Joe Tsai) đã mua một căn penthouse từ tỷ phú Mỹ Dan Och với giá 188 triệu USD.
Vào tháng 11 năm ngoái, tại Hong Kong, căn hộ đắt nhất châu Á (tính theo ft2) đã được bán với giá 640 triệu HKD (tương đương 82 triệu USD).
Tại Anh, dinh thự 45 phòng nhìn ra công viên Hyde Park cũng đang được rao bán. Vào tháng tháng 1/2020, trước khi dịch Covid-19 giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Anh, cựu Hoàng tử Saudi Arabia Sultan bin Abdulaziz đã bán căn nhà với mức giá kỷ lục 210 triệu bảng Anh.
Người đại diện bên mua là ông Cheung Chung-kiu của tập đoàn địa ốc Trung Quốc CC Land. Tuy nhiên, nguồn tin của Financial Times cho biết người thực sự sở hữu dinh thự là ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch tập đoàn địa ốc nợ nần nhất thế giới China Evergrande.